60 năm trận thảm sát Giồng Sắn (27-9) Nhắc nhớ về nỗi đau để nỗ lực vươn lên…

60 năm trận thảm sát Giồng Sắn (27-9) Nhắc nhớ về nỗi đau để nỗ lực vươn lên…
4 giờ trướcBài gốc
Ông Phạm Đình Khương (thứ 3 từ phải qua) giới thiệu về bia tưởng niệm tại Di tích quốc gia vụ thảm sát Giồng Sắn. Ảnh: N.Hà
60 năm đã trôi qua, từ nơi kinh hoàng của vụ thảm sát, sức sống mới đang ngày càng mạnh mẽ, minh chứng cho sự quyết tâm vượt khó, đoàn kết vươn lên.
Buổi chiều đẫm máu
Theo các tài liệu lịch sử, khoảng 16h ngày 27-9-1964, sau cơn mưa, trời hửng nắng, hàng trăm ghe, thuyền của người dân đi mua bán, kiếm củi, đánh bắt thủy sản từ các hướng đổ về neo đậu tại ngã ba Giồng Sắn, chuẩn bị đưa củi, cá, tôm… lên bờ mua bán, trao đổi như mọi ngày, chờ xuôi nước đi tiếp. Đang nhộn nhịp bởi những tiếng rao bán hàng, tiếng í ới gọi, hỏi thăm nhau về chuyện làm ăn, hái củi, đánh bắt cá, tôm… thì người dân nhanh chóng chìm vào tiếng gầm rú của máy bay, tiếng trút đổ của bom đạn.
Những cột khói cuồn cuộn bốc lên phủ kín chỗ ghe xuồng đậu… Những cột nước dâng cao hàng chục mét rồi dập xuống bắn tung tóe làm cho nhiều ghe xuồng lật úp, nhiều chiếc bị vỡ ra thành từng mảnh. Hàng trăm người trúng bom đạn chết tại chỗ, nhiều người rơi xuống sông chết chìm, ngã ba sông náo loạn. Tiếng kêu thét của phụ nữ và trẻ em vang lên thảm thiết. Nhưng mặc cho những nạn nhân kêu khóc, những người bị thương đang cố lê lết, dắt díu, bồng bế nhau chạy trốn mong tìm được sự sống mong manh, máy bay địch vẫn từng tốp gầm rú quần thảo trên đầu trút bom xuống ngày càng nhiều, quyết cướp đi sinh mạng của những thường dân vô tội.
Sáng nay 27-9, tại địa điểm Di tích quốc gia vụ thảm sát Giồng Sắn (thuộc xã Phú Đông, huyện Nhơn Trạch), UBND huyện Nhơn Trạch tổ chức dâng hương, tưởng niệm những nạn nhân và các liệt sĩ đã hy sinh trong trận thảm sát và trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Đây là một trong những hoạt động tri ân, tưởng nhớ những người đã khuất trong vụ thảm sát và những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Sau gần một giờ thảm sát, tiếng máy bay, tiếng bom tạm ngưng, thay vào đó là những tiếng kêu la thảm khốc của phụ nữ, trẻ em và những người bị thương nặng. Mọi người chưa kịp hoàn hồn về vụ thảm sát dã man vừa xảy ra thì tiếng máy bay lại tiếp tục gầm rú trên đầu. Một cuộc ném bom và bắn hơn 300 quả đạn pháo 105mm từ đồn Nhà Bè, Sài Gòn với quy mô tàn khốc hơn lại diễn ra, làm chết và bị thương thêm nhiều thường dân.
Gần 4 tiếng gây tội ác vô cớ và khi phát hiện dưới mặt đất không còn sự sống, máy bay địch mới rút lui. Nhằm phong tỏa hiện trường, không cho đồng bào ta đến cứu người bị nạn, địch tiếp tục cho pháo từ đồn Nhà Bè bắn sang khu vực ngã ba sông Ông Kèo, sau đó điều 3 chiếc xe đến hiện trường chở nhiều chuyến người chết và bị thương đi nơi khác để phi tang chứng cứ…
Khoảng hơn 20h đêm 27-9-1964, không còn nghe tiếng máy bay, tiếng pháo, tiếng xe của địch, đồng bào các xã: Phú Hữu, Vĩnh Thanh, Phước Khánh, Đại Phước… gần ngã ba Giồng Sắn rời khỏi hầm trú ẩn, đốt đuốc, rọi đèn chèo xuồng, ghe nhanh ra ngã ba sông, nơi vừa xảy ra cuộc thảm sát để tìm kiếm và cứu những người còn sống sót.
Ông Phạm Đình Khương (71 tuổi, ngụ ấp Bến Đình, xã Phú Đông, huyện Nhơn Trạch) kể rằng, lúc đó ông chỉ tầm 11 tuổi nhưng sau này khi lớn lên, mỗi lần nhắc nhớ về vụ thảm sát, không chỉ ông, con, cháu của ông và nhiều người dân ấp Bến Đình nói riêng, các xã lân cận nói chung vẫn mãi không thể quên tội ác dã man mà đế quốc, tay sai đã gây ra cho nhân dân ta.
“Vụ thảm sát đã cướp đi của chúng tôi không chỉ những người thân yêu, mà còn cả một tuổi thơ êm đềm. Chúng tôi lớn lên trong nỗi đau mất mát, trong sự căm phẫn đối với kẻ thù... Đây là một minh chứng hùng hồn cho tội ác chiến tranh của đế quốc và tay sai gây ra cho đất nước ta, trực tiếp là người dân quê hương tôi” - ông Khương nhấn mạnh.
Vươn lên từ gian khó
Bí thư Đảng ủy xã Phú Đông Hứa Bửu Hổ cho hay: “Từ đổ nát, hoang tàn của chiến tranh, cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Phú Đông đang nỗ lực, chung tay để xây dựng Phú Đông trở thành xã nông thôn mới nâng cao. Nhiều công trình giao thông, trường học, khu công nghiệp… được hình thành ngay trên mảnh đất bị bom đạn cày nát xưa kia”.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Phú Đông Hứa Bửu Hổ, toàn xã có hơn 16,4 ngàn dân sinh sống ở 5 ấp: Bến Đình, Thị Cầu, Bến Ngự, Giồng Ông Đông, Phú Tân. Trong đó, còn 56 hộ nghèo A theo chuẩn của tỉnh đang nỗ lực xóa nghèo vào cuối nhiệm kỳ. Xã Phú Đông quan tâm làm tốt công tác người có công với cách mạng; thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội gắn với phát triển bền vững, tạo khung cảnh yên bình cho vùng đất từng bị chiến tranh tàn phá năm xưa.
Tưởng nhớ những người đã mất trong chiến tranh, năm 2004, huyện Nhơn Trạch đã khởi công xây dựng công trình Bia - công viên tưởng niệm Giồng Sắn trên diện tích 15 ngàn m2. Đây là di tích ghi dấu, tố cáo tội ác của kẻ thù trong cuộc thảm sát thường dân vô tội diễn ra trên vùng đất Phú Đông, Nhơn Trạch cách đây 60 năm. Địa điểm Giồng Sắn đã được UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2004 và di tích cấp quốc gia vào năm 2014.
Phó chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch Lương Hữu Ích cho rằng, mỗi khi nhắc nhớ sự kiện thảm sát hãi hùng ngày ấy, nhiều người dân Phú Đông nói riêng, Nhơn Trạch nói chung, khó cầm được nước mắt.
“Chúng ta không được phép lãng quên vụ thảm sát ngã ba Giồng Sắn, phải luôn nhắc nhở thế hệ trẻ và những người đang sống hiểu rõ nỗi đau ấy. Đồng thời, phải có trách nhiệm gìn giữ thành quả của cách mạng, phát huy tinh thần bất khuất của dân tộc… để từ đó đoàn kết, nỗ lực, vượt khó vươn lên xây dựng xã Phú Đông nói riêng và huyện Nhơn Trạch nói chung giàu đẹp, văn minh, đạt mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra” - ông Lương Hữu Ích khẳng định.
Nguyệt Hà
Nguồn Đồng Nai : https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202409/60-nam-tran-tham-sat-giong-san-27-9-nhac-nho-ve-noi-dau-de-no-luc-vuon-len-c9d07fa/