6 tháng khoan thông hầm Đèo Ngang xuyên dãy Hoành Sơn

6 tháng khoan thông hầm Đèo Ngang xuyên dãy Hoành Sơn
19 giờ trướcBài gốc
Ngày 16/7, Công ty CP Sông Đà 10 kích hoạt nổ mìn, phá dỡ những khối đá cuối cùng, chính thức thông hầm Đèo Ngang. Việc thông kỹ thuật hầm Đèo Ngang đánh dấu cột mốc quan trọng trong quá trình thi công công trình nối 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình cũ, nay là tỉnh Quảng Trị.
Xây mới ống hầm Đèo Ngang là một trong những hạng mục của dự án nâng cấp, mở rộng một số cầu, hầm trên quốc lộ 1 với mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng. Để phục vụ thi công hầm Đèo Ngang, 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Trị cần thu hồi 5,5 ha đất nông nghiệp, chuyển đổi mục đích sử dụng hơn 3 ha rừng, 3 thửa đất ở cùng di dời một số công trình kỹ thuật.
Đầu tháng 1/2025, Công ty CP Sông Đà 10 tập kết máy móc, thiết bị triển khai việc thi công hầm Đèo Ngang. Ngày 13/1, nhà thầu khoan mũi khoan đầu tiên thi công hạng mục hầm Đèo Ngang mở rộng.
Thời gian đầu, việc thi công gặp phải một số khó khăn, nhất là về mặt bằng. Trong khi tỉnh Hà Tĩnh cơ bản hoàn thành bàn giao mặt bằng thì tỉnh Quảng Bình cũ, nay là tỉnh Quảng Trị, việc bàn giao có phần chậm hơn. Trước thực tế này, nhà thầu tiến hành thi công ở cửa hầm Bắc.
Thi công xuyên dãy núi Hoành Sơn với những khối đá lớn cần phải nổ mìn. Trước khi nổ mìn đại trà, nhà thầu cần nổ mìn thử nghiệm. Tuy vậy, do công trường thi công hầm Đèo Ngang mở rộng gần các công trình quan trọng, nhất là hầm Đèo Ngang hiện hữu và đường điện 500kV mạch 3 nên công tác đo rung chấn, mức độ tác động càng được chú trọng.
Việc nổ mìn thử nghiệm được tiến hành nhiều lần, và mỗi lần như vậy, kết quả đều được các chuyên gia tính toán, đo đạc cẩn thận. Kết quả nổ mìn thử cũng đã được gửi cho sở, ngành cấp tỉnh của Hà Tĩnh thẩm định, kiểm tra. Đầu tháng 4, việc nổ mìn đại trà mới được cơ quan chức năng chấp thuận.
Ông Nguyễn Tuấn Anh – Tổng Giám đốc Công ty CP Sông Đà cho hay: Để thi công hầm Đèo Ngang mở rộng, đơn vị đã huy động 130 cán bộ, kỹ sư, công nhân cùng 40 đầu máy, thiết bị hiện đại. Việc xây dựng kế hoạch thi công được đơn vị tính toán, lên phương án cụ thể, phù hợp với từng giai đoạn, thời điểm, nhất là để bù lại khoảng thời gian ảnh hưởng do mặt bằng và cấp phép thi công đại trà.
Việc thi công xuyên núi đòi hỏi phải tính toán kỹ càng, cẩn thận, nhất là vấn đề an toàn cho kỹ sư, công nhân. Nhà thầu luôn yêu cầu các mũi thi công tuân thủ đầy đủ, nghiêm ngặt các quy trình an toàn lao động.
Ông Mai Xuân Tân – Giám đốc quản lý dự án (Ban QLDA đường sắt – Bộ Xây dựng) đánh giá: Việc thông hầm Đèo Ngang có ý nghĩa quan trọng, giúp công tác điều phối nhân sự, phương tiện, vật tư, vật liệu có thể đi xuyên qua hầm thay vì phải di chuyển đường vòng, góp phần rút ngắn tiến độ, đưa công trình vào khai thác trong tháng 12/2025.
Theo ông Tân, việc khoan hầm Đèo Ngang vượt kế hoạch trước 1 tháng, ngoài sự nỗ lực, cố gắng của nhà thầu, có sự hỗ trợ, giúp đỡ nhiệt tình từ các ban ngành cấp tỉnh, địa phương 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Trị.
Sau khi khoan thông hầm, tới đây, nhà thầu tiếp tục thi công bê tông vỏ hầm, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng, quạt thông gió, phòng cháy chữa cháy, lối thoát hiểm...
Hầm Đèo ngang xuyên dãy núi Hoành Sơn, có điểm đầu thuộc phường Hoành Sơn, tỉnh Hà Tĩnh (phường Kỳ Nam, TX Kỳ Anh cũ) và điểm cuối thuộc địa phận xã Phú Trạch, tỉnh Quảng Trị (xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình cũ). Hầm được thiết kế vĩnh cửu, vỏ bê tông cốt thép, phần thân hầm dài 555m, rộng 10,5m với 2 làn xe, thiết kế tốc độ 80km/h.
Khi hoàn thành, hầm Đèo Ngang sẽ khai thác song song 2 ống hầm với chiều rộng nền đường lên đến 20,5m, cung cấp 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ. Công trình được kỳ vọng đáp ứng nhu cầu lưu thông ngày càng tăng trên quốc lộ 1 qua tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Quảng Trị.
Video: Ông Mai Xuân Tân - Giám đốc quản lý dự án - Ban QLDA đường sắt, trao đổi về quá trình thi công hầm Đèo Ngang.
Văn Đức
Nguồn Hà Tĩnh : https://baohatinh.vn/6-thang-khoan-thong-ham-deo-ngang-xuyen-day-hoanh-son-post291985.html