Vơi nỗi lo nhà ở, chạm tay ước mơ an cư
Trụ sở Công an phường Nhơn Bình (Tp. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) một ngày trung tuần tháng 11/2024, đôi vợ chồng trẻ tới làm thủ tục đăng ký thường trú tại phường Nhơn Bình. Họ là chủ của một căn hộ chung cư Nhà ở xã hội An Phú Thịnh, sau khi bàn giao và dọn về ở, họ trở thành công dân cư trú tại phường Nhơn Bình.
Khu chung cư nhà ở xã hội An Phú Thịnh, phường Nhơn Bình (Tp. Quy Nhơn, Bình Định) bàn giao căn hộ cả 3 block. Ảnh: TT
"Chạm tay vào ước mơ"- chị Ánh Tuyết, nói như thế khi vừa thực hiện xong các thủ tục cần thiết để đăng ký thường trú tại phường Nhơn Bình. Chị Tuyết nói thêm: "Mua nhà ở xã hội, vợ chồng tôi được hỗ trợ gói vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội-Phòng giao dịch huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định), nên giảm áp lực tài chính.
Hai vợ chồng có nhà, công việc ổn định, hàng tháng vừa có một khoản đủ để trả phần tiền vay ngân hàng; phần còn lại để tái thiết cuộc sống, chăm lo con cái.
"Có ngôi nhà, vợ chồng mình có động lực để làm việc, để cố gắng. Con cái có không gian riêng tư trong sinh hoạt, học tập. Tổ ấm của gia đình tôi được vun vén khi thuận vợ, thuận chồng; khi cả gia đình có một nơi để trở về sau một ngày dài làm việc", chị Tuyết nói.
Căn hộ nhà ở xã hội An Phú Thịnh của gia đình anh Quang Thắng. Ảnh:TD
Câu chuyện của chị Tuyết làm người viết nhớ tới cuộc trò chuyện với vợ chồng chị Trần Đức Linh- cư dân của Chung cư Nhà ở xã hội Tân Đại Minh (Lamer 1) phường Quang Trung, Tp. Quy Nhơn (Bình Định). Chị Linh kể, có ngôi nhà của riêng mình, dù là chung cư xã hội thì đó vẫn là tổ ấm thực sự của mình.
"Lúc nhận tin được bàn giao căn hộ, tôi nhớ mình đã mừng đến phát khóc. Từ lúc được phép lên "thăm nhà" đến khi bàn giao căn mất vài tháng, thời gian đó tôi dành hết cho việc trang trí nhà, đặt từng món đồ, tỉ mẩn trang trí từng góc, từng căn phòng. Sau nhiêu năm chen chúc trong căn gác trọ, con gái tôi cũng có căn phòng mơ ước của riêng mình, nhớ lại những ngày đó, niềm hạnh phúc vẫn vẹn nguyên trong tôi", chị Linh nói.
Với những người thu nhập thấp ở đô thị, việc sở hữu một căn nhà ở mặt đất kỳ thực khó khăn. Chưa kể, một số gia đình nhiều thế ở chung trong một ngôi nhà, trong một ngõ hẻm… muốn được cho con cái ra riêng.
Nhưng, khó khi giá nhà đất tăng, thu nhập thì mãi chạy theo phía sau với biến động thị trường. Nhà ở xã hội - đã trao cơ hội cho những người trẻ, những người thu nhập thấp, lao động ở xóm nghèo có nhà.
Đây chỉ là những trường hợp trong hàng ngàn gia đình, hộ dân đã và đang được sở hữu nhà ở xã hội nhờ chủ trương, chính sách hiệu quả của Bình Định.
Thống kê từ Sở xây dựng Bình Đình, đến nay, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 7 dự án và một phần của 1 dự án với gần 3.500 căn. Cả ngàn ước mơ an cư thành hiện thực, hình thành phố mới, cuộc sống mới cho các gia đình, đặc biệt vợ chồng trẻ.
"Bình Định chúng ta còn khó khăn, vì thế, chúng ta chăm lo cho người dân của mình trước. Nhà ở xã hội của tỉnh Bình Định là phục vu cho những người dân Bình Định thu nhập thấp, cho có nơi ăn chốn ở. Những người sinh sống, làm việc tại tỉnh Bình Định. Đã là nhà ở xã hội là không được phép đầu cơ, dứt khoát phải thế", Ông Hồ Quốc Dũng – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định.
Ông Hồ Quốc Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định chia sẻ về chính sách phát triển nhà ở xã hội của tỉnh tại Kỳ họp HĐND tỉnh vào đầu tháng 10/2024. Ảnh: Thu Dịu
Cả hệ thống chính trị chung tay vì nhà ở xã hội
Theo lãnh đạo tỉnh Bình Định, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm và xác định là một vấn đề an sinh xã hội, một nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 24/5/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới, Bình Định tiếp tục chủ động, tăng cường các kế hoạch, giải pháp đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" trên địa bàn tỉnh Bình Định...
Dự án nhà ở xã hội Tân Đại Minh (Lamer 2) dự kiến bàn giao vào cuối năm 2024. Ảnh: Trường Vỹ
Theo ông Trần Viết Bảo – Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Định, thực hiện Đề án xây dựng ít nhất "Một triệu căn hộ nhà ở xã hội" giai đoạn 2021 – 2030 của Chính phủ, Bình Định xác định đến năm 2030, toàn tỉnh sẽ xây dựng 20.300 căn hộ nhà ở xã hội; riêng giai đoạn đến năm 2025 có 38 dự án đầu tư. Về cơ bản cuối năm 2024 sẽ hoàn thành 1.400 căn hộ nhà ở xã hội theo chỉ tiêu kế hoạch năm. Đồng thời, tỉnh đang thi công 4 dự án và một phần của 1 dự án với 4.380 căn; đã lựa chọn chủ trương đầu tư và đang triển khai thủ tục để khởi công 8 dự án, với 4.159 căn nhà ở xã hội.
Ông Trần Viết Bảo - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Định thông tin về kế hoạch phát triển nhà ở xã hội của tỉnh tại Kỳ họp HĐND tỉnh vào đầu tháng 10/2024. Ảnh: Thu Dịu
"Với lộ trình này, Bình Định quyết tâm hoàn thành khoảng 12.900 căn nhà ở xã hội trong giai đoạn đến năm 2025, sớm hơn 5 năm theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh tại đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030", ông Bảo nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo tỉnh, việc triển khai các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tốt, nhiều dự án nhà ở xã hội hoàn thành, đưa vào sử dụng đảm bảo kế hoạch, tiến độ đã đề ra, đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh, đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước kiểm tra thực tế và đánh giá cao kết quả thực hiện nhà ở xã hội của tỉnh Bình Định.
Ông Bảo cho hay, cả hệ thống chính trị của tình cùng vào cuộc vì mục tiêu xây dựng các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn, góp phần giải quyết bài toán nhà ở cho người dân, đặc biệt là người dân có thu nhập thấp ở khu vực đô thị.
"Cung vừa đủ cầu, hiện nay số lượng căn hộ hoàn thành vừa khớp với nhu cầu thực tế của người dân đăng ký mùa nhà ở. Hiện, các dự án đang triển khai, các vướng mắc, khó khăn trong quá trình xây dựng, Sở đã báo cáo lên UBND tỉnh xem xét, giải quyết"- ông Bảo thông tin thêm.
Xây dựng đẹp, đảm bảo chất lượng các dự án nhà ở xã hội
"Phải đổi mới tư duy, nhận thức trong việc phát triển nhà ở xã hội, việc triển khai các dự án phát triển nhà ở là tương đồng, không phân biệt dự án nhà ở xã hội hay dự án nhà ở thương mại; công tác quy hoạch xây dựng các dự án nhà ở xã hội phải quan tâm đến mật độ xây dựng công trình, dành quỹ đất đảm bảo bố trí các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bãi đỗ xe, các tiện ích phục vụ cộng đồng dân cư; phương án thiết kế hợp lý, khoa học, có tính đến yếu tố sử dụng lâu dài.
Ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh về điều này tại buổi kiểm tra các dự án nhà ở xã hội của tỉnh Bình Định. Ảnh: Quỳnh Lê
Dự án nhà ở xã hội phải được đầu tư xây dựng đẹp, đảm bảo chất lượng, bền vững, lâu dài, bố trí đầy đủ các chức năng, tiện ích dịch vụ công cộng... ; phương án thiết kế các căn hộ nhà ở xã hội phải có không gian thoáng đãng, bố trí hợp lý, khoa học", ông Phạm Anh Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định.
Sơn Tùng - Thu Dịu