1. Phật giáo
Trên thế giới, Phật giáo không phải tôn giáo có số lượng tín đồ đông nhất (khoảng 600 triệu tín đồ, chủ yếu ở các nước phương Đông).
Nhưng ở Việt Nam, Phật giáo là tôn giáo có số lượng tín đồ đông nhất, gắn bó đồng hành cùng dân tộc suốt chặng đường dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Giá trị đạo đức văn hóa của Phật giáo đã ăn sâu vào tiềm thức của rất nhiều người dân Việt, gồm cả tín đồ và người có thiện cảm với văn hóa, đạo đức của Phật giáo.
Phật giáo là tôn giáo có số lượng tín đồ đông nhất ở Việt Nam. Ảnh: Thế Bằng
Năm 1981, trên cơ sở hợp nhất của 9 hệ phái Phật giáo, 1 tổ chức chung là Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã được thành lập.
Hiện, cả nước có khoảng 14 triệu tín đồ Phật giáo, trên 54.000 chức sắc, chức việc; 47 cơ sở đào tạo tôn giáo (4 học viện, 1 trường trung cấp, cao đẳng, 34 trường trung cấp Phật học, 8 lớp cao đẳng Phật học) và trên 18,5 nghìn cơ sở thờ tự.
Đường hướng hành đạo là “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam có hệ thống tổ chức hành chính đạo (nhiệm kỳ 2022-2027 có 4 cấp, mới đây Giáo hội đã có hướng dẫn bỏ cấp huyện) nhưng vẫn tôn trọng quan hệ sơn môn, pháp phái. Các vị cao tăng đứng đầu sơn môn, pháp phái trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam có ảnh hưởng rất lớn đối với tăng, ni, tín đồ.
Cùng là Phật giáo nhưng mỗi hệ phái lại có những quy định, đặc trưng riêng. Chẳng hạn, tín đồ Phật giáo Nam tông Khơ me chỉ ăn trước 12h hàng ngày.
Trên thực tế cũng đã phát sinh một số nhóm như Phật giáo Việt Nam thống nhất hoặc một số tổ chức Phật giáo cực đoan..., nhưng không được Nhà nước công nhận.
2. Công giáo
Giáo hội Công giáo Việt Nam được thành lập theo Thư chung năm 1980 (không xây dựng Hiến chương), chịu sự điều hành toàn diện về mặt đạo của Tòa thánh Vatican, kể cả việc bổ nhiệm giám mục, linh mục cũng phải có sự đồng ý của Tòa thánh.
Giáo hội Công giáo Việt Nam có cơ chế tổ chức Hội đồng Giám mục. Cả nước hiện có 3 tòa tổng giám mục, tổng giáo phận (không phân chia rõ ràng theo địa giới hành chính như Phật giáo); 52 giám mục (gồm cả giám mục tại vị và giám mục đã nghỉ hưu); khoảng 7 triệu tín đồ rải khắp 34 tỉnh, thành phố; gần 6.000 linh mục, 31.000 tu sĩ; trên 200 dòng tu; 27 giáo phận, hơn 3.000 giáo xứ, 9.000 cơ sở thờ tự.
Đội ngũ chức sắc, chức việc của Công giáo được đào tạo rất bài bản cả về đời và đạo, tri thức, kỹ năng rất tốt.
Đường hướng hành đạo là: “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”.
Đường hướng hành đạo của các tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động đều hướng đến đại đoàn kết dân tộc.
3. Đạo Tin lành
Là tôn giáo tách ra từ Kito giáo, có nhiều điểm tương đồng với Công giáo nhưng cũng có nét riêng.
Đạo Tin lành đã hình thành nhiều tổ chức, hệ phái, và vẫn đang tiếp tục hình thành thêm các hệ phái trong quá trình phát triển. Mỗi hệ phái lại thành lập nhiều tổ chức với tên gọi khác nhau khi truyền giáo đến các vùng đất.
Hiện đạo Tin lành có 11 hội thánh được Nhà nước công nhận, với tổng số khoảng 1,2 triệu tín đồ, trên 2.300 chức sắc, trên 6.800 chức việc, 4 cơ sở đào tạo tôn giáo và khoảng 600 cơ sở thờ tự. Bên cạnh đó còn nhiều hệ phái chưa được Nhà nước công nhận về mặt tổ chức, mới dừng ở mức cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung.
Đạo Tin lành ở Việt Nam có quan hệ tốt với Tin lành ở Mỹ và Hàn Quốc, phát triển mạnh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đạo Tin lành là tôn giáo lấy dân chủ làm nguyên tắc tổ chức và hoạt động, đề cao tự do cá nhân (trước Thiên Chúa), bình đẳng, bình quyền giữa “dân Chúa”. Tính duy lý ở người theo đạo Tin lành thường có xu hướng trội.
Đường hướng hành đạo là “Sống phúc âm phục vụ Tổ quốc, phục vụ dân tộc”.
4. Đạo Cao đài
Đạo Cao đài là một tôn giáo nội sinh, hiện có trên 1,1 triệu tín đồ, khoảng 10.000 chức sắc, 30.000 chức việc; 3 trường đào tạo, khoảng 1,3 nghìn cơ sở thờ tự.
Đạo Cao đài đã có 10 hội thánh được nhà nước công nhận, 1 pháp môn tu hành và 1 số cơ sở độc lập. Cụ thể gồm: Hội thánh Cao đài Tiên Thiên (được Nhà nước công nhận năm 1995); Hội thánh Cao đài Minh Chơn đạo (1996); Hội thánh Cao đài Chiếu Minh Long Châu (1996); Hội thánh truyền giáo Cao đài (1996); Hội thánh Cao đài Tây Ninh (1997); Hội thánh Cao đài Ban Chỉnh đạo (1997); Hội thánh Cao đài Bạch Y (1998); Hội thánh Cao đài Chơn Lý ( 2000); Hội thánh Cao đài Cầu Kho - Tam Quan (2000); Pháp môn Cao đài Chiếu Minh Tam Thanh Vô vi (2010); Giáo hội Cao đài Việt Nam - Bình Đức (2011)…
Điểm đặc trưng của đạo Cao đài là tổng hợp nhiều giáo lý, giáo luật của các tôn giáo khác. Đối tượng thờ cúng rất phong phú, gồm nhiều thần, Phật, thánh, chúa Giê-su, và cả các doanh nhân, người nổi tiếng (như Victor Hugo)… Hệ thống tổ chức khá cồng kềnh.
Đường hướng hành đạo là “Nước vinh - Đạo sáng”.
5. Hồi giáo
Hồi giáo là tôn giáo có số lượng tín đồ đông nhất trên thế giới (với tổng số hơn 2 tỷ tín đồ). Các tôn giáo khác có rất nhiều kinh sách, song Hồi giáo chỉ có duy nhất Kinh Qur’an, sử dụng ngôn ngữ duy nhất là tiếng Ả rập.
Tại Việt Nam, cộng đồng Hồi giáo có trên 92.000 tín đồ (trên 55.000 tín đồ Hồi giáo Bà ni, trên 37.000 tín đồ Hồi giáo Islam); khoảng 1.000 chức sắc, chức việc, 89 cơ sở thờ tự. Đại đa số người Chăm ở Việt Nam theo Hồi giáo.
Hiện có 7 tổ chức đã được Nhà nước công nhận, cấp đăng ký hoạt động tôn giáo, gồm: Ban đại diện cộng đồng Hồi giáo Thành phố Hồ Chí Minh (1992); Ban đại diện cộng đồng Hồi giáo An Giang (2004); Ban đại diện cộng đồng Hồi giáo Tây Ninh (2010); Ban đại diện cộng đồng Hồi giáo Islam tỉnh Ninh Thuận (2012); Ban quản trị Thánh đường Hồi giáo Al - Noor TP Hà Nội (2013); Hội đồng sư cả Hồi giáo Bà ni Ninh Thuận (2007); Hội đồng sư cả Hồi giáo Bà ni tỉnh Bình Thuận (2012).
Đường hướng hành đạo là: Thiên kinh Qu’ran và Sunnah, thiết lập cộng đồng Hồi giáo đoàn kết không chỉ trong cộng đồng Hồi giáo mà với cả chính quyền, đoàn thể; tuân phục Thượng đế, tôn kính đức Muhammad và kinh Qu’ran; hoạt động theo quy định của pháp luật.
6. Đạo Baha’i
Đạo Baha’i được Nhà nước công nhận năm 2008, hiện có khoảng 7.000 tín đồ, sinh hoạt tại 36 cộng đồng ở các tỉnh, thành phố.
Đạo Baha’i có tổ chức 2 cấp: Hội đồng thường trực tôn giáo Baha’i Việt Nam và Hội đồng thường trực tôn giáo Baha’i xã, phường, thị trấn.
Đường hướng hành đạo là “Tuân thủ pháp luật Việt Nam, nêu cao tinh thần đoàn kết, hòa hợp dân tộc, tôn giáo; phấn đấu vì sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, vì nền văn minh của nhân loại”.
7. Đạo Bà la môn
Đạo Bà la môn (Ấn Độ giáo) là tôn giáo du nhập vào Việt Nam.
Cộng đồng Bà la môn Việt Nam chủ yếu là người Chăm, tập trung ở Ninh Thuận, Bình Thuận, hiện có hơn 66.000 tín đồ, khoảng 400 chức sắc, 42 cơ sở thờ tự.
Có 2 tổ chức đã được Nhà nước công nhận gồm: Hội đồng chức sắc Chăm Bà la môn Ninh Thuận (2012); Hội đồng chức sắc Bà la môn giáo Bình Thuận (2012).
8. Đạo Bửu sơn kỳ hương
Đạo Bửu sơn kỳ hương là một trong những tôn giáo nội sinh, dựa trên nền tảng Phật giáo, hiện có khoảng 10.000 tín đồ, gần 20 cơ sở thờ tự.
Đạo Bửu sơn kỳ hương là một trong những tôn giáo nội sinh, dựa trên nền tảng Phật giáo. Ảnh: Nguyễn Văn Phước
Biểu tượng của đạo Bửu sơn kỳ hương rất đơn giản: thờ tấm trần điều màu nâu già.
Giáo chủ của đạo Bửu sơn kỳ hương là ông Đoàn Minh Huyên (2 giáo chủ của Phật giáo Tứ ân hiếu nghĩa và Phật giáo Hòa hảo là đệ tử của ông Đoàn Minh Huyên).
9. Phật giáo Tứ ân hiếu nghĩa
Phật giáo Tứ ân hiếu nghĩa được Nhà nước công nhận năm 2010 (trước tên là đạo Tứ ân hiếu nghĩa, từ năm 2020 đổi tên thành Phật giáo Tứ ân hiếu nghĩa).
Hiện Phật giáo Tứ ân hiếu nghĩa có khoảng 60.000 tín đồ, trên 900 chức sắc, chức việc, 74 cơ sở thờ tự. Trụ sở chính là chùa Tam Bửu ở Tri Tôn, An Giang.
Đây là một tôn giáo nội sinh yêu nước. Trong cộng đồng Tứ ân hiếu nghĩa có nhiều gia đình liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng.
Đường hướng hoạt động là “Hành Tứ ân - Sống hiếu nghĩa - Vì đại đoàn kết dân tộc”.
Bửu sơn kỳ hương, Tứ ân hiếu nghĩa, Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam, Phật giáo Hòa hảo, Cao đài đều là tôn giáo tích hợp dựa trên nền tảng giáo lý nhà Phật, là những nhánh riêng của Phật giáo. Các tôn giáo nội sinh sau này chủ yếu tập trung hướng tới hoạt động trần thế nhiều hơn giáo lý cao siêu để phù hợp văn hóa, dân trí tại địa bàn.
10. Phật giáo Hòa hảo
Phật giáo Hòa hảo được Nhà nước công nhận từ năm 1999, hiện có khoảng 1,5 triệu tín đồ, 4.000 chức việc, 51 chùa, trụ sở chính tại An Hòa tự (Phú Tân, An Giang).
Phật giáo Hòa hảo giảm tối đa sự cồng kềnh về hành chính, tu tập theo hướng học Phật để tu nhân.
Đường hướng hành đạo là “Vì đạo pháp, vì dân tộc”.
Hoạt động của Phật giáo Hòa hảo hướng nhiều tới an sinh xã hội. Khu vực miền Tây Nam bộ có rất nhiều xe cứu thương của Phật giáo Hòa Hảo. Nhiều hệ thống công trình điện, đường giao thông, trường, trạm có sự đóng góp của cộng đồng tôn giáo này.
11. Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam
Được Nhà nước công nhận năm 2007, tới nay, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam có gần 1,5 triệu tín đồ, hội viên, gần 500 chức sắc, gần 2.700 chức việc, 214 chi hội.
Đường hướng hành đạo là “Tu học, Hành thiện, Ích nước, Lợi dân”.
Tôn chỉ hoạt động là “Phước - Huệ song tu”.
Phát triển y học cổ truyền trên nền tảng giáo lý nhà Phật, mỗi cơ sở thờ tự đều có 1 phòng thuốc nam Phước thiện.
Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam đã nhiều lần nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế; hiện có đội ngũ y sĩ, y sinh là chức sắc tôn giáo nhưng được đào tạo khá bài bản, chuyên nghiệp về y học cổ truyền.
12. Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Việt Nam
Được Nhà nước công nhận năm 2008, Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Việt Nam đã có trên 16.000 tín đồ, 150 chức sắc, 16 tổ chức tôn giáo trực thuộc, 191 điểm nhóm.
13. Giáo hội Phật đường Nam tông Minh sư đạo
Giáo hội Phật đường Nam tông Minh sư đạo được Nhà nước công nhận năm 2008, hiện có 10.000 tín đồ, trên 200 chức sắc, 52 cơ sở thờ tự ở nhiều tỉnh thành.
14. Minh lý đạo Tam tông miếu
Được Nhà nước công nhận năm 2008, Minh lý đạo Tam tông miếu hiện có khoảng 1.200 tín đồ, khoảng 20 chức sắc với 4 cơ sở thờ tự hoạt động ở TPHCM (TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An cũ).
15. Giáo hội các thánh hữu ngày sau của Chúa Giê-su Ki-tô (Đạo Moocmon)
Giáo hội các Thánh hữu ngày sau của Chúa Giê-su Ki-tô Việt Nam được công nhận Ban đại diện năm 2016, được cấp đăng ký hoạt động tôn giáo năm 2019.
16. Phật giáo Hiếu nghĩa Tà lơn
Với khoảng 6.500 tín đồ, 8 cơ sở thờ tự, Phật giáo Hiếu nghĩa Tà lơn được UBND tỉnh Kiên Giang cấp đăng ký hoạt động tôn giáo năm 2016; được Bộ Nội vụ công nhận tổ chức tôn giáo ngày 8/8/2023.
Đường hướng hành đạo là “An bình - bác ái - từ tâm. Học Phật - tu nhân - báo đáp tứ ân”.
17. Pháp tạng Phật giáo Việt Nam
Pháp tạng Phật giáo Việt Nam đã được cấp giấy đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung tại 14 cơ sở (7 cơ sở ở TPHCM, 2 cơ sở ở Đà Nẵng, 2 cơ sở ở Khánh Hòa, 1 cơ sở ở Tiền Giang, 1 cơ sở ở Quảng Trị và 1 cơ sở ở Quảng Ngãi - theo địa giới hành chính cũ).
Tôn giáo này hiện có gần 2.000 tín đồ, tập trung chủ yếu ở Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TPHCM, Long An (cũ).
Ngoài 17 tôn giáo đã được công nhận, cấp đăng ký hoạt động tôn giáo, tại Việt Nam còn có hàng trăm hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo mới, một số tôn giáo chưa đăng ký hoạt động, chưa được công nhận là tổ chức tôn giáo.
Bình Minh