9 người nhập viện sau khi ăn giỗ

9 người nhập viện sau khi ăn giỗ
2 giờ trướcBài gốc
Kiểm tra tình hình sức khỏe người bệnh trong quá trình điều trị
Trước đó, trưa 19/7, 9 người nói trên cùng ăn giỗ tại nhà một người quen ở phường Phong Dinh. Theo thông tin ban đầu từ một người trong nhóm bệnh nhân, nhà hàng X.Đ. (đóng tại phường Phong Dinh) đảm nhận nấu tiệc với các món gỏi sứa tôm, mực hấp, dê hấp, gà nướng, lẩu cá.
Sau bữa ăn, những người này có dấu hiệu tiêu chảy, buồn nôn, đau đầu, sốt nhẹ. Tình trạng diễn ra liên tục, có người chuyển nặng nên đã đến BVTW Huế cơ sở 2 sáng 20/7 cấp cứu (từ 5-9 giờ sáng).
Qua thăm khám ban đầu và dựa trên dấu hiệu lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán những người này bị viêm dạ dày, ruột cấp do ngộ độc thực phẩm. Trong đó, cụ bà N.T.L. (SN 1941) bị sốc nhiễm trùng, hiện được theo dõi tại Khoa Hồi sức Cấp cứu. 8 bệnh nhân còn lại sức khỏe cơ bản ổn định đang được tiếp tục theo dõi tại Khoa Lâm sàng Nhiệt đới.
TS.BS Nguyễn Đức Hoàng, Phó Giám đốc BVTW Huế cơ sở 2 thông tin, sau khi tiếp nhận chùm ca ngộ độc thực phẩm, đơn vị đã tổ chức lực lượng và điều phối y bác sĩ, phân luồng người bệnh theo từng cấp độ để xử trí kịp thời. "Tại BV luôn đảm bảo đầy đủ nhân lực, cơ số dự phòng đầy đủ (dịch chuyền, kháng sinh đặc hiệu, thuốc vận mạch,..) cùng các trang thiết bị hiện đại, sẵn sàng thực hiện các kỹ thuật cao như lọc máu (ECMO) khi cần", BS Hoàng nói thêm.
Theo ngành chức năng, đây là vụ ngộ độc thực phẩm tập thể đầu tiên xảy ra trong năm 2025 ở Huế.
Một trường hợp bị sốc nhiễm trùng, hiện được theo dõi tại Khoa Hồi sức Cấp cứu
Về phía địa phương, ông Trịnh Đức Nhu, Chủ tịch UBND phường Phong Dinh cho hay đã tiếp nhận thông tin về tình trạng một số người dân nhập viện nghi ngộ độc thực phẩm. Hiện địa phương đang chỉ đạo lực lượng chức năng lấy mẫu thực phẩm, phối hợp các đơn vị xác minh làm rõ nguyên nhân sự việc.
Trưa cùng ngày, Phòng an toàn thực phẩm và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Sở Y tế đã có mặt tại BVTW Huế cơ sở 2 ghi nhận và tiếp xúc với BN đang điều trị tại đây.
Điều kiện thời tiết mùa hè làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường, ô nhiễm do rác thải, nước thải và sự phát triển mạnh của côn trùng vi sinh vật truyền bệnh. Thời tiết nóng ẩm còn tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển khiến thực phẩm dễ bị ôi thiu, nhiễm khuẩn dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Lực lượng chức năng tiếp xúc, xác minh thông tin người bệnh
Để phòng tránh, người dân nên tuân thủ 10 nguyên tắc vàng về vệ sinh thực phẩm: Chọn thực phẩm tươi an toàn; nấu chín kỹ thức ăn; ăn ngay khi thức ăn vừa được nấu chín; bảo quản cẩn thận thực phẩm đã nấu chín; đun kỹ lại thực phẩm trước khi ăn; tránh lây nhiễm chéo giữa thực phẩm sống và thực phẩm chín; luôn giữ tay sạch sẽ; giữ bề mặt chế biến thức ăn luôn khô ráo, sạch sẽ; bảo vệ thực phẩm khỏi các loài côn trùng, loài gặm nhấm và các loài động vật khác; sử dụng nguồn nước sạch an toàn.
Khi có các triệu chứng như nôn, tiêu chảy, đau bụng, sốt, mệt mỏi hoặc mắt mờ, yếu cơ, tê bì cánh tay hoặc thay đổi thị lực như nhìn mờ, nhìn đôi... người bệnh hãy đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.
Báo Huế ngày nay Online sẽ tiếp tục theo dõi, cập nhật thông tin diễn biến vụ việc!
Tin, ảnh: GIANG THƯ
Nguồn Thừa Thiên Huế : https://huengaynay.vn/y-te-suc-khoe/tin-tuc-y-te/9-nguoi-nhap-vien-sau-khi-an-gio-155857.html