Mức chi tiêu cho quân sự của các thành viên NATO trong năm 2023.
Ngày 12/12, phát biểu tại thủ đô Brussels của Bỉ, Tổng thư ký NATO Mark Rutte cảnh báo, liên minh quân sự này chưa sẵn sàng đối phó với các hành động từ Nga trong những năm tới, trong khi Moscow đang chuẩn bị cho cuộc đối đầu kéo dài với Ukraine và liên minh.
Nhắc lại rằng, trong Chiến tranh Lạnh, các thành viên NATO đã chi hơn 3% Tổng sản phẩm Quốc nội (GDP) cho quốc phòng, ông Rutte nhấn mạnh, các nước thành viên phải chuyển sang tư duy khi đó, tăng cường sản xuất vũ khí và chi tiêu mạnh tay hơn cho quốc phòng so với mục tiêu hiện tại của liên minh.
Hiện NATO vẫn tuân theo mục tiêu chi tiêu quốc phòng được thống nhất từ năm 2014 là 2% GDP. Tuy nhiên, trong năm 2024, có 7 thành viên châu Âu của liên minh quân sự, trong đó có Italy và Tây Ban Nha, chưa đạt được mục tiêu này. Riêng Đức vừa đạt được mục tiêu này lần đầu tiên trong năm nay.
Người đứng đầu NATO cho rằng, hiện nay, các nước châu Âu đang chi 1/4 số tiền họ có cho quỹ lương hưu và phúc lợi xã hội, và họ chỉ cần sử dụng một phần trong những quỹ này để xây dựng quốc phòng vững chắc.
Đây là lần đầu tiên kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, một Tổng thư ký NATO đề xuất chuyển hướng các quỹ xã hội vào nhu cầu quân sự của tổ chức.
Theo báo Financial Times, tại Hội nghị Ngoại trưởng NATO hồi tuần trước cũng đã diễn ra các cuộc thảo luận sơ bộ về chi tiêu quân sự của các thành viên liên minh, với đề xuất "cam kết ngắn hạn tăng ở mức 2,5% GDP và mục tiêu 3% GDP trước năm 2030".
Quyết định này có thể được chính thức thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh NATO tiếp theo, dự kiến diễn ra vào tháng 6/2025 ở The Hague, Hàn Lan.
Báotrên đánh giá, việc tăng lên 3% GDP sẽ "tạo áp lực lớn lên ngân sách các quốc gia vốn đã bị thắt chặt".
Bảo Minh