Tối 29/11, tại Nhà hát Thành phố, Liên hoan Sân khấu TP HCM lần thứ nhất, năm 2024 với chủ đề “Khát vọng phương Nam” đã bế mạc.
Với sự tham gia dự thi của 19 đơn vị sân khấu, cùng 24 vở diễn đa dạng về sắc màu nghệ thuật, Liên hoan Sân khấu kịch nói TP HCM lần thứ nhất 2024 đem đến cho khán giả một "đại tiệc" hấp dẫn.
Ban Tổ chức trao huy chương Vàng các tác phẩm, vở diễn xuất sắc tại Liên hoan sân khấu TP HCM lần thứ nhất. Ảnh: T.Phương
Liên hoan đã để lại những cảm xúc sâu đậm trong lòng khán giả, cũng như thể hiện sức sống bền bỉ của nghệ thuật kịch nói trong đời sống văn hóa của TP HCM.
Tại đêm bế mạc, Ban tổ chức đã trao 5 huy chương vàng vở diễn cho các vở “Giáng Hương” (Sân khấu kịch Thiên Đăng), “Cánh đồng rực lửa” (Sân khấu kịch Quốc Thảo), “Đồng chí” (Hội Sân khấu TP HCM), “Cơn mê cuối cùng” (Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh), “Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử” (Nhà hát kịch Idecaf).
Về giải cá nhân, có 28 Huy chương Vàng, 43 Huy chương Bạc. Ban tổ chức cũng trao các giải: Vở diễn dành cho thiếu nhi (“Colora - xứ sở rực rỡ” của sân khấu Ban Mai); Vở có hình thức truyền thông quảng bá ấn tượng (“Bông cánh cò” - sân khấu kịch Hồng Vân); Tác giả xuất sắc (tác giả Ngọc Trúc, vở “Cánh đồng rực lửa” của sân khấu kịch Quốc Thảo); Âm nhạc xuất sắc (Nguyễn Hữu Thu, vở “Giáng Hương” - sân khấu kịch Thiên Đăng); Thiết kế mỹ thuật xuất sắc (Thẩm Thị Lụa, vở “Ngày ấy cổng trời” - sân khấu kịch Trịnh Kim Chi); Thiết kế ánh sáng xuất sắc (NSƯT Thiện Mỹ, vở “Ngày ấy cổng trời” - sân khấu Trịnh Kim Chi).
Phát biểu bế mạc, NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM đánh giá, Liên hoan đã đề ra nhiều mục tiêu, trong đó thông qua một hoạt động nghề nghiệp mang tính chuyên nghiệp sẽ góp phần đánh giá về chất lượng sân khấu kịch thành phố. Nhiều vở diễn được đánh giá cao từ Hội đồng nghệ thuật và khán giả.
Một trong những điểm khác biệt của Liên hoan là các đơn vị không biểu diễn tập trung tại một địa điểm theo thông lệ. Thay vào đó, Hội đồng nghệ thuật đến sân khấu của từng đơn vị để xem và đánh giá.
Theo NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy, việc thi diễn tại nơi hoạt động thường ngày của các đơn vị sẽ là điều kiện khách quan để các cơ quan quản lý đánh giá không chỉ chất lượng vở diễn mà còn là công tác tổ chức, chất lượng hoạt động của từng sân khấu.
Vở “Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử” của Nhà hát kịch Idecaf. Ảnh: HK
Bên cạnh nhiều vở diễn được đánh giá cao từ Hội đồng nghệ thuật và khán giả, Liên hoan cũng đã cho thấy sân khấu kịch TP HCM vẫn còn những vấn đề hạn chế, khó khăn.
Trong đó, một số vở diễn chất lượng chưa cao, phản ánh phần nào sự thiếu kỹ lưỡng trong việc đầu tư của một số ít đơn vị, cá nhân; khó khăn về cơ sở vật chất của một vài điểm diễn hoặc kinh phí còn hạn chế đã ảnh hưởng chất lượng tác phẩm dự thi; yếu tố cạnh tranh mạnh mẽ từ nhiều loại hình giải trí hiện đại khác…
Theo Ban tổ chức, sau khi Liên hoan diễn ra, Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM sẽ phối hợp với các đơn vị để tổ chức biểu diễn lại các vở diễn đoạt giải cao nhằm tiếp tục lan tỏa những tác phẩm chất lượng; giúp khán giả có thêm nhiều điều kiện để thưởng thức những vở kịch có chất lượng tốt của Liên hoan.
Khánh Ngọc