4 nhân viên Công ty vệ sĩ Security chặn đường ở Thanh Hóa đối diện hình phạt nào?

4 nhân viên Công ty vệ sĩ Security chặn đường ở Thanh Hóa đối diện hình phạt nào?
4 giờ trướcBài gốc
Liên quan đến clip ghi lại cảnh một nhóm 5 người mặc đồng phục của Công ty TNHH vệ sĩ Security đứng giữa ngã tư đường, bảo vệ, tổ chức phân luồng giao thông cho đoàn xe đi đám cưới diễn ra tại Đại lộ Lê Lợi (TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa), tối 29/11, Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định tạm giữ hình sự nhóm đối tượng cùng trú tại tỉnh Thanh Hóa, là nhân viên Công ty TNHH vệ sĩ Security gồm: Lê Kiên Quyết (SN 1985, trú thị trấn Hậu Lộc, huyện Hậu Lộc); Hoàng Kim Chung (SN 1996, trú phố Thành Yên, phường Quảng Thành, TP. Thanh Hóa); Nguyễn Đình Dương (SN 1991, trú xã Quảng Minh, TP. Sầm Sơn) và La Văn Thủy (SN 1985, trú xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân) để điều tra làm rõ hành vi gây rối trật tự công cộng.
Nhóm vệ sĩ 5 người đứng ngay ngã tư đường phân luồng để đoàn siêu xe đi qua không những gây phản cảm mà còn vi phạm pháp luật (Ảnh: Cắt từ clip).
Để hiểu rõ hơn về tính pháp lý liên quan đến vụ việc trên, luật sư Ma Văn Giang, Công ty luật TNHH Niềm tin công lý (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho hay, những người tự ý dừng phương tiện đang tham gia giao thông trên đường không phải lực lượng Cảnh sát giao thông hay cá nhân, tổ chức được giao nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ đã cấu thành của tội Gây rối trật tự công cộng.
“Theo quy định tại Điều 37 Luật Giao thông đường bộ, trách nhiệm điều khiển giao thông thuộc Cảnh sát giao thông, trường hợp cá nhân, tổ chức không phải lực lượng Cảnh sát giao thông mà tự ý tổ chức, điều khiển giao thông như phân luồng, dừng các phương tiện đang tham gia giao thông là hành vi xâm phạm trực tiếp đến trật tự an toàn giao thông đường bộ, vi phạm nếp sống văn minh, quy tắc của cuộc sống xã hội chủ nghĩa, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường ở những nơi công cộng. Đây là hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định về trật tự công cộng”, luật sư Ma Văn Giang dẫn chứng.
Luật sư Ma Văn Giang, Công ty luật TNHH Niềm tin công lý (Đoàn Luật sư TP Hà Nội). Ảnh: Hải Sơn
Luật sư Ma Văn Giang cho rằng, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật và từng trường hợp cụ thể mà người thực hiện hành vi vi phạm có thể bị xử lý theo chế tài hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể, đối với chế tài xử phạt vi phạm hành chính tại Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình quy định về mức phạt vi phạm về trật tự công cộng.
Theo đó, mức phạt thấp nhất là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300 – 500 nghìn đồng. Mức phạt cao nhất là phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng. Mức phạt trên áp dụng đối với cá nhân vi phạm, còn đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP.
Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức phạt bổ sung theo quy định tại khoản 13, Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP và có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 14 Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Về xử lý hình sự theo quy định tại Điều 318 Bộ Luật hình sự 2015 nêu rõ, người thực hiện hành vi phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Gây rối trật tự công cộng với khung hình phạt thấp nhất là phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm theo quy định tại khoản 1 Điều 318 Bộ Luật hình sự. Khung hình phạt cao nhất đối với hành vi này là phạt tù từ 2 - 7 năm theo quy định tại khoản 2 Điều 318 Bộ Luật hình sự.
Hải Sơn
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/4-nhan-vien-cong-ty-ve-si-security-chan-duong-o-thanh-hoa-doi-dien-hinh-phat-nao-361753.html