Phiên giao dịch hôm nay (19-7), hầu hết ngân hàng thương mại đang bán ra 1 USD tương đương 26.320-26.340 đồng.
Ông Trần Ngọc Báu, chuyên gia kinh tế, CEO Công ty Dữ liệu kinh tế tài chính WiGroup cho biết, trong bối cảnh hiện tại, chính sách tỉ giá USD/VND của Việt Nam đang đi theo hướng tỉ giá trượt, nghĩa là tiền đồng liên tục mất giá so với đồng USD qua từng tháng. Theo đánh giá cá nhân, xu hướng này nhiều khả năng sẽ tiếp tục diễn ra do các áp lực vẫn còn hiện hữu.
Một trong những nguyên nhân chính là chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và Mỹ vẫn ở mức cao, đặc biệt là lãi suất huy động và tín dụng. Điều này tiếp tục thúc đẩy dòng vốn dịch chuyển ra nước ngoài, thể hiện rõ qua cán cân tổng thể quý I-2025 vừa qua khi áp lực rút vốn từ nước ngoài vẫn còn rất lớn.
Mặc dù chúng ta đã loại bỏ được chênh lệch lãi suất trên thị trường liên ngân hàng, nhưng thị trường huy động và tín dụng, vốn là những thị trường quan trọng, vẫn chưa được xử lý tốt, tạo áp lực lên tín dụng và tỉ giá.
Ngoài ra, áp lực trả nợ nước ngoài cũng là một yếu tố đáng kể. Khi tỉ giá tăng mạnh và chênh lệch lãi suất cao, cả Chính phủ lẫn khu vực tư nhân đều có xu hướng trả bớt nợ nước ngoài và hạn chế vay mới.
Điều này dẫn đến xu hướng trả nợ ròng, làm gia tăng nhu cầu ngoại tệ để thanh toán các khoản nợ và chuyển vốn ra nước ngoài dưới hình thức tín dụng và huy động, gây thêm áp lực lên tỉ giá.
Mặc dù xuất khẩu gần đây có tăng trưởng mạnh, nhưng nhập khẩu của Việt Nam cũng tăng trưởng mạnh tương ứng. Do đó, thặng dư thương mại nhìn chung không đủ để gồng gánh áp lực rút vốn này.
Điểm khác biệt lớn nhất của năm nay so với các năm trước là thay vì tỉ giá USD/VND "giật cục" và tăng mạnh trong một vài kỳ rồi ổn định, năm nay tỉ giá USD/VND dự kiến sẽ trượt suốt cả năm. Vì vậy, từ giờ đến cuối năm, tỉ giá vẫn sẽ chịu áp lực và tiếp tục tăng.
Đặc biệt, với bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh bơm tiền, thậm chí bỏ trần tăng trưởng tín dụng để tạo không gian cho dòng tiền, áp lực lên tỉ giá USD/VND sẽ còn tiếp tục diễn ra. Vì việc bơm tiền sẽ tác động trực diện đến tỉ giá.
Các chuyên gia phân tích Công ty chứng khoán KBSV cho biết, chỉ số DXY đã suy giảm khoảng 11% trong nửa đầu năm nay, nhưng tiền đồng vẫn tiếp tục đà mất giá gần 3% so với USD.
Diễn biến này đến từ 2 nguyên nhân chính. Đó là chính sách tiền tệ nới lỏng của Ngân hàng Nhà nước bao gồm duy trì lãi suất thấp, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, mở rộng cung tiền M2. Thứ hai là tâm lý đầu cơ trước các lo ngại về việc thuế quan sẽ gây đảo chiều ròng vốn đầu tư ra khỏi Việt Nam.
Nguyên nhân thứ hai hiện không còn đáng lo ngại khi mà mức thuế Việt Nam phải chịu không quá cao để khiến dòng vốn đầu tư cả trực tiếp hay gián tiếp rời đi.
Thêm vào đó, khả năng cao Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ có 2 lần hạ lãi suất trong năm nay và chính sách tài khóa rộng của chính quyền ông Trump sẽ khiến đồng USD duy trì ở mức thấp.
Theo đó, mặc dù vẫn duy trì quan điểm thận trọng, nhưng tỉ giá USD/VND sẽ không tăng quá 4% trong năm nay, và là mức biến động trong biên độ cho phép trong bối cảnh các chính sách kinh tế đang được đẩy mạnh theo hướng kích thích tăng trưởng.
Theo tiến sĩ Cấn Văn Lực, tỉ giá USD/VND có nhiều biến động trong thời gian qua đến từ nhiều nguyên nhân.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vẫn đang nỗ lực duy trì mức lãi suất thấp trên thị trường liên ngân hàng, hiện dao động khoảng 4%. Mức lãi suất này đang thấp hơn hoặc chỉ ngang bằng so với lãi suất của đồng USD, tạo ra hiện tượng dịch chuyển dòng vốn ra nước ngoài để tìm kiếm lợi suất cao hơn.
Một lý do khác gây áp lực lên tỉ giá là rủi ro thuế quan. Rủi ro này đang được đánh giá là nhiều thách thức, khó khăn cho thương mại toàn cầu, và nếu nó tiếp tục diễn biến phức tạp, xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.
"Tỉ giá USD/VND có thể sẽ êm hơn trong 6 tháng cuối năm. Lý do là Fed sẽ giảm lãi suất trong thời gian còn lại của năm 2025. Khi lãi suất của đồng USD giảm, dòng vốn chảy ngược về nước ngoài sẽ bớt đi, giảm áp lực lên tỉ giá trong nước. Nếu câu chuyện thuế quan trở nên rõ ràng hơn, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sẽ bớt bị xáo trộn và có thể phục hồi ổn định trở lại.
Với những yếu tố này, dự báo tiền đồng Việt Nam sẽ mất giá khoảng 3-4% trong cả năm 2025, đây là mức chấp nhận được trong bối cảnh hiện tại" - tiến sĩ Lực nhận định.
PHƯƠNG MINH