Thông tin trên mới được BS.CKI La Văn Dầu – Giám đốc CDC Đồng Nai chia sẻ với PV Báo Sức khỏe & Đời sống.
Theo BS La Văn Dầu, sở dĩ CDC Đồng Nai phải ráo riết chuẩn bị cho đội ngũ kiểm dịch viên vì sân bay Long Thành dự kiến hoạt động vào cuối năm 2025.
Cụ thể, đơn vị đang xây dựng lực lượng kiểm dịch viên gồm 90 người, đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO). Ngay khi đi vào hoạt động, các dịch vụ tại sân bay Long Thành, trong đó có kiểm dịch y tế, phải đạt chuẩn ICAO cấp 4F - cấp độ cao nhất, đủ điều kiện đón các loại máy bay lớn nhất thế giới như Airbus A380, Boeing 747-8.
Được biết, cấp độ 4 F trong phân loại sân bay của ICAO đòi hỏi các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về hạ tầng, trang thiết bị, các dịch vụ và nhân sự tham gia cung ứng dịch vụ.
Với cấp độ 4F, sân bay Long Thành là sân bay quốc tế lớn nhất Việt Nam (sân bay Tân Sơn Nhất mới đạt cấp độ 4E).
90 kiểm dịch viên của CDC Đồng Nai hoàn tất khóa học 2 ngày về nghiệp vụ hồi cuối tháng 5/2025. Ảnh: Đỗ Bá.
"Hiện nay, CDC Đồng Nai đang trong quá trình xây dựng, chuẩn bị cho công tác kiểm dịch y tế tại sân bay quốc tế Long Thành. Trong đó, đào tạo đội ngũ kiểm dịch viên đáp ứng được nhiệm vụ kiểm dịch y tế biên giới tại sân bay quốc tế Long Thành là rất cấp bách", Giám đốc CDC Đồng Nai cho biết.
Cũng theo lãnh đạo CDC Đồng Nai, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất là cảng hàng không lâu đời và lớn nhất miền Nam hiện nay. Kinh nghiệm trong công tác kiểm dịch y tế biên giới tại sân bay Tân Sơn Nhất là rất cần thiết để Đồng Nai học hỏi, áp dụng vào sân bay quốc tế Long Thành.
"Vì vậy, mới đây CDC Đồng Nai đã xây dựng kế hoạch tổ chức lớp Thực hành kiểm dịch y tế quốc tế tại sân bay Tân Sơn Nhất để phục vụ công tác kiểm dịch y tế biên giới tại sân bay quốc tế Long Thành trong thời gian tới. Đáng nói, đây mới là phần thực hành trong nội dung đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng cho 90 kiểm dịch viên của CDC Đồng Nai", bác sĩ Dầu thông tin thêm.
Theo khung chương trình đào tạo tổng thể của CDC Đồng Nai, ngoài thực hành kiểm dịch y tế quốc tế tại sân bay Tân Sơn Nhất, 90 kiểm dịch viên còn trải qua 3 lớp đào tạo nghiệp vụ khác, bao gồm: Lớp kiểm dịch viên kiểm dịch y tế quốc tế (Cục Y tế dự phòng thuộc Bộ Y tế hỗ trợ); Lớp tập huấn giám sát véc tơ, phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm (các Viện chuyên môn thuộc Bộ Y tế ở TPHCM hỗ trợ); Lớp ngoại ngữ chuyên ngành cho kiểm dịch viên sân bay.
Tăng cường kiểm dịch y tế quốc tế tại sân bay Tân Sơn Nhất để phòng dịch bệnh Ebola năm 2014. Ảnh: Đỗ Bá.
"Riêng với hoạt động kiến tập, thực hành kiểm dịch tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, CDC Đồng Nai đã nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM. Bắt đầu từ 1/8 tới đây, các lớp đào tạo, bồi dưỡng, thực hành sẽ khởi động. Theo kế hoạch, cuối tháng 11/2025, mọi hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, thực hành sẽ kết thúc. 90 kiểm dịch viên của CDC Đồng Nai sẽ sẵn sàng nhận nhiệm vụ tại sân bay quốc tế Long Thành", Giám đốc CDC Đồng Nai cho hay.
Thực tế cho thấy, kiểm dịch y tế tại cửa khẩu, đặc biệt là tại sân bay quốc tế, đóng vai trò then chốt trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng, ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch bệnh xuyên biên giới. Những đợt dịch lớn như SARS (2003), Ebola (2014) hay gần đây là COVID-19 đã cho thấy rõ tầm quan trọng của công tác này trong hệ thống kiểm soát dịch bệnh toàn cầu.
Đỗ Bá