Tình hình bão Wipha mới nhất
Dự báo về đường đi và ảnh hưởng của cơn bão số 3 (bão Wipha) - Ảnh: Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia.
Hiện nay, ở vịnh Bắc Bộ, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm đặc khu Hoàng Sa) có mưa rào và dông; riêng vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông có mưa bão. Ghi nhận gió giật cấp 8 tại đặc khu Bạch Long Vĩ, gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 9 tại Phú Quý, và gió giật cấp 7 tại trạm Song Tử Tây.
Dự báo trong ngày và đêm 20/7, vịnh Bắc Bộ, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm đặc khu Hoàng Sa), vùng biển từ TP.HCM đến Cà Mau, Cà Mau đến An Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông; riêng phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông và phía Đông khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ có mưa bão. Trong dông có khả năng xảy ra lốc xoáy, gió giật mạnh, sóng cao trên 3.0m.
Phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 8–10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11–12, giật cấp 15, sóng cao 5.0–7.0m, biển động dữ dội. Phía Nam khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm đặc khu Hoàng Sa), khu vực Giữa Biển Đông và vùng biển từ Gia Lai đến TPHCM có gió cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8–9, sóng cao 2.0–5.0m, biển động mạnh.
Từ Nam Quảng Trị đến Quảng Ngãi và Nam Biển Đông (bao gồm đặc khu Trường Sa) có gió cấp 6, giật cấp 7–8, sóng cao 2.0–4.0m, biển động. Phía Bắc vịnh Bắc Bộ có gió cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7–8; đêm tăng lên cấp 6–7, sau đó mạnh lên cấp 8–9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10–11, giật cấp 14; sóng cao 1.5–3.0m, đêm tăng lên 2.0–4.5m, biển động dữ dội. Phía Nam vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Đồng Tháp đến Cà Mau có gió cấp 5, có lúc cấp 6, riêng Nam vịnh Bắc Bộ đêm tăng lên cấp 6–7, giật cấp 8–9, sóng cao 1.5–4.0m, biển động mạnh.
Cảnh báo trong ngày 21/7, vùng biển phía Tây Bắc khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 6–7, vùng gần tâm bão cấp 8–9, giật cấp 10–11, sóng cao 4.0–6.0m, biển động rất mạnh. Gió sẽ giảm dần từ đêm.
Trong ngày và đêm 21/7, khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 7–9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10–11, giật cấp 14, sóng cao 2.0–4.0m, vùng gần tâm 3.0–5.0m, biển động dữ dội.
Khu vực Nam vịnh Bắc Bộ gió mạnh dần lên cấp 6–7, vùng gần tâm bão cấp 8–9, giật cấp 11, sóng cao 3.0–5.0m, biển động rất mạnh. Vùng biển từ Nam Quảng Trị đến TP. Hồ Chí Minh, phía Nam khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm đặc khu Hoàng Sa), khu vực Giữa Biển Đông có gió Tây Nam mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8–9, sóng cao 2.0–5.0m, biển động mạnh. Khu vực Nam Biển Đông (bao gồm đặc khu Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 7–8, sóng cao 2.0–4.0m, biển động.
Toàn bộ tàu thuyền hoạt động tại các vùng biển trên được khuyến cáo đều có nguy cơ cao chịu tác động của lốc xoáy, gió mạnh và sóng lớn. Cấp độ rủi ro thiên tai hiện ở mức cấp 2, riêng vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông cấp 3.
Cập nhật đến 18h30 ngày 20/7, bão Wipha đã tâng cấp cuồng phong. Các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An đang gấp rút hoàn thành các công tác chuẩn bị để ứng phó với bão Wipha, cũng như đảm bảo an toàn cho cuộc sống của người dân.
Cấm biển, sơ tán dân nhằm đối phó bão Wipha
Để ứng phó với bão Wipha và tập trung công tác tìm kiếm du khách mất tích trong vụ chìm tàu Vịnh Xanh 58 xảy ra vào chiều 19/7, từ ngày 20/7, tỉnh Quảng Ninh đã quyết định tạm dừng toàn bộ hoạt động của tàu khách du lịch trên vịnh Hạ Long, bao gồm cả các phương tiện chở khách đi tuyến đảo và giữa các đảo. Các tàu đưa khách trở về đất liền vẫn được phép hoạt động theo quy định.
Tại tỉnh Ninh Bình, việc cấm biển dự kiến được triển khai từ 7h sáng ngày 21/7. Đồng thời, chính quyền yêu cầu hoàn tất công tác di dời người dân ở những khu vực đê xung yếu trước 12h trưa cùng ngày và triển khai thoát nước nội đồng nhằm bảo vệ sản xuất nông nghiệp. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã huy động toàn bộ lực lượng trực chiến từ sáng 21/7, tạm ngưng cấp phép nghỉ, sẵn sàng ứng phó khi bão đổ bộ. Sau sáp nhập, địa bàn tỉnh bao gồm nhiều khu vực trọng điểm như xã Hải Thịnh, khu vực Cồn Tròn, vùng sông Hoàng Long và phía tây nam tỉnh.
Tỉnh Hưng Yên bắt đầu cấm biển từ 18h ngày 20/7. Trên toàn tỉnh hiện có 1.132 phương tiện cùng hơn 3.200 lao động, phần lớn trong số đó đã được đưa vào nơi neo đậu an toàn. Ngoài ra, địa phương này còn có hơn 1.100 đầm nuôi thủy sản và gần 1.200 chòi canh với khoảng 2.800 lao động ven biển. Các lực lượng chức năng đã liên hệ với toàn bộ tàu, thuyền và triển khai kế hoạch sơ tán người dân, đặc biệt chú trọng đến các lao động trên chòi canh và phương tiện đánh bắt, đảm bảo hoàn thành trước 17h ngày 21/7. Tất cả tàu thuyền phải hoàn tất việc neo đậu trước 10h cùng ngày.
Hưng Yên cũng chỉ đạo các công ty thủy lợi mở tối đa các cống tiêu để tiêu thoát nước, bảo vệ lúa, hoa màu, các khu dân cư và khu công nghiệp; đồng thời khơi thông dòng chảy, vận hành các trạm bơm và chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương án cứu hộ, sơ tán dân khi cần thiết.
Tỉnh Thanh Hóa cấm biển để phòng chống bão số 3 (bão Wipha) - Ảnh: Quách Du.
Vào chiều tối ngày 20/7, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Công điện số 05, yêu cầu thực hiện lệnh cấm biển bắt đầu từ 8h sáng ngày 21/7.
Theo nội dung công điện, Chủ tịch UBND các xã, phường ven biển, các địa phương có hoạt động nghề cá và các đơn vị liên quan phải khẩn trương triển khai cấm biển trên toàn tỉnh kể từ thời điểm nêu trên, kéo dài cho đến khi bão không còn ảnh hưởng. Tàu thuyền tuyệt đối không được phép ra khơi trong suốt thời gian này và việc giám sát phải được thực hiện nghiêm ngặt.
Các địa phương cũng được giao nhiệm vụ hướng dẫn, sắp xếp và quản lý chặt chẽ việc neo đậu tàu thuyền, đảm bảo tuân thủ đúng quy định an toàn; nghiêm cấm việc nổ máy khi tàu đã neo đậu và kiên quyết không để người ở lại trên phương tiện trong thời điểm bão đổ bộ.
Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương phải tổ chức trực ban nghiêm túc và liên tục cập nhật, báo cáo tình hình về Văn phòng thường trực Chỉ huy phòng, chống thiên tai tỉnh cũng như Văn phòng thường trực Chỉ huy phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh để tổng hợp và xử lý kịp thời theo quy định.
Tại Hải Phòng, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự thành phố đã ra thông báo nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi kể từ 17h ngày 20/7. Mọi hoạt động khai thác, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản cũng như các hoạt động khác tại khu vực cửa sông, ven biển và ngoài khơi đều bị tạm dừng. Đồng thời, tuyến cáp treo Cát Hải – Phù Long và các hoạt động du lịch, vui chơi giải trí tại các khu vực biển, đảo cũng phải dừng hoạt động theo yêu cầu phòng chống bão.
Đức Bách