Bài học lạ giúp trẻ em phòng chống xâm hại tình dục

Bài học lạ giúp trẻ em phòng chống xâm hại tình dục
4 giờ trướcBài gốc
“Con rất sốc và cảm thấy kinh khủng. Con muốn nói cho ba mẹ con. Nhưng chú bảo việc vừa nãy là bí mật. Nếu nói ra, con sẽ trở thành đứa trẻ xấu đúng không?”, con rối mang tên bé Hoa nói với con rối trong vai cô giáo.
Cô giáo đáp: “Không đâu. Việc lúc nãy không phải là lỗi của con, mà là lỗi của chú kia. Những việc làm hại đến con, tuyệt đối con không được giữ bí mật, mà phải nói với bố mẹ, thầy cô để mọi người có thể giúp con nhé”.
Đó là một đoạn hội thoại trong vở kịch rối “Lời hứa với thân thể chúng ta” được các cán bộ của tổ chức Good Neighbors International (GNI) truyền tải tới hơn 73 nghìn học sinh của 198 trường học trên khắp Việt Nam trong 10 năm qua.
Vở kịch nằm trong chương trình Kịch rối phòng chống xâm hại trẻ em (GPS) của GNI được thực hiện từ năm 2014 nhằm mục tiêu giúp trẻ em Việt Nam nâng cao nhận thức về các tình huống có nguy cơ bị xâm hại hoặc bắt cóc.
Những vở kịch rối được chọn làm hình thức truyền tải kiến thức bảo vệ bản thân cho trẻ em
Chị Vũ Thị Thùy Dương – cán bộ phụ trách GPS đã tham gia hàng trăm buổi diễn kịch rối – chia sẻ, sở dĩ GNI chọn cách tiếp cận này là vì với trẻ em ở tuổi tiểu học, các kiến thức chứa nhiều thuật ngữ, khái niệm khiến các em khó hiểu, khó tiếp thu.
Thay vì truyền tải kiến thức theo cách truyền thống, GNI chọn cách truyền tải trực quan, vận dụng đa dạng các phương tiện, công cụ phù hợp với trẻ nhỏ.
“Những con búp bê, những chuyển động của con rối, cốt truyện thú vị sẽ dễ dàng lôi kéo được sự chú ý của các em nhỏ. Nội dung và hội thoại trong các vở kịch cũng ngắn gọn và đơn giản, giúp ích rất nhiều cho việc tiếp thu kiến thức của các em”.
Trong mỗi vở kịch, các chú búp bê sẽ được phân vai, được điều khiển để cơ thể chuyển động, được lồng tiếng ngay tại sân khấu. Mỗi chương trình biểu diễn thường kéo dài 45 phút với khoảng 100 - 150 trẻ tham gia.
Trên sân khấu, có tất cả 7 nhân vật lần lượt xuất hiện, có 1 giáo viên hướng dẫn, và 4 nhân sự diễn rối. Không gian biểu diễn có thể là ngoài trời hoặc trong nhà, mức độ rộng rãi tùy thuộc quy mô từng buổi biểu diễn, tập trung vào 2 màn kịch chính.
Màn kịch thứ nhất là về “Tình huống xâm hại tình dục”, từ đó giáo viên tổng kết nội dung và giảng dạy về “quy tắc đồ bơi”, quy tắc “3 bước bảo vệ bản thân”.
Màn kịch thứ hai là “Tình huống dụ dỗ bắt cóc”, sau khi trình diễn xong, giáo viên tổng kết, hướng dẫn quy tắc “khi có người lạ, người quen rủ đi chơi”, và thực hành một số tình huống như: Từ chối sự nhờ vả từ người lạ mặt, phản kháng mạnh mẽ khi bị động chạm/sờ mó cơ thể; bỏ chạy kịp thời và nhấn mạnh việc trẻ nhất định phải báo lại sự việc cho bố mẹ hoặc giáo viên,…
Vừa là người tổ chức, vừa là người giảng dạy chính trong nhiều năm qua, chị Vũ Thị Thùy Dương cho biết, chị cảm nhận được hiệu quả rất rõ ràng mà các vở kịch đã tác động đến cảm xúc và hiểu biết của các em.
“Tôi cực kỳ ấn tượng với những ánh mắt, nụ cười và cả chút sợ hãi của các em khi theo dõi những vở kịch. Ví dụ như đoạn nhân vật Hoa bị ông chú người quen động chạm vào cơ thể, các bạn nhỏ ở dưới sẽ giơ tay và nói ‘chạy đi, người xấu đấy!’.
Hay lúc tất cả mọi người cùng thoát khỏi bà chằn bắt cóc, các bạn sẽ vô thức vỗ tay theo mặc dù MC không yêu cầu. Tôi cảm giác lúc đó không chỉ nhân vật trong vở kịch thoát được bà chằn mà chính các em nhỏ cũng như vừa trải qua câu chuyện”.
Dự án hướng tới nhiều ngôi trường ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa - những nơi trẻ em có ít cơ hội tiếp cận với kiến thức về phòng chống xâm hại tình dục
Một kỷ niệm khác mà chị Dương còn nhớ mãi là lần tổ chức chương trình ở điểm trường xã Thượng Bình, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang. “Điểm trường này có 20 học sinh, đường sá đi lại khó khăn. Đoàn phải đi vào trường bằng xe tải chở đất.
Nhưng khi đến nơi, nhìn những gương mặt háo hức chờ đợi, thậm chí người dân xung quanh cũng kéo đến, bế theo các em nhỏ để xem chương trình, chúng tôi như quên hết mệt mỏi.
Khi vở kịch kết thúc, MC hỏi ‘nếu giờ có người lạ muốn động vào người thì các con sẽ làm gì?’, các bạn đều giơ tay hình nắm đấm và hô ‘không, cháu không thích’. Hay khi MC hỏi số điện thoại của Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em, các em đồng thanh hô to 111”.
“Mặc dù vốn tiếng Kinh của các em còn hạn chế, đôi khi chưa hiểu hết toàn bộ nội dung vở kịch nhưng chúng tôi thấy những nỗ lực của mình đã được đền đáp xứng đáng. Đó là những giây phút khiến tôi nhớ mãi ở mỗi buổi diễn và cũng là động lực để GNI tiếp tục tổ chức hoạt động này trong tương lai”, chị Dương cho biết.
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/bai-hoc-la-giup-tre-em-phong-chong-xam-hai-tinh-duc-2325836.html