Bệnh nhân mắc tim mạch ngày càng trẻ hóa

Bệnh nhân mắc tim mạch ngày càng trẻ hóa
một ngày trướcBài gốc
Thăm khám bệnh nhân mắc bệnh tim mạch tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: BVCC.
Những thống kê này được đưa ra tại hội nghị quốc tế về “Những tiến bộ trong can thiệp tim mạch” được tổ chức mới đây tại Hà Nội.
Trường hợp điển hình là bệnh nhân D. (31 tuổi, trú tại huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) được chuyển tuyến đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang trong tình trạng đau tức dữ dội vùng ngực trái… được chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp.
Khoảng 23 giờ đêm trước khi nhập viện, bệnh nhân xuất hiện đau ngực dữ dội nên được gia đình đưa đến bệnh viện tuyến huyện cấp cứu. Bệnh nhân không hút thuốc lá, thi thoảng có tập thể thao nếu không bận công việc, ngoài bị mỡ máu cao ra thì chưa phát hiện thêm bệnh lý nền nào khác.
Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân, các y, bác sĩ đã khẩn trương hội chẩn và nhanh chóng cấp cứu. Hình ảnh chụp mạch vành của bệnh nhân phát hiện tổn thương nặng ở cả 3 thân động mạch vành. Trong đó có 1 nhánh mạch vành trái LAD bị tắc hoàn toàn, 2 động mạch khác hẹp nặng 80-90%.
Các bác sĩ đã tiến hành nong bóng và thành công đặt 1 stent tái thông mạch vành. Sau hơn 30 phút can thiệp tim mạch, các y, bác sĩ đã cứu sống bệnh nhân khỏi cơn nguy kịch. Hiện tại, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, tự ăn uống, sinh hoạt cá nhân bình thường và đang tiếp tục được điều trị, theo dõi tại Khoa Nội tim mạch.
Tương tự, mới đây Bệnh viện đa khoa Hồng Ngọc cũng thông tin, đã cấp cứu thành công ca nhồi máu cơ tim là bệnh nhân nữ trẻ tuổi không có tiền sử bệnh tim mạch. Cụ thể, chị Đ.T.N. (35 tuổi, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng đau nặng ngực kèm khó thở. Sau thăm khám lâm sàng, nhận thấy điện tim có bất thường, bác sĩ chỉ định chị thực hiện thêm các xét nghiệm và cận lâm sàng cần thiết. Kết quả chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp. Trước đó, chị không mắc bất kỳ bệnh lý tim mạch nào khác.
Sau khi chẩn đoán bệnh, bệnh nhân nhanh chóng được êkip bác sĩ can thiệp tim mạch chuyển vào phòng chụp mạch số hóa xóa nền. Kết quả, mạch vành của chị bị tắc hoàn toàn ngay đoạn đầu của động mạch liên thất trước (động mạch quan trọng nhất quyết định chức năng co bóp đưa máu đi nuôi cơ thể). Các bác sĩ khẩn trương tiến hành hút huyết khối và đặt stent tái thông thành công động mạch vành cho bệnh nhân.
Thực tế, những trường hợp phải nhập viện vì các bệnh tim mạch khi tuổi đời còn khá trẻ không còn hiếm gặp trong những năm gần đây. GS.TS Phạm Mạnh Hùng - Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam cho biết: “Viện Tim mạch, mỗi năm tiếp nhận khoảng trên 20 nghìn ca điều trị. Riêng can thiệp động mạch vành có tới 4 nghìn ca, trong đó có một nửa là nhồi máu cơ tim cấp. Bệnh nhồi máu cơ tim cấp hiện có nhiều thay đổi, với nhiều độ tuổi và đáng lưu ý có bộ phận người bệnh trẻ tuổi chỉ khoảng ngoài 30 tuổi, thậm chí mới 24, 25 tuổi... Các bệnh nhân tim mạch trẻ tuổi đều có chung đặc điểm là nam giới, béo phì, hút thuốc lá và tiền sử gia đình có người mắc bệnh lý này”.
Cùng quan điểm, TS.BS Dương Hồng Niên - Trưởng khoa Nội Tim mạch (Bệnh viện 19/8) thông tin, theo xu thế chung, tỷ lệ người mắc bệnh lý tim mạch đến khám và điều trị tại bệnh viện ngày càng tăng. “Gần đây, chúng tôi thường xuyên cấp cứu các trường hợp bị nhồi máu cơ tim, có bệnh nhân mới ngoài 20 tuổi. Bên cạnh đó, hàng ngày, khu vực phòng khám tiếp nhận 200 - 300 bệnh nhân đến khám với nhiều mặt bệnh khác nhau, trong đó chủ yếu là tăng huyết áp, hội chứng mạch vành cấp và mãn tính... Điều đó cho thấy bệnh lý tim mạch đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa, đặc biệt là các bệnh lý tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa”.
Nhận định về nguyên nhân, Giám đốc Bệnh viện 19/8 Hoàng Thanh Tuyền cho rằng, xuất phát từ nhiều yếu tố như lối sống ít vận động, chế độ ăn uống không lành mạnh, gia tăng tình trạng béo phì, tăng huyết áp và đái tháo đường. Bên cạnh đó, sự gia tăng tuổi thọ trung bình và áp lực cuộc sống ngày càng cao cũng góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch. Chính vì vậy, việc tầm soát sớm bệnh lý tim mạch trở thành một nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết hơn bao giờ hết.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, bệnh tim mạch có thể được phòng ngừa thông qua vận động thể thao và chế độ dinh dưỡng lành mạnh, hạn chế sử dụng thức ăn nhanh chứa nhiều chất béo bão hòa, thực phẩm quá nhiều cholesterol, tăng tiêu thụ thực phẩm giàu chất xơ và đạm thực vật, đặc biệt là đạm đậu nành.
Theo GS.TS Phạm Mạnh Hùng: Các yếu tố tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch có xu hướng gia tăng, đặc biệt ở các nước đang phát triển. Trong đó, ngoài những yếu tố nguy cơ về lối sống như hút thuốc lá, lười vận động, béo phì... thì có những yếu tố nguy cơ mới, đó là các nguy cơ như ô nhiễm môi trường, căng thẳng. Đối với người trẻ, nhiều người bệnh có yếu tố tích lũy nguy cơ sớm hơn. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu do ăn uống đồ ăn nhanh, đồ ăn nhiều dầu mỡ, công việc stress, ô nhiễm môi trường hơn và lười vận động.
Đức Trân
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/benh-nhan-mac-tim-mach-ngay-cang-tre-hoa-10291118.html