Dự báo 16 giờ chiều mai (23-7), bão số 3 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau tiếp tục suy yếu thành vùng áp thấp, trên khu vực Thượng Lào.
Dự báo, do tác động của bão, chiều tối và đêm nay (22-7), khu vực vịnh Bắc Bộ (bao gồm các đặc khu Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải, Hòn Dấu, Hòn Ngư) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 10. Sóng biển cao 2-4m. Biển động mạnh. Tàu thuyền trong vùng nguy hiểm có nguy cơ gặp dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.
Dự báo 16 giờ chiều mai (23-7), bão số 3 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau tiếp tục suy yếu thành vùng áp thấp, trên khu vực Thượng Lào.
Vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 10. Khu vực sâu trong đất liền các tỉnh/thành: Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa có gió giật cấp 6-8.
Từ chiều tối 22-7 đến sáng 23-7, các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, phía Nam Phú Thọ và Sơn La có mưa to, lượng mưa 50-100mm, có nơi trên 200mm; các nơi khác ở Bắc Bộ và Hà Tĩnh có mưa 20-40mm, có nơi trên 100mm. Nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng vùng trũng thấp.
* Bão Wipha được nhận xét là không lớn bằng Yagi, cơn bão lớn nhất đổ bộ vào đất liền Việt Nam trong vòng 70 năm qua. Tuy nhiên, cơn bão này vẫn có nhiều điểm khác biệt đáng chú ý, như hoàn lưu rộng, lượng mưa lớn và tồn tại lâu hơn.
Mặc dù đã đổ bộ vào đất liền, một số địa phương như Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên (cũ), Hà Nội ghi nhận lượng mưa gián đoạn, có thể thấy trời hửng nắng. Theo các chuyên gia khí tượng, do bão vẫn tiếp tục duy trì mất đối xứng tâm và lệch Nam nên đĩa mây phía Tây Bắc mỏng. Ngược lại với các khu vực trên, hoàn lưu mây bão đang bao trùm và sẽ gây mưa nhiều hơn ở Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và một phần Hà Tĩnh. Riêng khu vực ven biển các tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa có mưa rất to.
NGỌC ANH