Bản đồ đất đai bất nhất, dân kêu cứu vì không có đường đi

Bản đồ đất đai bất nhất, dân kêu cứu vì không có đường đi
3 giờ trướcBài gốc
Con đường... lúc có lúc không, chưa xác định được
Báo Giao thông nhận thông tin của 60 hộ dân thôn Tân Lập phản ánh bị một số gia đình lấn chiếm đường đi chung, làm ảnh hưởng đến việc họ đi làm đồng áng. Sự việc đã kéo dài nhiều năm nay nhưng chưa được giải quyết dứt điểm.
Người dân thôn Tân Lập bày tỏ bức xúc với phóng viên khi cho rằng đường đi của cộng đồng bị lấn chiếm.
Có mặt tại khu vực đường mà người dân cho rằng đã bị lấn chiếm nhiều năm nay, phóng viên Báo Giao thông ghi nhận, dấu tích con đường không còn. Do đó, nhiều hecta đất canh tác của người dân phía bên trong trước đây trồng sắn, mía nay bỏ hoang.
Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết ở thôn Tân Lập, bức xúc: "Đường cũ bị rào, nhiều năm nay tôi không thể trồng sắn, mía ở đất của mình trong khu vực này, bởi việc đi đưa máy cày vào canh tác là không thể do không có đường".
Ở nơi bà Tuyết phản ánh, chỉ có một cách là đi men theo một con kênh nhỏ vào nơi có đất vườn. Máy móc không thể vận chuyển vật tư, phân bón trên mương thủy lợi. Vì vậy, nhiều hộ dân thiếu đất để sản xuất nhưng đành để cho cỏ mọc trên đất của mình nhiều năm nay.
Nhiều thửa đất nông nghiệp của người dân thôn Tân Lập bị bỏ hoang nhiều năm do không có đường vào sản xuất. Ảnh: Cao Sơn.
Về việc con đường bị biến mất khiến người dân không thể canh tác trên đất của mình, ông Đặng Trung Trực, nguyên Chủ tịch UBND xã Cam Phước Tây (giai đoạn 2010 - 2017) cho biết: "Năm 1975, con đường này đã được hình thành. Đây là đường đất để người dân ra vào sản xuất, vận chuyển nông sản. Sau khi cấp đất cho người dân theo nghị định 64 (Nghị định 64 năm 1993 của Chính phủ giao đất cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng lâu dài vào sản xuất nông nghiệp), con đường vẫn thể hiện trong sổ đỏ của người dân. Tôi cũng đã có ý kiến với lãnh đạo xã để lập lại đường đi cho người dân". Dù vậy. mọi việc vẫn chuyển biến rất nhùng nhằng.
Theo tình hình thực tế, phần đường trước đó trên khu vực này hiện nằm trong phần đất của hai hộ dân là hộ bà Nguyễn Thị Loan và ông Nguyễn Văn Hiệp. Trong đó, thửa đất của bà Loan đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Bà Loan cho biết, trong sổ đỏ của gia đình bà có thể hiện con đường hơn 2m là lối đi chung. Gia đình bà sẵn sàng trả lại đất, nhưng khi văn phòng đăng ký đất đai tỉnh phối hợp với UBND xã cắm mốc đo đạc thì con đường lại rộng đến hơn 6m, phạm vào đất của gia đình bà rất nhiều. Trong khi đó, UBND xã lại chưa xác nhận được trước đây có đường này hay không, lộ giới bao nhiêu nên gia đình bà chưa cho cắm mốc.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Hiệp (một trong hai chủ đất) lại cho rằng, thửa đất của ông là mua lại từ một người khác vào năm 2004 bằng giấy viết tay, chưa thực hiện thủ tục chuyển nhượng theo quy định. Khi mua đất, ông thấy không có đường nên sử dụng cho đến nay.
Mương nước khiến người dân không thể đưa máy cày vào ruộng để cày đất.
Tại biên bản làm việc của UBND xã Cam Phước Tây với các hộ dân liên quan (ngày 17/2/2023), hai hộ dân trên được cho là lấn chiếm con đường đã ký vào biên bản đồng ý cắm mốc trả lại hiện trạng tuyến đường.
Tuy nhiên, sau đó, cả hộ này lại không chấp hành như biên bản đã cam kết và sự việc kéo dài đến nay.
Nếu dân không đồng ý thì có thể kiện ra tòa
Trước khiếu nại của người dân, ngày 26/10/2023, trong báo cáo cho gửi UBND huyện Cam Lâm, thanh tra huyện và UBND xã Cam Phước Tây lại cho rằng, đối chiếu với bản đồ địa chính được đo đạc năm 1991, ký duyệt năm 2002, hiện trạng khu vực người dân phản ánh không có đường đất, không có đường bê tông. Các thửa đất dọc tuyến đường được cấp sổ đỏ thời điểm năm 1998 không thể hiện đường đi. Nhưng khi đối chiếu với bản đồ địa chính VN-2000 (bản đồ mới) lại thể hiện đường bê tông, chiều rộng đo được là từ trên 5m - 7m.
Tuy nhiên, các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp theo bản đồ VN-2000 ở khu vực trên có sự không đồng nhất trong việc thể hiện kết cấu con đường: có thửa thì "đường đất rộng hơn 2m", lại có thửa "đường bê tông rộng hơn 5m" trên cùng một tuyến đường có chiều dài khoảng hơn 200m. Do đó, UBND xã Cam Phước Tây cho rằng: việc cho rằng các hộ dân lấn chiếm đường đi là không đủ cơ sở.
Ông Đỗ Thành Nhân, Chủ tịch UBND xã Cam Phước Tây cho biết, qua đối chiếu nhiều giấy tờ liên quan thì khu vực người dân khiếu nại không có đường đi. Xã cũng trả lời với các hộ dân và đã báo cáo với UBND huyện Cam Lâm. "Trong quá trình đo đạc, không hiểu vì sao trên bản đồ mới lại thể hiện có con đường thì chính quyền xã đã báo cáo UBND huyện để làm rõ", ông Nhân nói.
Người dân cho biết, mương thủy lợi khiến người dân không thể cho máy nông nghiệp chạy trên do sợ vỡ nắp đậy.
Ngày 30/9, UBND huyện Cam Lâm có văn bản trả lời kiến nghị của các hộ dân liên quan ở xã Cam Phước Tây. Theo đó, bản đồ đo đạc chỉnh lý năm 1991 của xã Cam Phước Tây (ký duyệt năm 2002), các thửa đất có liên quan mà người dân cho rằng có đường đi đã không thể hiện đường đi chung.
Còn theo bản đồ VN-2000 (bản đồ hệ tọa độ hiện hành) của xã Cam Phước Tây được đo đạc và phê duyệt năm 2013 có thể hiện đường bê tông chiều rộng khoảng 6m - 8m, chiều dài gần 200m.
Tuy nhiên, qua kiểm tra hiện trạng thực tế thì UBND huyện xác định không có đường giao thông như bản đồ VN-2000 thể hiện. Từ những cơ sở trên, đối chiếu hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với bản đồ đo đạc chỉnh lý năm 1991 của xã Cam Phước Tây và hiện trạng sử dụng đất, huyện xác định "không có đường giao thông".
Văn bản của UBND huyện Cam Lâm xác định, bản đồ VN-2000 năm 2013 thể hiện đường giao thông là "không đúng so với bản đồ cũ được phê duyệt năm 2002" của xã Cam Phước Tây và không đúng so với hiện trạng sử dụng đất. Vì vậy, việc người dân đề nghị xử lý các hộ được cho là lấn chiếm đường đi chung và khôi phục lại đường là không có cơ sở xem xét, giải quyết, theo UBND huyện.
Trao đổi với phóng viên, ông Huỳnh Uy Viễn, Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm cho hay, UBND huyện đã thành lập tổ công tác để xác minh. Theo ông, bản đồ cũ không thể hiện có đường, tổ công tác đã kết luận trả lời người dân.
"Còn đối với con đường xuất hiện trên bản đồ, UBND huyện đã kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa tiến hành đo đạc lại và cập nhật vào bản đồ cho khu vực trên. Sắp tới, huyện sẽ mời các hộ dân lên trực tiếp để đối thoại cụ thể. Trường hợp người dân không đồng ý với văn bản trả lời của UBND huyện thì có thể gửi đơn đến tòa án để được xem xét, giải quyết tranh chấp đất đai theo thẩm quyền", ông Viễn nói.
Tưởng Cao Sơn
Nguồn Giao Thông : https://www.baogiaothong.vn/ban-do-dat-dai-bat-nhat-dan-keu-cuu-vi-khong-co-duong-di-192241128090607692.htm