1. Vai trò của tập luyện với người mắc Hội chứng sốc nhiễm độc
Hội chứng sốc nhiễm độc (Toxic Shock Syndrome - TSS) là một phản ứng miễn dịch quá mức của cơ thể, thường xảy ra do sự xâm nhập và phát triển của vi khuẩn sinh độc tố, chẳng hạn như Staphylococcus aureus hoặc Streptococcus pyogenes.
NỘI DUNG::
1. Vai trò của tập luyện với người mắc Hội chứng sốc nhiễm độc
2. Bài tập cho người mắc Hội chứng sốc nhiễm độc
2.1. Bài tập hít thở 4 thì
2.2. Bài tập thiền định
2.3. Bài tập đi bộ nhẹ nhàng
2.4. Bài tập yoga
2.5. Bài tập kéo giãn cơ toàn thân
3. Lưu ý khi tập luyện cho người mắc Hội chứng sốc nhiễm độc
Đây là bệnh lý nguy hiểm và hiếm gặp, có thể dẫn tới viêm nhiễm toàn thân, suy đa cơ quan và đe dọa tính mạng nếu không được xử lý kịp thời.
Các triệu chứng điển hình bao gồm: Sốt cao đột ngột, hạ huyết áp, đau cơ, chóng mặt, buồn nôn hoặc tiêu chảy, phát ban đỏ trên da giống như cháy nắng,…
Hội chứng sốc nhiễm độc thường xảy ra ở những người có vết thương nhiễm trùng, sử dụng tampon (băng vệ sinh) hoặc thiết bị y tế không đảm bảo vệ sinh. Bệnh cần được điều trị tích cực tại các cơ sở y tế.
Độc tố của tụ cầu vàng có thể gây Hội chứng sốc nhiễm độc.
Sau giai đoạn cấp tính của bệnh, người bệnh thường gặp phải tình trạng yếu cơ, suy giảm sức đề kháng hoặc giảm khả năng vận động do mất sức và tổn thương hệ tuần hoàn. Tập luyện nhẹ nhàng giúp mang lại những lợi ích sau:
- Tăng cường lưu thông máu: Tập luyện giúp tăng cường tuần hoàn, hỗ trợ phục hồi chức năng tim mạch, giảm nguy cơ huyết khối do nằm lâu trong giai đoạn điều trị.
- Hồi phục sức mạnh cơ bắp: Tăng cường cơ lực và giảm tình trạng teo cơ do thiếu vận động.
- Tăng sức đề kháng: Tập luyện đều đặn giúp kích thích hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả hơn, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
- Giảm căng thẳng tinh thần: Việc tập luyện giúp thư giãn, cải thiện tâm trạng cho người bệnh, đặc biệt là sau khi bị bệnh, người bệnh thường gặp stress hoặc lo âu nhiều.
2. Bài tập cho người mắc Hội chứng sốc nhiễm độc
Dưới đây là một số bài tập gợi ý dành cho người trong giai đoạn hồi phục sau Hội chứng sốc nhiễm độc:
Phương pháp thở 4 thì giúp cân bằng hệ thần kinh cho người mắc Hội chứng sốc nhiễm độc.
2.1. Bài tập hít thở 4 thì
Thở 4 thì là phương pháp thở tổng hợp giúp tăng cường hiệu suất hô hấp bằng cách tối ưu hóa lượng không khí nạp vào phổi; đồng thời, giúp cân bằng hệ thần kinh, cải thiện chức năng tim mạch, giảm cảm giác mệt mỏi cho người bệnh.
Cách thực hiện:
Người bệnh ngồi hoặc nằm ở tư thế thư giãn, hai tay đặt lên bụng.
Thì 1: Hít vào sâu bằng mũi trong 4 giây, tập trung cảm nhận không khí đi vào làm căng bụng và ngực.
Thì 2: Giữ hơi thở trong 4 giây, không để không khí thoát ra ngoài.
Thì 3: Từ từ thở ra bằng miệng trong 4 giây, cảm nhận lồng ngực xẹp xuống và bụng trở về trạng thái ban đầu.
Thì 4: Tạm dừng, không hít vào trong 4 giây trước khi lặp lại chu kỳ.
Thực hiện 10-15 lần.
Thiền định giúp giảm căng thẳng cho người mắc Hội chứng sốc nhiễm độc (ảnh minh họa).
2.2. Bài tập thiền định
Thiền giúp giảm căng thẳng, cải thiện sự tập trung và ổn định tâm lý, đặc biệt cần thiết cho những người bị ảnh hưởng tâm lý sau bệnh nặng như Hội chứng sốc nhiễm độc. Đặc biệt, thiền cũng giúp giảm áp lực lên tim và hệ thần kinh, hỗ trợ phục hồi chức năng các cơ quan.
Cách thực hiện:
Chọn một nơi yên tĩnh, tư thế ngồi thoải mái, thẳng lưng.
Người bệnh nhắm mắt, tập trung vào nhịp thở tự nhiên hoặc lặp lại một câu thần chú nhẹ nhàng như "bình an".
Duy trì trong 10 - 20 phút.
Thực hiện đều đặn mỗi sáng hoặc tối.
2.3. Bài tập đi bộ nhẹ nhàng
Đi bộ nhẹ nhàng là cách giúp tăng cường sức bền tim mạch, kích thích tuần hoàn máu. Ngoài ra, đi bộ ngoài trời còn giúp người bệnh thư giãn tinh thần, hít thở không khí trong lành.
Cách thực hiện:
Đi bộ với tốc độ chậm trong 10 - 15 phút mỗi ngày.
Tăng dần thời gian và tốc độ khi sức khỏe cải thiện.
Nên đi bộ hàng ngày, vào cuối buổi chiều hoặc sáng.
2.4. Bài tập yoga
Sau khi vượt qua Hội chứng sốc nhiễm độc, cơ thể người bệnh thường suy yếu, sức đề kháng giảm và tâm trạng không ổn định. Tập yoga là một phương pháp hiệu quả giúp phục hồi cả thể chất lẫn tinh thần, cải thiện tuần hoàn máu, tăng cường miễn dịch, và hỗ trợ hệ hô hấp.
Một số tư thế yoga phù hợp:
Tư thế em bé:
Người bệnh ngồi quỳ trên thảm, hai chân khép sát, ngón chân cái chạm nhau.
Bắt đầu gập người về phía trước, trán chạm sàn.
Sau đó, duỗi thẳng hai tay ra phía trước hoặc đặt dọc theo thân.
Thở đều, giữ tư thế trong 30 giây đến 1 phút.
Trở về tư thế ban đầu rồi lặp lại 10 - 15 lần.
Tư thế cây cầu:
Tư thế nằm ngửa, co gối, đặt chân phẳng trên sàn cách hông một khoảng rộng.
Hai tay để dọc thân, lòng bàn tay úp xuống.
Từ từ nâng hông lên cao, tạo thành đường thẳng từ vai đến đầu gối.
Thở đều, giữ tư thế trong 15 - 30 giây, sau đó từ từ hạ xuống.
Lặp lại 10 - 15 lần.
Tư thế xác chết giúp phục hồi cả thể chất và tinh thần cho người mắc Hội chứng sốc nhiễm độc (ảnh minh họa).
Tư thế xác chết:
Tư thế nằm ngửa, hai chân duỗi thẳng, thả lỏng toàn thân.
Hai tay đặt dọc theo thân, lòng bàn tay hướng lên.
Nhắm mắt, tập trung vào hơi thở tự nhiên.
Giữ tư thế trong 5 - 10 phút.
2.5. Bài tập kéo giãn cơ toàn thân
Kéo giãn cơ giúp cải thiện tuần hoàn máu, giảm cảm giác cứng cơ và tăng sự linh hoạt. Bài tập này rất hữu ích để phục hồi cơ bắp bị yếu đi sau thời gian dài ít vận động.
Cách thực hiện:
- Căng cơ vai: Đưa tay phải qua đầu, kéo nhẹ nhàng bằng tay trái trong 10 giây rồi đổi bên.
- Kéo giãn chân: Ngồi thẳng lưng, duỗi chân về phía trước, cố gắng chạm tay vào mũi chân trong 10 - 15 giây.
3. Lưu ý khi tập luyện cho người mắc Hội chứng sốc nhiễm độc
Nên tập luyện vào sáng sớm hoặc chiều mát để tránh kiệt sức, không nên tập ngay sau khi ăn hoặc khi cơ thể đang mệt mỏi.
Bắt đầu tập với những bài tập mức độ nhẹ và tăng dần theo sức khỏe, tránh những bài tập đòi hỏi cường độ cao hoặc kéo dài quá lâu.
Kết hợp chế độ dinh dưỡng để đẩy nhanh quá trình hồi phục sau mắc bệnh; tăng cường thực phẩm giàu protein và vitamin như rau củ, cá hồi, trứng; hạn chế thực phẩm nhiều đường, dầu mỡ hoặc chất kích thích như rượu bia, cà phê.
BSNT. Hương Trà