Bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho người tiêu dùng

Bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho người tiêu dùng
6 giờ trướcBài gốc
Nhiều kết quả tích cực
Chỉ thị số 30 - CT/TW, được Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành vào ngày 21/1/2019. Tiếp đó, ngày 26/5/2020, Chính Phủ ban hành Nghị quyết số 82/NQ - CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện chỉ thị số 30-CT/TW. Nội dung của Chỉ thị 30 - CT/TW yêu cầu các cơ quan, tổ chức có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chính sách, pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; đa dạng hóa, đổi mới phương thức truyền thông, nâng cao kiến thức, kỹ năng tiêu dùng cho toàn xã hội, nhất là đối với đối tượng người tiêu dùng yếu thế; nâng cao đạo đức kinh doanh và hình thành văn hóa tiêu dùng an toàn, văn minh, lành mạnh và phát triển bền vững...
Theo báo cáo kết quả 3 năm thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW của Ban Cán sự Bộ Công Thương, từ năm 2019 đến nay, các bộ, cơ quan ngang bộ và các địa phương đã triển khai và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Cụ thể, để triển khai nội dung được giao, các đơn vị có liên quan của Bộ Công Thương (Tổng Cục Quản lý thị trường, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, …) đều đã chủ động đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thị trường.
Trong các năm 2020, 2021 và 2022, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (nay là Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia) và Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đều xây dựng và triển khai các kế hoạch thanh tra, kiểm tra, xử lý hàng chục doanh nghiệp với số tiền xử phạt hàng tỉ đồng.
Công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đang ngày được nâng cao.
Cũng trong năm 2020, lực lượng quản lý thị trường cả nước phát hiện, xử lý trên 66.000 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước trên 352,15 tỉ đồng; trị giá hàng tịch thu chưa bán (ước tính) trên 136 tỉ đồng. Trị giá hàng hóa vi phạm (ước tính) trên 392 tỉ đồng.
Trong đó, đã chuyển cơ quan điều tra, xem xét trách nhiệm hình sự đối 157 vụ; đã xử lý 26 vụ; đang xem xét 81; 50 vụ được chuyển trả để xử lý vi phạm hành chính.
Đặc biệt, Kế hoạch chống hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng được lực lượng quản lý thị trường triển khai và thu được kết quả tốt với số vụ kiểm tra 2.868 vụ, vi phạm 2.833 vụ, số tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 24 tỉ đồng, trị giá hàng tịch thu trên 26 tỉ đồng.
Bên cạnh việc phát hiện và xử lý vi phạm, hàng năm, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đều tiếp nhận và tư vấn cho khoảng trên 15.000 phản ánh, yêu cầu của người tiêu dùng cũng như đăng tải nhiều lượt tin bài, cảnh báo trên trang thông tin điện tử của ủy ban.
Ngoài ra, trong dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Bộ Công Thương đã hoàn thiện các quy định về giải quyết tranh chấp người tiêu dùng theo hướng thuận tiện hơn cho người tiêu dung; ban hành cơ chế để giải quyết tranh chấp người tiêu dùng xuyên biên giới, giải quyết tranh chấp người tiêu dùng trên môi trường mạng.
Thực hiện đồng bộ
Bộ Tư pháp cũng đã tiếp thu và điều chỉnh trong luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 10 ngày 13 tháng 11 năm 2020. Theo đó, mức xử lý vi phạm hành chính tối đa đối với các hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng đã được điều chỉnh tăng từ 100 triệu lên 200 triệu đồng.
Ngoài ra, Bộ Tư pháp cũng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và các bộ ngành khác trong việc thẩm định, xây dựng văn bản pháp luật theo hướng đảm bảo quy định về hình thức xử phạt, mức tiền phạt, và biện pháp khắc phục hậu quả phù hợp với tính chất, mức độ xâm hại trật tự quản lý hành chính nhà nước của từng hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa phù hợp với Luật xử phạt vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020).
Bộ Công an đã chỉ đạo công an trên toàn quốc tập trung phát hiện xử lý nhiều vụ việc xâm phạm đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng tăng cường đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; xử lý nghiêm minh các vụ án hình sự đối với các hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng; xác định, triệt phá các đường dây, tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.
Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn quân phối hợp với chính quyền địa phương và lực lượng quản lý thị trường, hải quan, tham gia đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dung; ngăn chặn tận gốc các hoạt động buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng cấm, gian lận thương mại, vi phạm quyền lợi người tiêu dùng qua biên giới, trên không, trên các vùng biển, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Bộ KH-CN đã chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương tiến hành kiểm tra, khảo sát chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đo lường và nhãn hàng hóa trong sản xuất tại 544 cơ sở kinh doanh các mặt hàng như xăng dầu, đồ chơi trẻ em, điện – điện tử, mũ bảo hiểm, dầu nhờn động cơ đốt trong, vàng trang sức, mỹ nghệ; tăng cường tuyên truyền về sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp…
UBND các tỉnh, thành phố cũng thực hiện tốt công tác thanh kiểm tra theo kế hoạch hàng năm; tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động sản xuất, buôn bán hàng hóa và xử lý vi phạm đặc biệt trong gian lận thương mại; chú trọng vào các mảng thanh kiểm tra và xử phạt với các vụ việc hàng giả, nhái, kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; thành lập Ban Chỉ đạo 389 tại tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương; kiểm tra thường xuyên và đột xuất tại các chợ, điểm bán hàng…
Ngoài ra, xây dựng cơ chế khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân trong và ngoài địa phương tích cực phản ánh, thông tin kịp thời đến cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện những hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo chất lượng hoặc có nguy cơ gây mất an toàn cho người tiêu dùng đang lưu thông trên thị trường.
Điển hình là An Giang, Bạc Liêu đã lắp đặt hòm thư góp ý cho người tiêu dung; Bắc Ninh tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra và hướng dẫn cơ sở sản xuất, nhập khẩu thực hiện áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật nhất là các hàng hóa tiêu dùng thiết yếu; Hà Nội tiếp nhận và xử lý kiến nghị, phản ánh của người tiêu dùng qua đường dây nóng để kịp thời phát hiện và xử lý hành vi vi phạm…
Báo cáo đánh giá thực tiễn cho thấy tình hình vi phạm quyền lợi người tiêu dùng vẫn diễn biến phức tạp, các cơ quan chức năng đã vào cuộc tuy nhiên các hình thức xử phạt chưa đủ sức răn đe.
Ngoài ra, xuất hiện nhiều hình thức vi phạm mới trên môi trường mạng, trong các giao dịch thương mại điện tử, do vậy cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan ở Trung ương và địa phương.
Bộ Công Thương đã xây dựng Tổng đài Tư vấn và Hỗ trợ người tiêu dùng 1800 – 6838 kết nối với 57 địa phương, tuy nhiên nhiều người tiêu dùng vẫn chưa biết đến tổng đài, sự vận hành tổng đài chưa đáp ứng các tiêu chí cũng như kỳ vọng của cơ quan quản lý.
Huy Hùng
Nguồn TCDN : https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/bao-ve-quyen-loi-tot-nhat-cho-nguoi-tieu-dung-d53986.html