Bài văn tả bố đạt điểm 10 nhưng đọc xong phụ huynh phải tự kiểm điểm bản thân

Bài văn tả bố đạt điểm 10 nhưng đọc xong phụ huynh phải tự kiểm điểm bản thân
4 giờ trướcBài gốc
Trẻ con vốn luôn ngây thơ và thật thà, điều này không chỉ thể hiện ở đời sống hằng ngày mà trong học tập cũng vậy. Nhất là qua những bài văn của lứa tuổi tiểu học, giáo viên và phụ huynh càng thấy được sự chân thật của các con.
Ở những bài văn ấy, các em không chỉ thể hiện sự non nớt trong suy nghĩ mà còn viết ra những gì mà các em quan sát thấy hằng ngày. Vì vậy, không ít bài văn khiến người lớn phải "dở khóc dở cười". Thế nhưng, nhờ những bài văn này, giáo viên và phụ huynh mới thêm phần hiểu thêm con em mình, từ đó có cách định hướng và giáo dục phù hợp hơn.
Trước đó, một bài văn của em học sinh lớp 4 xuất hiện từ năm 2019 khi làm về đề tài "tả bố của em" đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng. Bài văn của em học sinh này chân thực tới từng chi tiết, vừa hài hước lại vừa khiến người lớn phải suy ngẫm sau khi đọc xong.
Bài văn tả bố của em học sinh lớp 4 cực chân thật nhưng khiến phụ huynh phải suy ngẫm thật nhiều. Ảnh: Infonet
Cụ thể, bài văn được em học sinh trình bày như sau: "Nhà em có nuôi một ông bố tên là Nguyễn Quang Tuấn. Bố em làm nghề giám đốc, bố 43 tuổi. Sáng nào bố cũng vào nhà vệ sinh rất lâu, em buồn tè mà phải chờ bố ra.
Em gọi thì bố bảo "mày xuống nhà vệ sinh tầng 1 đi". Em trả lời "con sợ ma" thì bố lại nói vọng ra "thế phải cố mà nhịn, đàn ông phải tập trải qua khó khăn cho quen đi con ạ.
"Ngày nào bố cũng đi làm tận khuya mới về. Em hỏi thì bố bảo "tao đi tiếp khách". Thi thoảng bố mới vào bếp nấu ăn. Hôm nào bố nấu đều có trứng luộc, thịt luộc... Thỉnh thoảng bố tát mẹ tím mặt vì tội...nói nhiều. Bố còn hút xì gà rất hôi".
Cuối bức thư, cậu bé không quên bày tỏ tình cảm với bố mình: "Em chỉ hơi thương bố một chút thôi".
Qua bài văn này của cậu bé lớp 4, ông bố của em hiện ra là một người tất bật với công việc. Không những vậy, bố còn có tính cách khá cứng rắn và mạnh mẽ. Tuy nhiên, ông bố cũng có nhiều tật xấu như hút xì gà rất hôi, ăn nói cộc lốc với con, có hành động không đẹp với vợ, chẳng mấy khi vào bếp nấu ăn...
Từng chi tiết của bố đều được cậu bé ghi nhớ và diễn đạt lại cực chân thật. Chính vì vậy, cô giáo đã quyết định chấm bài văn này 10 điểm. Tuy nhiên, do em học sinh viết chữ xấu và trình bày không gọn gàng nên đã bị cô giáo trừ đi 1 điểm để rút kinh nghiệm cho những bài làm văn sau.
Từng chia sẻ về bài văn trên Infonet, cô giáo cho hay: "Đọc bài làm của học sinh tôi thấy rất bất ngờ, thích thú trước giọng văn chân thật, ngô nghê khi tả thực. Đây là một học sinh nam khá cá tính trong lớp học mà tôi chủ nhiệm. Với các bài tập làm văn, em thường khiến tôi rất bất ngờ vì những câu văn đậm chất tả thực".
Về phần phụ huynh của em học sinh, có lẽ sau khi đọc bài văn của con, ông bố sẽ phải suy ngẫm thật nhiều về những hành động và lời nói của mình. Trên thực tế, trẻ em sẽ bị ảnh hưởng bởi bố mẹ và những người thân qua lối sinh hoạt hằng ngày. Nếu ông bố không điều chỉnh những thói quen tật xấu hay lời nói cộc lốc sẽ khiến cậu bé in sâu trong tâm trí, dần dần khi lớn lên, em cũng sẽ bị ảnh hưởng những tính cách này bởi bố.
Bài văn này cũng là lời nhắc nhở đến các bậc phụ huynh khác, cần cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói hằng ngày cũng như cách hành xử với nhau để làm gương cho con trẻ.
Phương Linh
Nguồn SaoStar : https://saostar.vn/sao-hoc-duong/bai-van-ta-bo-dat-diem-10-bo-doc-xong-phai-tu-kiem-diem-chinh-minh-202409291410045427.html