Tại cuộc họp, ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết: Trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường, việc hai nước thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại và năng lượng là hết sức quan trọng và cần thiết, góp phần giúp doanh nghiệp hai nước có thêm dư địa phát triển thị trường, giúp hai nền kinh tế tăng cường sức chống chịu, vượt qua khó khăn.
Trong thời gian qua, các doanh nghiệp Nhật Bản đã đẩy mạnh đầu tư tại thị trường Việt Nam. Lũy kế hết tháng 11/2024, Nhật Bản là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 3 của Việt Nam với gần 5.500 dự án có tổng vốn đăng ký đạt 77,7 tỷ USD chiếm 15,6% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đã góp phần giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao sản xuất, góp phần giúp các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng, phân phối của doanh nghiệp Nhật Bản trong thời gian qua.
Toàn cảnh kỳ họp. (Ảnh: CT)
“Việt Nam có mong muốn tham gia sâu hơn và trở thành một trong các mắt xích quan trọng của chuỗi cung ứng toàn cầu nói chung và chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.
Để hiện thực hóa được mục tiêu này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đề nghị hai nước Việt Nam - Nhật Bản thúc đẩy các giải pháp hợp tác trong phát triển công nghiệp, thương mại và năng lượng.
Về các giải pháp phát triển hợp tác các ngành công nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị: Thứ nhất, liên quan đến hợp tác tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng.
Phía Nhật Bản xem xét phối hợp xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật các ngành công nghiệp chế biến chế tạo trong các ngành mà Việt Nam và Nhật Bản có nhu cầu hợp tác như: Hóa chất, khoáng sản, cơ khí, linh kiện điện tử, dệt may... để lựa chọn các doanh nghiệp Việt Nam đủ tiềm năng, năng lực tham gia chuỗi cung ứng.
Đề nghị phía Nhật Bản xem xét phối hợp tạo điều kiện cho doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào chuỗi cung ứng, sản xuất tại Việt Nam, nhất là ngành công nghiệp chế biến chế tạo.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao sáng kiến đơn giản hóa thủ tục thương mại trên nền tảng số. Đồng thời hoan nghênh việc nâng cấp hơn nữa chuỗi cung ứng thông qua việc tiếp cận các nền tảng thương mại điện tử - nơi các doanh nghiệp có thể trao đổi giấy tờ, thủ tục một cách tiện lợi, nhanh chóng vẫn bảo đảm sự uy tín.
Thứ hai, liên quan đến hoạt động hợp tác công nghiệp hỗ trợ. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên hoan nghênh việc khởi động sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản trong kỷ nguyên mới và kỳ vọng về những tiến triển hơn nữa trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giúp Việt Nam trở thành nước công nghiệp trong năm 2045.
Đồng thời, Bộ trưởng cũng đánh giá cao những nỗ lực liên tục nhằm phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam thông qua việc tổ chức các triển lãm mua sắm phụ tùng (ví dụ như Triển lãm công nghiệp hỗ trợ 2024 của JETRO) và các cuộc đàm phán kinh doanh, thúc đẩy các nỗ lực của các công ty Nhật Bản trong lĩnh vực ô tô và các lĩnh vực khác để phát triển năng lực cung ứng của các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam.
Để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ giữa hai nước, Bộ trưởng đề nghị phía Nhật Bản hỗ trợ chia sẻ thông tin, kinh nghiệm hoạch định chính sách, kinh nghiệm xây dựng luật phục vụ phát triển công nghiệp nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng.
Ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương. (Ảnh: CT)
Hiện nay, Bộ Công Thương Việt Nam đang nghiên cứu, xây dựng Luật chuyên ngành về sản phẩm công nghiệp trọng điểm trong đó chúng tôi sẽ xây dựng, sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách, chương trình, chiến lược về công nghiệp ô tô, công nghiệp hỗ trợ. Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên rất mong nhận được sự hỗ trợ tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản trong lĩnh vực này.
Thứ ba, liên quan đến hợp tác nguồn nhân lực và khả năng cạnh tranh trong công nghiệp. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Nhật Bản tăng cường hỗ trợ nâng cao năng lực cho các cán bộ của Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp trực thuộc Bộ Công Thương thông qua các hoạt động phái cử chuyên gia, liên kết hợp tác với các Trung tâm của Nhật Bản...
Cùng với đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị phía Nhật bản hỗ trợ đào tạo lại, đào tạo bổ sung, đạo tạo mới thông qua các cơ sở đào tạo của Bộ Công Thương như Đại học Điện lực để khi dự án hoàn thành, phía Việt Nam sẵn sàng nhân lực vận hành nhà máy điện hạt nhân.
Thứ tư, liên quan đến hợp tác hướng tới phát triển các ngành sản xuất có giá trị gia tăng cao. Bộ trưởng đề nghị hai Bên tăng cường hợp tác hướng tới phát triển các ngành sản xuất có giá trị gia tăng cao (ô tô, điện tử, công nghiệp xanh...).
Trong bối cảnh Việt Nam đang tập trung phát triển dự án đường sắt tốc độ cao, điều cốt lõi là các đơn vị trong nước phải được chuyển giao công nghệ vận hành, sản xuất, đề nghị Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ chuyển giao công nghệ liên quan đến xây dựng đường sắt cao tốc để các doanh nghiệp Việt Nam dần dần làm chủ công nghệ, nâng cao năng lực và tự chủ trong quá trình thực hiện dự án.
Cùng với đó, đề nghị hai Bên tăng cường quy mô các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp hiện nay thành các chương trình, dự án cụ thể, với phạm vi lớn hớn và thời gian dài hơn nhằm đạt kết quả tốt và tạo tính lan tỏa cao.
Định Trần