An Giang trước 'bài toán' mang tên IUU

An Giang trước 'bài toán' mang tên IUU
8 giờ trướcBài gốc
Tàu cá neo đậu tại khu vực cảng An Thới. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN
Tỉnh An Giang quyết tâm cao độ trong phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), với những giải pháp đồng bộ, sáng tạo từ thực tiễn, nỗ lực cùng cả nước gỡ "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC).
Những chuyển biến tích cực
An Giang có vùng biển rộng hơn 63.000 km², với trên 140 hòn đảo lớn nhỏ, là một trong những trung tâm khai thác thủy sản hàng đầu Việt Nam. Tỉnh có đoàn tàu cá hơn 10.000 chiếc, sản lượng khai thác hàng năm trên 430.000 tấn thủy sản các loại, đóng góp đáng kể vào cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh và tạo việc làm trực tiếp cho hơn 70.000 lao động trên biển.
Năm 2017, khi EC rút "thẻ vàng" cảnh báo đối với thủy sản Việt Nam, tỉnh An Giang quyết liệt phòng, chống IUU với mục tiêu lớn nhất là gỡ bỏ "thẻ vàng", góp phần phát triển ngành thủy sản cả nước theo hướng bền vững và có trách nhiệm.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường An Giang Lê Hữu Toàn cho biết, thời gian qua, tỉnh triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ chống IUU. Tỉnh xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Trung ương, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành, lực lượng chức năng liên quan cùng các cấp chính quyền địa phương và sự đồng thuận từ ngư dân đã đạt được kết quả tích cực.
Sau 8 năm nỗ lực phòng, chống IUU, An Giang đạt được nhiều tiến bộ vượt bậc về quản lý tàu cá hiệu quả với hơn 10.000 tàu cá đăng ký, tỷ lệ tàu cá còn hạn giấy phép khai thác thủy sản trên 71,7%; trong đó, tàu cá từ 15 m trở lên đạt 83,8% (3.036/3.622 tàu); 100% tàu cá được cập nhật đầy đủ thông tin trên cơ sở dữ liệu VNFishbase, VMS và liên kết với cơ sở dữ liệu dân cư VNeID.
Tiếp đến, tỷ lệ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) đối với tàu cá từ 15 m trở lên đạt 99,5% (3.604/3.622 tàu). Việc theo dõi, giám sát hệ thống VMS giúp giảm đáng kể số tàu mất kết nối trên biển và giảm số tàu vượt ranh giới trên biển. Đến nay, tỉnh hỗ trợ cước thuê bao dịch vụ vệ tinh hơn 5,3 tỷ đồng cho 30.660 lượt tàu cá có lắp thiết bị VMS.
Ngoài ra, các đơn vị chức năng liên quan thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát tàu cá ra, vào cảng, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, cấp giấy biên nhận bốc dỡ hàng qua cảng cá chỉ định và giấy xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác cho doanh nghiệp. Đặc biệt, có hàng ngàn tài khoản đăng nhập và sử dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử (eCDT).
Là lực lượng chủ lực trong công tác phòng, chống IUU, Bộ đội Biên phòng An Giang phát động phong trào thi đua đến 100% cán bộ, chiến sĩ nâng cao tinh thần chủ động, trách nhiệm và quyết tâm thực hiện nhiệm vụ trong toàn quân. Những "người lính quân hàm xanh" chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan và địa phương tổ chức tuyên truyền, đối thoại, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của ngư dân và nhận được sự đồng tình, đồng thuận của ngư dân trong phòng, chống IUU. Qua đó, ngư dân hưởng ứng tích cực việc phòng, chống IUU, không đưa tàu cá khai thác trái phép vùng biển nước ngoài vì danh dự và lợi ích quốc gia.
Tuy vậy, An Giang còn nhiều khó khăn, thách thức trong phòng, chống IUU. Đó là, việc giám sát VMS còn hạn chế, còn tàu cá mất kết nối trên biển, còn tàu chưa lắp đặt VMS…
Mặt khác, An Giang có bờ biển dài khoảng 200 km, nhiều bến, bãi ngang và hơn 100 cửa sông, cửa lạch thông ra biển, nhiều đảo lẻ xa đất liền; trong khi hệ thống trạm kiểm soát biên phòng và các lực lượng chức năng còn mỏng... Ngoài ra, việc xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài gặp nhiều khó khăn do thiếu những bằng chứng cụ thể, chủ tàu trốn tránh, không hợp tác hoặc sang tên đổi chủ giả. Nhiều ngư dân hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn, trình độ hạn chế, ảnh hưởng đến khả năng tuân thủ pháp luật, vi phạm IUU.
Các giải pháp trọng tâm
Tàu cá neo đậu tại khu vực cửa biển Hà Tiên. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN
Theo Ban Chỉ đạo về IUU tỉnh, ngoài việc tiếp tục thực hiện đồng bộ những giải pháp phòng, chống IUU, An Giang chuẩn bị tốt nhất cho đợt thanh tra EC lần thứ 5, khắc phục các tồn tại, nỗ lực cùng cả nước gỡ "thẻ vàng" của EC.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường An Giang Lê Hữu Toàn nhấn mạnh, tỉnh tập trung thực hiện tốt chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Tỉnh ủy và kế hoạch của UBND tỉnh về cao điểm giải quyết các khuyến nghị của EC; ngăn chặn, xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, củng cố hồ sơ để truy tố, đưa ra xét xử các trường hợp vi phạm IUU theo Nghị quyết 04 của Tòa án nhân dân tối cao, nhằm răn đe mạnh mẽ.
Theo đó, ngành thủy sản tỉnh thường xuyên cập nhật danh sách các tàu cá không đủ điều kiện hoạt động như: chưa đăng ký, chưa cấp phép, hết hạn đăng kiểm, chưa lắp VMS, mất kết nối VMS… để giám sát, kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn hoạt động trên biển và kiểm tra xử lý vi phạm. Hoàn thiện cập nhật thông tin tàu cá trên VNFishbase, VMS và VNeID.
Mặt khác, ngành chức năng phối hợp đơn vị liên quan và địa phương lập danh sách các tàu có nguy cơ cao vi phạm, đã vi phạm IUU, thường xuyên mất kết nối VMS, môi giới xuất cảnh trái phép… để theo dõi, ngăn chặn, xử lý vi phạm. Đồng thời, tổ chức trực 24/7 hệ thống VMS, kịp thời phát hiện, cảnh báo tàu cá mất kết nối hoặc vượt ranh giới khai thác, hoàn thiện hồ sơ xử phạt các trường hợp vi phạm. Tỉnh triển khai đồng bộ hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử (eCDT), đảm bảo 100% tàu tại cảng được giám sát sản lượng bốc dỡ, tiếp nhận yêu cầu ra vào cảng, thu nộp nhật ký khai thác, thu mua, chuyển tải.
Tỉnh cũng phối hợp liên ngành chặt chẽ trong phòng, chống IUU. Các ngành chức năng khẩn trương điều tra, xác minh, xử lý dứt điểm các vụ tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, vi phạm thiết bị VMS, hoàn thiện hồ sơ xử phạt. Đồng thời, phối hợp tuần tra, kiểm tra, xử lý tàu cá vi phạm IUU trên biển, theo dõi, giám sát, ngăn chặn tàu cá và ngư dân có ý định vi phạm vùng biển nước ngoài ngay tại cộng đồng, nhất là tại các khu vực nghề cá trọng điểm.
Tỉnh đề nghị các lực lượng chức năng Trung ương đóng trên địa bàn, đặc biệt là Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 chủ trì, phối hợp với các lực lượng liên quan tăng cường tuần tra, kiểm soát tại các khu vực biển giáp ranh Việt Nam với các nước, nhất là Thái Lan, Indonesia để ngăn chặn tàu cá An Giang vi phạm vùng biển nước ngoài.
Với những giải pháp đã và đang triển khai quyết liệt, An Giang nỗ lực không ngừng để khắc phục những tồn tại, hoàn thành các khuyến nghị của EC về phòng, chống IUU, hướng tới một ngành thủy sản phát triển bền vững, có trách nhiệm, góp phần khẳng định vị thế của thủy sản Việt Nam trên trường quốc tế.
Lê Huy Hải/vnanet.vn
Nguồn Bnews : https://bnews.vn/an-giang-truoc-bai-toan-mang-ten-iuu/380909.html