Ảnh minh họa.
Hình thành năm 1992 như là mô hình hợp tác khu vực không chính thức, hợp tác Bắc Âu-Baltic (NB8) gồm tám nước là Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Thụy Điển, Latvia, Lithuania và Estonia.
Từ mục tiêu ban đầu là thúc đẩy quá trình chuyển đổi của các nước Baltic sau khi tách khỏi Liên Xô, với việc Estonia, Latvia, Lithuania gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và khối quân sự NATO vào năm 2004, NB8 ngày càng mở rộng quy mô hợp tác.
Theo thời gian, NB8 đã phát triển một mạng lưới hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, giáo dục, môi trường, văn hóa, ngân hàng... Các cuộc họp cấp cao thường kỳ cũng như các cuộc tham vấn chuyên gia thường xuyên được tổ chức.
Những bất ổn về an ninh ở châu Âu cùng việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO gần đây đã hướng NB8 quan tâm hơn đến các vấn đề an ninh trong khu vực, nhất là ở vùng biển Baltic. Dù cùng dưới chiếc ô chung NATO, nhưng NB8 vẫn tìm cách phát triển các cơ chế hợp tác riêng của mình.
Theo hướng trên, các chủ đề thảo luận chính tại Hội nghị thượng đỉnh lần này ở Thụy Điển sẽ bao gồm quan hệ xuyên Đại Tây Dương và an ninh khu vực ở vùng biển Baltic, cũng như những vấn đề xung quanh cuộc xung đột Nga-Ukraine. Có nhiều lĩnh vực mà NB8 có thể hợp tác, từ sự thống nhất trong hệ thống phòng thủ Bắc Âu-Baltic, hệ thống thu thập và chia sẻ thông tin chung đến mạng lưới giám sát trên không, hệ thống hình ảnh radar dùng chung…
Tuy nhiên, an ninh Biển Bắc-Baltic còn liên quan mật thiết đến Nga, nước cùng chia sẻ vùng biển Baltic nhưng lại ở thế đối đầu với NB8. Dù Thủ tướng Phần Lan coi hợp tác NB8 là điều tốt với “những người hàng xóm” nhưng ở khía cạnh nào đó, mục tiêu là củng cố an ninh khu vực nhưng thực chất là càng chia rẽ.
TIẾN THÀNH