Ánh sáng vẫn đang chờ

Ánh sáng vẫn đang chờ
6 giờ trướcBài gốc
Ba năm trước, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật, cái tên Bình không còn xa lạ với giới văn nghệ sĩ. Là họa sĩ trẻ có nhiều triển vọng, tên của anh từng xuất hiện ở vài triển lãm, được báo chí giới thiệu là “Ngọn gió mới của hội họa hiện thực”. Bình không những giỏi về kỹ thuật, khả năng quan sát tinh tế, vững về bố cục, ánh sáng, chất liệu… bắt đúng thần thái, hơi thở của nhân vật trong bức tranh mà anh muốn truyền tải đến người xem nhiều thông điệp. Nhưng cuộc đời không như mong muốn, trên đường về quê Bình gặp tai nạn đã khiến cuộc đời anh giờ đây gãy gập như nét bút giữa bức tranh còn đang dang dở.
Anh nằm liệt giường một chỗ suốt ba tháng liền. Mọi công việc chăm nom, săn sóc anh đều từ bàn tay mẹ. Mẹ đã già, tóc bạc trắng, cha anh mất sớm khi anh học lớp tám. Hết ba tháng, Bình được chuyển sang Bệnh viện Phục hồi chức năng để tập cử động, tập đi. Khoảng thời gian đó anh tập đi bằng nạng, đứng dậy lại té ngã, cứ như vậy. Mỗi lần ngã, nước mắt mẹ lăn dài trên gò má, anh không thể khóc… anh không thể chết đi, anh giấu mọi tâm tư vào lòng. Vì anh còn mẹ, anh phải là chỗ dựa cho mẹ sau này, không thể để người tóc bạc tiễn kẻ tóc xanh. Anh tự nhủ nếu bàn tay phải không thể vẽ lại như xưa thì anh sẽ tập lại bằng tay trái… để cho mẹ được vui lòng.
*
Lan đến như một cơn mưa mùa Hạ, tưới tắm lên vùng đất khô héo. Lan buôn bán hoa quả từ đầu ngõ hẻm, hay mỉm cười tươi rói, lúc nào đôi mắt cũng ươn ướt. Thỉnh thoảng, Lan ghé qua nhà Bình đưa cho mẹ Bình ít hoa quả cuối hoặc đầu tháng thắp hương cho cha, có lúc nấn ná ít câu hỏi thăm về Bình. Lúc đầu anh còn e dè, nghĩ cô thương hại cho bản thân anh, dần dần thấy cô ngắm nghía những bức vẽ ngày xưa của anh hồi lâu, anh mới thả lỏng, trải lòng cho cô nghe từng bức vẽ một. Và họ đến với nhau vào một buổi chiều Thu nhẹ nhàng, khi chiếc lá vàng rơi rụng ngoài hiên trong tiếng chuông chùa ngân vang từ xa. Anh như thầm cảm ơn số phận đã đưa Lan đến cuộc đời.
Hàng ngày, Bình cố gắng đưa bàn tay trái cầm bút vẽ. Anh chau mày, gân xanh cứ nổi lên trên tay trái vì những lực ghì vào giấy vẽ không đều. Có những lúc chỉ muốn bỏ đi bức tranh vì chán nản, mỗi lúc như vậy anh nhớ đến nụ cười của Lan, nhớ về người mẹ già luôn động viên con. Cuộc sống hôn nhân thật không dễ dàng, Lan chuyển về sống với mẹ con Bình. Sáng sớm đã vội dậy sớm đi nhập hoa quả, họ sống bằng những đồng tiền ít ỏi từ bán hàng của Lan và những bức vẽ bằng tay trái mới tập của Bình. An - đứa con trai bé bỏng chào đời trong sự vui sướng của của Bình và Lan như một phép màu giữa cuộc đời tưởng như đóng lại.
Nhưng rồi mọi thứ bắt đầu thay đổi.
Lan dần trở nên cáu gắt và dễ nổi nóng. Lan lao mình làm thêm buôn bán đất vì thấy người ta buôn đất cuộc đời nhanh phất lên như gió.
- “Anh Bình trông cho em cái hàng quả, sáng nay em đi làm thêm giới thiệu đất đai cho một vài người” - tiếng gọi Lan từ rất sớm.
Bình chỉ biết tới vẽ vời, công việc này anh ít có sự tập trung, người mua thấy người bán ít nhiệt tình nên tìm sang chỗ mới. Những ngày tiếp theo hoa quả ế ẩm, đất cũng không giới thiệu được ai mua.
- “Anh không làm được gì trong cái nhà này, con cái một mình tôi lo” - Lan gằn giọng, chỉ trỏ.
- Anh… Anh… Bình nói không nên lời.
Một chiều mưa, Lan xách vali bỏ đi. Lá đơn ly hôn được đặt lên bàn. Bé An được tòa giao cho anh vì Lan từ chối quyền nuôi con.
*
Trong cơn say, nửa tỉnh nửa mê anh vẫn nhớ tới vợ, nhớ tới những giây phút ngọt ngào nhất, nhớ chính đôi bàn tay vợ đã kéo anh khỏi vũng lầy cuộc đời. Đau khổ và tuyệt vọng, anh đi lê bước về nhà trong cơn mưa như táp vào mặt không cảm thấy rát. Bình vào phòng vẽ, đưa bút, toan gắn lên giá vẽ… vẽ và vẽ không ngừng nghỉ. Anh cầm cọ không phải để trang trí hay chiều chuộng thị giác, mà để khắc lên toan vải một tiếng gào, một vết xước tâm hồn. Những đường nét trở nên dữ dội, méo mó, hoặc vụn vỡ như một tấm gương rơi xuống nền đá lạnh lùng của thực tại.
Trong tuyệt vọng, màu sắc cũng không còn đẹp theo nghĩa cổ điển. Nó đậm đặc, loang lổ, ẩn chứa nội tâm và những mảnh vụn của ký ức bị xé nát. Mỗi mảng tối không chỉ là cái bóng của vật thể, mà là cái bóng của số phận, của những giấc mơ bị bỏ rơi, của lòng tin rạn vỡ. Anh nhìn sang phòng bên cạnh, thấy bà ôm cháu ngủ ngon lành. Con của anh có khuôn mặt bầu bĩnh, đáng yêu đến nhường nào, suốt ngày quấn quýt lấy anh như thể anh vừa là bố vừa là mẹ. Nhìn thấy con như vậy, kéo anh về thực tại tỉnh táo. Anh nghĩ “nếu mình còn sống như vậy nữa thì mẹ và An sẽ như thế nào đây?”.
Thời gian lặng lẽ trôi. Anh vẽ tranh, bán online, nhận vẽ chân dung theo yêu cầu. Không nhiều tiền, nhưng đủ để nuôi con. Anh còn dạy con học, kể chuyện cổ tích, tập đọc, tập viết. Những đêm An sốt cao gọi mẹ trong giấc mơ, anh thức trắng đắp khăn mát, đôi chân đau nhức nhưng vẫn kiên trì bế con dỗ dành con ngủ. An lớn dần lên trong tình yêu thương của bố. Cậu học giỏi môn sử, hay kể cho bố nghe những câu chuyện về các nhân vật lịch sử, về lòng yêu nước, về những người cha thời loạn vẫn giữ đạo làm người. Năm An thi đỗ trường THPT chuyên tỉnh, lớp sử, anh mừng khôn xiết. Hai cha con ôm nhau giữa căn nhà bé xíu. Đêm đó, Bình ngồi một mình dưới hiên, gió se lùa vào tóc muối tiêu bồng bềnh. Anh vẽ lại bức tranh cũ của mình về người cha đứng dưới bóng cây, đứa trẻ giang tay ôm lấy ánh sáng. Lần đầu tiên sau bao nhiêu năm, anh thấy bàn tay trái của mình run lên không phải vì bệnh, mà vì xúc động.
*
Khi An vào đại học, Bình có nhiều thời gian rỗi hơn nhưng anh không tìm lại sự nghiệp vốn có của mình. Anh nghĩ về những đứa trẻ không cha, không mẹ. Ai sẽ dạy cho chúng niềm tin tốt đẹp vào thế giới này. Anh nhớ về làng trẻ em mồ côi nơi ngoại ô thành phố, đã một lần nào đó anh đã tới đây khi còn sinh viên đại học. Bình đến làng trẻ, xin dạy vẽ miễn phí mỗi ngày cuối tuần. Ban đầu, những đứa trẻ tò mò, khúc khích khi nhìn “ông họa sĩ què”. Nhưng chỉ vài tuần sau, chúng bắt đầu ngóng từ ngoài cổng, đợi anh đến, chúng háo hức khoe tranh, hỏi han từng chút một. Có đứa chỉ vẽ toàn màu đen, có đứa lại vẽ bầu trời với con diều giấy, có đứa vẽ mặt trời và trái tim… Bình không sửa lỗi, anh nhẹ nhàng hỏi: “Các con cảm thấy, nghe thấy điều gì từ chính đôi mắt, đôi tai của các con thì hãy đưa vào tranh vẽ”.
Cô bé Ngân, mái tóc tơ vàng nhạt đáng yêu từng trải qua bị gia đình nuôi lạm dụng. Em vẽ một chiếc cửa đóng, sau đó vẽ ánh sáng mỏng rọi qua khe hẹp. Bình không khen hay chê. Anh chỉ nói: “Cửa nào cũng có thể mở, nếu mình tin bên kia có người chờ”. Dần dần, lớp học của Bình trở thành nơi tụ hội để gieo vào những tâm hồn non nớt một mầm sống, mầm của hy vọng và niềm tin.
Một chiều nọ, sau buổi dạy cho các em ở làng trẻ mồ côi. Có một người phụ nữ đứng chờ Bình nơi ngõ hẻm đi vào nhà. Đó là Lan.
- “Anh… vẫn khỏe chứ?”
Bình gật đầu nhè nhẹ.
- “Em chỉ muốn gặp con… nếu được”, Lan nói và đầu vẫn cúi.
Anh im lặng một lúc lâu. Trong lòng anh, vết thương xưa chưa hẳn lành. Nhưng anh biết tha thứ không phải để người kia nhẹ tội, mà để chính mình được bình yên.
- “An nó đã lớn rồi. Nó có quyền quyết định mọi việc”, anh cứng giọng.
Lan vẫn cúi đầu, những giọt nước mắt lặng lẽ rơi.
*
Tết năm đó, một cuộc triển lãm nhỏ được tổ chức tại làng trẻ em mồ côi. An sau khi kết thúc học kỳ cũng về tham dự cùng bố, cậu rất tự hào về người bố của mình. Những bức tranh được các em treo khắp căn phòng đơn sơ, có hoa giấy, bánh ngọt và những tiếng cười vang.
Bình ngồi cuối dãy ghế, ngắm nhìn từng tác phẩm. Anh đứng hình khi nhìn vào bức tranh có một người đàn ông chân không lành lặn, vẽ bằng tay trái và có rất nhiều những đứa trẻ xung quanh với những khuôn mặt khác nhau. Phía trên là bầu trời rất nhiều màu sắc. Dưới tranh có dòng tít “Thầy Bình - người thầy đầu tiên dạy em nhìn thấy ánh sáng”. Bình xúc động, quay mặt đi, nước mắt anh cứ rơi âm thầm.
Với Bình, bàn tay trái vẫn còn vẽ, trái tim vẫn còn rung. Và phía trước, ánh sáng vẫn đang chờ!!!
Anh Đức
Nguồn Thừa Thiên Huế : https://huengaynay.vn/van-hoa-nghe-thuat/tac-gia-tac-pham/anh-sang-van-dang-cho-155758.html