Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, sáng nay (19/7), bão WIPHA đã đi vào vùng biển phía Đông Bắc của khu vực Bắc Biển Đông, trở thành cơn bão số 3 trong năm 2025.
Hồi 10 giờ, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,2 độ Vĩ Bắc; 119,4 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông Bắc khu vực Bắc Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-88km/giờ), giật cấp 11; di chuyển theo hướng Tây Bắc với tốc độ khoảng 20km/h.
Bão số 3 đang phát triển nhanh ở Biển Đông.
Đến 10h ngày 20/7, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 20–25 km/h. Tâm bão nằm tại vị trí khoảng 21,7 độ Vĩ Bắc - 114,5 độ Kinh Đông, cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 450 km về phía Đông. Cường độ bão đạt cấp 11–12, giật cấp 15.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong thời điểm này nằm trong khoảng từ 18,0 đến 23,0 độ Vĩ Bắc, phía Đông kinh tuyến 112,5 độ Đông. Toàn bộ khu vực phía Đông Bắc của Bắc Biển Đông được đặt ở cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Đến 10h ngày 21/7, bão chủ yếu di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 20 km/h, đi vào đất liền phía Bắc bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc). Tâm bão ở vào khoảng 21,3 độ Vĩ Bắc - 109,9 độ Kinh Đông, với cường độ cấp 10–11, giật cấp 13.
Vùng nguy hiểm mở rộng từ phía Bắc vĩ tuyến 19,5 độ Bắc, kinh tuyến 108,0–117,0 độ Đông, bao gồm phía Bắc Biển Đông và vùng biển phía Đông vịnh Bắc Bộ. Cấp độ rủi ro thiên tai tiếp tục được duy trì ở mức cấp 3.
Đến 10h ngày 22/7, bão đổi hướng Tây Tây Nam với tốc độ chậm hơn (10–15 km/h) và suy yếu dần. Tâm bão nằm gần 20,5 độ Vĩ Bắc - 106,5 độ Kinh Đông, trên khu vực ven biển Bắc Bộ. Cường độ giảm còn cấp 8–9, giật cấp 11.
Vùng nguy hiểm lúc này là khu vực phía Bắc vĩ tuyến 19,0 độ Bắc, phía Tây kinh tuyến 112,0 độ Đông, bao gồm Tây Bắc Biển Đông và vịnh Bắc Bộ, tiếp tục được duy trì ở cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Từ 72 đến 96 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10km và tiếp tục suy yếu thêm.
Do tác động của bão, vùng biển phía Đông Bắc khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 11-12, giật cấp 15; sóng biển cao 4,0-6,0m. Biển động dữ dội. Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.
Diễn biến của bão vẫn còn phức tạp. Người dân khu vực ven biển và đất liền từ Quảng Ninh đến Nghệ An cần theo dõi sát các bản tin dự báo tiếp theo, chủ động phòng tránh nguy cơ mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất và gió mạnh.
TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai cho biết, bão Wipha sẽ tạo sóng cao 3,8m - 4,8m ven bờ biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Hưng Yên và Thanh Hóa vào tối 21/7, ngày 22/7.
Khu vực có sóng cao nhất là ven biển Quảng Ninh và Hải Phòng với chiều cao sóng có thể cao tới 4,8m. Khu vực Ninh Bình, Hưng Yên, Thanh Hóa có sóng cao 3,5-3,8m.
Tô Hội