Bài toán chuyển đổi giao thông xanh ở TP.HCM

Bài toán chuyển đổi giao thông xanh ở TP.HCM
10 giờ trướcBài gốc
Một điểm kẹt xe ở TP.HCM trên đại lộ Phạm Văn Đồng.
Chuyển đổi giao thông xanh không chỉ là xu hướng chung đòi buộc, mà còn là yêu cầu bắt buộc để TP.HCM duy trì tốc độ phát triển kinh tế xã hội bền vững, nâng cao chất lượng sống đô thị và hội nhập sâu hơn với xu thế xanh hóa toàn cầu.
CHUYỂN ĐỔI SANG GIAO THÔNG XANH LÀ XU THẾ TẤT YẾU
Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA), ngành giao thông vận tải là nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất trong tất cả các ngành kinh tế, chiếm khoảng 29% tổng lượng phát thải toàn cầu.
Ở Việt Nam, giao thông đường bộ chiếm hơn 18% lượng phát thải khí nhà kính. Riêng tại TP.HCM, con số này còn đáng lo ngại hơn khi mỗi năm ngành giao thông vận tải phát thải hơn 13 triệu tấn khí carbonic (CO₂), chiếm tỷ trọng lớn thứ hai, chỉ sau hoạt động công nghiệp.
Thống kê cho thấy, TP.HCM hiện có gần 10 triệu phương tiện giao thông cá nhân, bao gồm hơn 7,6 triệu xe máy, 700.000 xe ô tô và khoảng 2 triệu xe từ những địa phương khác di chuyển vào thành phố mỗi ngày.
Mục tiêu đến năm 2030, TP.HCM phấn đấu 50% xe buýt sử dụng điện hoặc năng lượng sạch; đến 2050, 100% xe buýt và taxi sẽ chạy điện hoặc năng lượng xanh, phù hợp với cam kết phát thải ròng bằng 0.
Điều này dẫn đến tình trạng kẹt xe thường xuyên, ô nhiễm không khí gia tăng và mức phát thải khí nhà kính ở mức cao kỷ lục. Ước tính tổng lượng phát thải khí nhà kính của TP.HCM lên tới hơn 60 triệu tấn CO₂ mỗi năm, chiếm gần 23% tổng phát thải cả nước. Nếu không có giải pháp mạnh mẽ và đồng bộ, mục tiêu giảm phát thải để đạt “Net Zero” vào 2050 sẽ rất khó khả thi.
Hiện nay, việc chuyển đổi sang phương tiện “xanh” - tức các loại xe không sử dụng nhiên liệu hóa thạch hay sử dụng năng lượng tái tạo, ít phát thải - đang là xu thế toàn cầu. Các nước phát triển đã và đang triển khai nhiều chính sách quyết liệt để thay thế dần phương tiện chạy xăng, dầu bằng xe điện, xe chạy khí CNG, hydrogen... Nhiều thành phố lớn trên thế giới đã lên kế hoạch cấm xe chạy xăng, diesel vào trung tâm hoặc áp dụng thuế phát thải cao để buộc các phương tiện “bẩn” phải rút lui.
Với Việt Nam, đặc biệt là TP.HCM - nơi dân số ngày càng gia tăng và tốc độ đô thị hóa nhanh chóng - xu hướng này càng cần được đẩy mạnh. Chính quyền Thành phố này đã ban hành nhiều kế hoạch cụ thể nhằm “xanh hóa” ngành giao thông vận tải. Quyết định 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 22/7/2022 về Chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải.
Mục tiêu đến năm 2030, TP.HCM phấn đấu 50% xe buýt sử dụng điện hoặc năng lượng sạch; đến năm 2050, 100% xe buýt và taxi sẽ chạy điện hoặc năng lượng xanh, phù hợp với cam kết phát thải ròng bằng 0.
NHỮNG NÚT THẮT LỚN CẦN THÁO GỠ
Mặc dù mục tiêu rõ ràng và quyết tâm cao, nhưng để hiện thực hóa mục tiêu này, TP.HCM phải đối mặt với nhiều thách thức.
Thứ nhất, tỷ lệ phương tiện cá nhân ở thành phố vẫn quá cao. Hiện nay, phương tiện cá nhân đáp ứng tới 85 - 91% nhu cầu đi lại của người dân, trong khi giao thông công cộng chỉ đáp ứng được 9 - 15%. Điều này không chỉ dẫn đến ùn tắc mà còn làm gia tăng ô nhiễm không khí, khí nhà kính.
Thứ hai, hạ tầng phục vụ giao thông xanh còn manh mún. Trạm sạc xe điện vẫn rất hiếm hoi, hệ thống bến bãi cho xe buýt điện, xe taxi điện chưa đồng bộ.
Hệ thống metro - “xương sống” để giảm tải xe cá nhân - dù đã khởi công từ hơn một thập kỷ qua nhưng tiến độ vẫn còn chậm so với nhu cầu thực tế. Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đã đi vào hoạt động, song các tuyến còn lại vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị, trong đó tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương đang thi công gói thầu đầu tiên di dời hạ tầng kỹ thuật, chuẩn bị khởi công chính thức vào cuối năm nay.
Với Đề án metro, TP.HCM kỳ vọng góp phần tái cấu trúc hệ thống giao thông công cộng của thành phố, giảm kẹt xe và ô nhiễm, bảo vệ môi trường
Thứ ba, ý thức cộng đồng còn hạn chế. Việc sử dụng phương tiện cá nhân vẫn là lựa chọn ưu tiên vì sự tiện lợi, trong khi thói quen đi xe buýt, metro hoặc phương tiện công cộng chưa được hình thành vững chắc.
Thứ tư, chi phí đầu tư phương tiện xanh còn cao. Xe điện, xe hybrid (tích hợp chạy xăng và điện) hay xe chạy CNG có giá thành đắt hơn các loại xe truyền thống; trong khi cơ chế ưu đãi, hỗ trợ tài chính cho người dân và doanh nghiệp chuyển đổi phương tiện còn thiếu và chưa đủ sức hấp dẫn.
SÁU GIẢI PHÁP ĐỘT PHÁ CHO TP.HCM
Trước thực tế trên, các chuyên gia, nhà quản lý đã đưa ra nhiều kiến nghị nhằm thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang giao thông xanh, giảm phát thải, góp phần xây dựng TP.HCM thành đô thị xanh, văn minh, hiện đại.
Thứ nhất, tập trung phát triển hệ thống giao thông công cộng xanh: Giải pháp được xem là then chốt và có tính bền vững lâu dài là phát triển mạnh mẽ hệ thống giao thông công cộng, đặc biệt là xe buýt điện, metro, BRT (xe buýt nhanh).
Việc hoàn thành 6 tuyến metro dài 183 km vào năm 2035 và mở rộng lên 510 km vào năm 2060 sẽ đóng vai trò “xương sống” trong kết nối giao thông công cộng. Song song, cần đẩy mạnh việc đầu tư xe buýt điện, xe buýt chạy khí sạch, ưu tiên các tuyến phục vụ khu vực đông dân cư.
Để đạt mục tiêu giảm khí thải, Thành phố nên xây dựng các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ như miễn giảm thuế, lệ phí trước bạ cho xe điện, hỗ trợ đổi xe máy cũ lấy xe máy điện với mức trợ giá hấp dẫn, ưu tiên cho các nhóm tài xế công nghệ, giao hàng- nhóm có tần suất di chuyển lớn.
Thứ hai, thiết lập các vùng phát thải thấp và khu vực cấm xe xăng: Mô hình “vùng không phát thải” đã được nhiều nước Châu Âu áp dụng thành công. TP.HCM có thể thí điểm ở các khu vực có điều kiện kiểm soát thuận lợi như huyện Cần Giờ, Côn Đảo.
iệc kiểm soát phương tiện ra - vào bằng các trạm thu phí, camera tự động sẽ giúp hạn chế phương tiện phát thải cao. Từ đó, nhân rộng ra các khu vực trung tâm TP.HCM khi điều kiện chín muồi.
Thứ ba, khuyến khích mạnh mẽ chuyển đổi xe cá nhân sang xe điện: Để đạt mục tiêu cắt giảm khí thải, Thành phố nên xây dựng các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ như miễn giảm thuế, lệ phí trước bạ cho xe điện, hỗ trợ đổi xe máy cũ lấy xe máy điện với mức trợ giá hấp dẫn, ưu tiên cho các nhóm tài xế công nghệ, giao hàng - nhóm có tần suất di chuyển lớn.
Mục tiêu trước mắt là trong 2 - 3 năm tới, tối thiểu 80% xe máy của shipper, tài xế công nghệ sẽ được chuyển đổi sang xe điện.
Thứ tư, xây dựng hạ tầng sạc điện, bến bãi thông minh: Phát triển mạng lưới trạm sạc công cộng và bến đỗ xe điện phủ khắp Thành phố là điều kiện tiên quyết. TP.HCM cần khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư theo mô hình đối tác công tư (PPP); đồng thời ưu tiên quỹ đất ở các tòa nhà chung cư, bãi đậu xe công cộng để lắp đặt trạm sạc.
Thứ năm, học hỏi kinh nghiệm từ Châu Âu và Bắc Âu: Các nước EU đã chứng minh Thỏa thuận Xanh (European Green Deal - EGD) là “kim chỉ nam” cho sự chuyển đổi xanh. Trong đó, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển công nghệ, ưu đãi thuế, phát triển năng lượng tái tạo, đầu tư nghiên cứu pin và hệ thống lưu trữ năng lượng đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng, có thể tận dụng các hiệp định thương mại, quan hệ song phương để thu hút vốn, công nghệ và kinh nghiệm.
Thứ sáu, yếu tố quan trọng nhất vẫn là sự thay đổi hành vi của cộng đồng. Bên cạnh chính sách và hạ tầng, các chuyên gia cũng khuyến nghị TP.HCM cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục người dân về lợi ích của việc sử dụng phương tiện xanh, phát triển thói quen đi bộ, đi xe đạp cho các quãng đường ngắn.
Các trường học, cơ quan, doanh nghiệp cũng nên khuyến khích nhân viên, học sinh sử dụng phương tiện công cộng, xe đạp thay vì xe máy, ô tô cá nhân. Mỗi người dân là một “mắt xích” trong chuyển đổi xanh.
Anh Khuê
Nguồn VnEconomy : https://vneconomy.vn/bai-toan-chuyen-doi-giao-thong-xanh-o-tp-hcm.htm