Đâu là lời giải thích cho hiện tượng này, diễn biến lạm phát trong sáu tháng cuối năm 2025 sẽ ra sao? Kinh tế Sài Gòn ghi nhận ý kiến đa chiều từ các chuyên gia kinh tế…
Ông Trần Ngọc Báu: Năm 2025, lạm phát khó vượt 5%
“Mức tăng trưởng cung tiền như hiện tại là đủ kích thích kinh tế tăng trưởng tích cực mà chưa tạo nguy cơ lạm phát do việc cung tiền tăng quá mức”, quan điểm của ông Trần Ngọc Báu, Tổng giám đốc WiGroup.
Lạm phát cao đến từ ba nguyên nhân chính, bao gồm cầu kéo, chi phí đẩy hoặc cung tiền quá mức. Trong đó lạm phát cầu kéo và cung tiền thường do các chính sách kinh tế nội tại của quốc gia đó, còn lạm phát chi phí đẩy thường do thiên tai, chiến tranh và các yếu tố nằm bên ngoài quốc gia.
Theo chuyên gia, lạm phát khó vượt 5% trong năm nay. Ảnh: TL
Hiện nay tiêu dùng trong nước đang khá yếu và xu hướng vẫn tiếp tục yếu đi. Theo số liệu từ Cục Thống kê (Bộ Tài chính), bán lẻ hàng hóa và dịch vụ chỉ tăng trưởng 8,3% trong tháng 6-2025, con số này thấp hơn mức bình quân 9,5% trong năm tháng đầu năm nay và cũng thấp hơn rất nhiều so với mức bình quân 12% mà chúng ta thường ghi nhận trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Trong bối cảnh tâm lý tiêu dùng còn thận trọng như hiện nay thì lạm phát từ cầu kéo là điều rất khó xảy ra.
Từ đầu năm đến giờ cung tiền đã có dấu hiệu bứt tốc trở lại sau gần bốn năm khá “èo uột”. Tuy nhiên, với mức tăng trưởng sáu tháng đầu năm ước tính khoảng 7,2% so với cuối năm 2024 thì con số này thuộc loại bình quân cao chứ chưa phải là quá cao và gây rủi ro hệ thống. Con số này tương đương giai đoạn 2013-2020, thời điểm mà lạm phát Việt Nam duy trì quanh 3-4% và kinh tế thực tăng trưởng khoảng 7%. Đối với nền kinh tế Việt Nam thì mức tăng trưởng cung tiền như hiện tại là đủ kích thích tăng trưởng kinh tế tích cực mà chưa tạo nguy cơ lạm phát do việc cung tiền tăng quá mức. Mặt khác, tác động từ tăng trưởng cung tiền đến nền kinh tế cũng thường mất từ một đến hai năm mới thẩm thấu.
Theo số liệu sáu tháng đầu năm nay, chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp tăng 1,95%, đây là mức tăng trung bình của chỉ số này, thể hiện giá cả đầu vào khu vực công nghiệp vẫn tương đối ổn định. Chỉ số giá sản xuất dịch vụ tăng 4,93%, mức này có cao hơn con số tăng trưởng bình quân khoảng 3% của chỉ số này, tuy nhiên đã thấp hơn con số 9,59% của năm 2023 và 5,86% của năm 2024. Như vậy, giá cả dịch vụ đã tăng trưởng chậm hơn so với hai năm trước. Chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho sản xuất tăng 3,84%, chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa giảm 1,57%, những con số này một lần nữa thể hiện áp lực từ chi phí đẩy là thấp. Một nền kinh tế toàn cầu còn yếu đang giúp chúng ta tiếp cận với giá cả hàng hóa toàn cầu rẻ hơn.
Như vậy, trong sáu tháng đầu năm nay, mức lạm phát bình quân chỉ tăng 3,27% cũng là điều phù hợp và bình thường trong bối cảnh tiêu dùng yếu, tăng trưởng cung tiền ở mức chưa quá cao và giá cả đầu vào ở mức cân bằng khi nhiều yếu tố về tỷ giá, chính sách, giá nhập khẩu trung hòa tác động lẫn nhau.
Từ giờ đến cuối năm, xu hướng lạm phát tăng là hiện hữu nhưng để vượt 5% vào cuối năm nay là điều rất khó xảy ra. Yếu tố khách quan tác động đến lạm phát Việt Nam lúc này phần nhiều có lẽ liên quan đến giá xăng, dầu hoặc thiên tai, dịch bệnh khi mùa mưa bão đến gần. Tuy nhiên, lịch sử đã chứng minh, chúng ta đều có khả năng trung hòa cả hai yếu tố này bằng các chính sách kinh tế và hiện tại thì dư địa chính sách tiền tệ thắt chặt và chính sách tài khóa nới lỏng để cân bằng giá cả vẫn còn nhiều.
TS. Nguyễn Quốc Việt: Lạm phát và biến số thuế quan từ Mỹ
“Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân sáu tháng đầu năm 2025 vẫn nằm trong tầm kiểm soát, nhưng thuế quan của Mỹ có thể khiến nhiều ngân hàng trung ương quay trở lại tăng lãi suất, gây áp lực lên lãi suất, tỷ giá, lạm phát ở các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam”, ý kiến của TS. Nguyễn Quốc Việt, trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Mức tăng CPI trung bình sáu tháng đầu năm 2025 là 3,27%, tương đối an toàn và phù hợp với mục tiêu lạm phát 4,5-5% được đặt ra. Nhìn chung, đây không phải là một vấn đề đáng lo đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2025.
Nhiều biến số trong thương mại với Mỹ, đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Ảnh: H.P
Nhìn vào các số liệu thống kê, các rổ hàng hóa liên quan tới nhà ở, vật liệu xây dựng, điện nước, chất đốt, dịch vụ y tế… đều tăng, còn chỉ số giá nhóm giao thông giảm góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI trong sáu tháng đầu năm. Tuy nhiên, giá dầu thế giới đang có sự điều chỉnh liên tục. Xung đột giữa Israel và Iran diễn ra trong 12 ngày đầu tháng 6-2025 đã khiến giá dầu tăng chạm mốc 80 đô la Mỹ/thùng, sau đó xuống ngưỡng dưới 70 đô la Mỹ/thùng. Việt Nam là nước nhập khẩu ròng năng lượng, trong đó có dầu thô, nên nếu xảy ra những biến động tương tự, giá dầu tăng sẽ tác động trực tiếp tới rổ hàng hóa tính CPI, đồng thời làm tăng chi phí sản xuất (PPI) gián tiếp dẫn đến tăng giá hàng hóa. Bên cạnh đó, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng có thể tạo ra tâm lý thiếu hụt trên thị trường, gây ra các hiệu ứng tăng giá năng lượng và các hàng hóa, dịch vụ liên quan.
Bên cạnh đó, trong trường hợp các chính sách thuế quan của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức thực thi, nguy cơ lạm phát có thể khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất. Điều này sẽ khiến các ngân hàng trung ướng lớn khác trên thế giới buộc phải tăng lãi suất theo, gây áp lực lên lãi suất, tỷ giá và lạm phát tại các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam.
Tại Việt Nam, chính sách tiền tệ mở rộng khiến rủi ro tiền đồng giảm giá tăng lên. Cán cân thanh toán yếu đi từ cuối năm 2024 hạn chế năng lực sử dụng công cụ này trong ổn định tỷ giá. Nếu phải gánh chịu rủi ro từ những bất ổn toàn cầu, áp lực lên tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng và các ngoại tệ chủ chốt khác sẽ lớn lên, gây áp lực lên lạm phát trong các tháng cuối năm.
Như vậy, một mặt, chúng ta cần theo dõi sát diễn biến trên thế giới, lường trước các kịch bản để có thể ứng phó hiệu quả, kịp thời với các biến động. Mặt khác, nếu vẫn duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng, cần tiết kiệm các nguồn chi thường xuyên để có dư địa tài khóa giúp giảm thiểu tác động từ các biến động lớn bên ngoài gây áp lực lên lạm phát và ổn định vĩ mô. Chính phủ cũng cần nghiên cứu các biện pháp điều tiết các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, bảo vệ người thu nhập thấp, người lao động bị mất hoặc suy giảm thu nhập và các nhóm yếu thế trong xã hội.
Cuối cùng, bất cập lớn nhất là mức độ tăng giá tập trung chủ yếu vào các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và cảm nhận chung là mức tăng này lớn hơn ở các trung tâm đô thị, khu công nghiệp, các nơi tập trung lao động di cư. Điều này gây ra sự chênh lệch giữa mức tăng giá của hàng hóa, dịch vụ thiết yếu với mức lương và thu nhập mà người lao động thực nhận. Chúng ta cần sớm sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân, thay đổi phương thức tính toán mức giảm trừ gia cảnh, cân nhắc tăng lương tối thiểu theo vùng để phù hợp hơn với mức sống thực tế tại các khu vực tập trung lao động.
TS. Bùi Trinh: Tiền đang đi đâu?
“Hiện tượng cung tiền gia tăng nhưng không tác động đáng kể tới lạm phát đặt ra một câu hỏi nên được xem xét: tiền đang đi đâu?”, TS. Bùi Trinh, trường Đại học FPT, trao đổi với Kinh tế Sài Gòn.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, sau bốn tháng đầu năm 2025, tổng phương tiện thanh toán trong nền kinh tế đạt 18.721.571 tỉ đồng, tăng 4,5% so với cuối năm 2024. So sánh với cùng kỳ năm 2024, mức tăng của tổng phương tiện thanh toán ở vào khoảng 17%. Trong khi đó, tính đến ngày 30-6-2025, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt trên 17,2 triệu tỉ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2024, tăng 19,32% so với cùng kỳ năm 2024. Như vậy, trong nền kinh tế hiện tại, tiền đang rất dồi dào.
Hiện tượng cung tiền gia tăng nhưng không tác động đáng kể tới lạm phát đặt ra một câu hỏi nên được xem xét: tiền đang đi đâu? Ảnh: LÊ VŨ
Thế nhưng, theo báo cáo của Cục Thống kê (Bộ Tài chính), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân sáu tháng đầu năm 2025 tăng 3,27%, lạm phát cơ bản tăng 3,16% so với cùng kỳ năm 2024. Mức tăng nêu trên đến từ chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,69%; chỉ số giá nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,73%; chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 13,87%; chỉ số giá nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,6%; chỉ số giá hàng hóa và dịch vụ khác tăng 6,6%. Hai yếu tố góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI sáu tháng đầu năm 2025 là chỉ số giá nhóm giao thông giảm 3,63%; chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,45%.
Có thể thấy, sự gia tăng mạnh mẽ của cung tiền, mức tăng trưởng tín dụng rất khả quan, cũng như sự giảm giá của tiền đồng so với đô la Mỹ không được coi là nguyên nhân làm tăng CPI, hay nói cách khác, không gây ra lạm phát. Một cách tự nhiên, câu hỏi đặt ra là tiền đang ở đâu?
Chúng ta có thể trở lại với kết quả tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) sáu tháng đầu năm 2025. Theo Cục Thống kê, mức tăng GDP giai đoạn này là 7,52% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là kết quả tăng trưởng tính toán từ phía sản xuất (phía cung), với khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,84%, đóng góp 5,59%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,33%, đóng góp 42,2%; khu vực dịch vụ tăng 8,14%, đóng góp 52,21%.
Tuy nhiên, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp sáu tháng đầu năm 2025 là 8,07%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,11% so với cùng kỳ năm trước. Cùng kỳ, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tính tăng 9,2%; trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 11,1%. Mức tăng của hai chỉ số nêu trên đều cao hơn mức tăng trưởng giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Điều này đặt ra suy ngẫm về hiệu quả sản xuất của nhóm ngành công nghiệp nói chung và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng.
Cùng với đó, sau sáu tháng đầu năm 2025, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,8% so với năm 2024, thấp hơn mức tăng 10,8% trong giai đoạn này của năm 2024; chỉ số tồn kho ngành chế biến, chế tạo bình quân sáu tháng đầu năm 2025 là 85,7% (bình quân cùng kỳ năm 2024 là 76,9%).
Cần lưu ý thêm, trong giai đoạn nền kinh tế liên tục được tăng thêm tín dụng, GDP được tính theo phương pháp sản xuất sẽ bộc lộ thêm hạn chế. Chúng ta nên nhìn thêm từ phía sử dụng (phía cầu). Theo đó, hết quí 2-2025, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,95%; tích lũy tài sản tăng 7,98%; đều cao hơn mức tăng trưởng GDP chung, bù đắp cho sự chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ (xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 14,17%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 16,01%), tăng trưởng GDP tính theo phương pháp chi tiêu (phía cầu) chỉ khoảng 6,3%, chênh lệch đáng ghi nhận so với cách tính theo phương pháp sản xuất.
Đáng nói, trong sáu tháng đầu năm 2025, nhập khẩu nhóm hàng tư liệu sản xuất đạt 198,92 tỉ đô la Mỹ, chiếm 93,7% tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa. Như vậy, nhập khẩu cho tiêu dùng cuối cùng chỉ chiếm 6,4% tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa. Đây là con số khiêm tốn khi so sánh với mức tăng tiêu dùng cuối cùng và mức gia tăng cung tiền.
Như vậy, việc gia tăng cung tiền và tín dụng không thể hiện được tác động đáng ghi nhận trong tăng trưởng GDP, cả theo phương pháp sản xuất và phương pháp sử dụng. GDP tính từ phía cầu thấp hơn so với tính từ phía cung càng chứng tỏ, cung tiền tăng chưa thúc đẩy đáng kể tiêu dùng cuối cùng và đầu tư. Chúng ta phải xem xét một cách nghiêm túc giả thiết, tiền chưa tham gia nhiều vào lưu thông mà vẫn trú ẩn trong các tài sản tương đương tiền như vàng, chứng khoán… hay chảy vào bất động sản hoặc một địa chỉ nào khác. Bơm thêm tín dụng mà không tạo ra mức tăng trưởng tương ứng sẽ khiến nền kinh tế đối diện với những rủi ro trong tương lai.
Khánh Nguyên thực hiện
Khánh Nguyên - Hoàng Hạnh