Quản lý cạnh tranh, lành mạnh hóa hoạt động kinh doanh trên thị trường
Để đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững, thời gian qua, Bộ Công Thương đã hoàn thiện cơ cấu tổ chức, tăng cường năng lực thực thi Luật Cạnh tranh, tập trung rà soát, nghiên cứu, thu thập thông tin phục vụ giám sát cạnh tranh trên một số thị trường trọng điểm như: dịch vụ chuyên phát; dịch vụ hàng không…
Đáng chú ý, Bộ Công Thương đã chủ trì xây dựng, trình ban hành Nghị định số 55/2024/NĐ-CP ngày 16/5/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Quyết định số 07/2024/QĐ-TTg ngày 20/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bồi dưỡng đối với thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, người tiến hành tố tụng cạnh tranh, người giám định, người phiên dịch, người làm chứng (dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ trước năm 2025.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng xem xét các vụ việc có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh trong một số lĩnh vực cụ thể để có biện pháp can thiệp phù hợp; tập trung xác minh dấu hiệu vi phạm pháp luật cạnh tranh, tổ chức điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật về cạnh tranh, đặc biệt là một số lĩnh vực mang tính chất nổi cộm.
Từ đầu năm đến nay, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia - cơ quan tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện quản lý nhà nước về cạnh tranh, đã tiếp nhận và xử lý 150 hồ sơ thông báo tập trung kinh tế trong nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Trong đó, có nhiều giao dịch thực hiện ở nước ngoài nhưng có ảnh hưởng tới thị trường Việt Nam, nhiều giao dịch doanh nghiệp nước ngoài mua lại doanh nghiệp Việt Nam...
“Đến thời điểm hiện nay, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã thẩm định và thông báo kết quả 80 hồ sơ thông báo tập trung kinh tế; trả lại 36 trường hợp hồ sơ không đảm bảo tính đầy đủ, hợp lệ; hiện đang trong giai đoạn thẩm định 34 hồ sơ với những giao dịch diễn ra trong các lĩnh vực như: bất động sản; lĩnh vực dịch vụ logistics, dịch vụ tài chính tiêu dùng...; năng lượng; sản xuất công nghiệp” - đại diện Ủy ban Canh tranh Quốc gia thông tin.
Cùng đó, cơ quan quản lý về cạnh tranh cũng tập trung tăng cường hiệu quả phối hợp, tham vấn, trao đổi với các cơ quan quản lý chuyên ngành trong công tác kiểm soát các giao dịch tập trung kinh tế theo đúng quy định của pháp luật về cạnh tranh. Đặc biệt, là các giao dịch có tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh tại thị trường Việt Nam, các hoạt động tập trung kinh tế tiêu cực đến nền kinh tế như: Vấn đề liên quan đến một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam thời gian qua đã bỏ thầu gạo xuất khẩu tại một số thị trường với mức giá thấp.
“Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đang tiến hành thu thập thông tin, tài liệu nhằm chủ động rà soát, xác định hành vi vi phạm của doanh nghiệp trong đấu thầu xuất khẩu gạo với giá thấp theo các quy định của pháp luật trong lĩnh vực chịu trách nhiệm thực thi, đề xuất phương án xử lý theo quy định của pháp luật (nếu có) và tổng hợp về kết quả xác minh, kiến nghị để báo cáo Lãnh đạo Bộ” - đại diện cơ quan quản lý cạnh tranh cho hay.
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã phối hợp với Cục Hàng không Việt Nam - Bộ Giao thông vận tải rà soát việc các hãng hàng không nội địa liên tục tăng giá vé máy bay. Ảnh: Quốc Minh
Bên cạnh đó, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã phối hợp với Cục Hàng không Việt Nam - Bộ Giao thông vận tải rà soát việc các hãng hàng không nội địa, bao gồm: Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet (Vietjet Air), Công ty Cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) và Công ty TNHH Hàng không Lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) về vấn đề liên tục tăng giá vé máy bay đối với các chặng bay nội địa trong giai đoạn đầu năm 2024.
Ngoài ra, cơ quan quản lý cạnh tranh của Bộ Công Thương còn tiến hành điều tra 7 vụ việc cạnh tranh không lành mạnh trong các lĩnh vực: Điện máy, điện lạnh; sữa công thức dành cho trẻ em; thiết kế chuyên dụng trang trí nội, ngoại thất; bảo hiểm. Tiến hành điều tra và xử lý 1 vụ việc vi phạm quy định về tập trung kinh tế trong lĩnh vực hóa chất.
Tổ chức tiếp nhận, xác minh và đánh giá dấu hiệu vi phạm pháp luật về cạnh tranh trong các lĩnh vực: Sàn giao dịch hàng hóa; sản xuất, kinh doanh xe máy; thép; sàn thương mại điện tử; khu vui chơi dành cho trẻ em; ứng dụng bán hàng trong ngành sữa;… Tiếp nhận và tiến hành thẩm định 1 hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm của các doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng không.
Cơ quan quản lý về cạnh tranh còn nỗ lực đàm phán vấn đề cạnh tranh trong các hiệp định thương mại tự do (FTA). Ảnh minh họa
Rà soát pháp lý và đàm phán cạnh tranh
Bên cạnh việc quản lý cạnh tranh để đảm bảo môi trường kinh doanh trong nước lành mạnh, phát triển bền vững, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia còn nỗ lực đàm phán về cạnh tranh trong các hiệp định thương mại tự do (FTA). Theo đó, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã và đang tham gia xây dựng phương án và đàm phán Hiệp định khung ASEAN về Cạnh tranh (AFAC); Chương Cạnh tranh trong các Hiệp định: Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Canada (ACAFTA); Hiệp định thương mại tự do ASEAN -Trung Quốc (ACFTA); Hiệp định khung về kinh tế kỹ thuật số (DEFA); Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF).
Chia sẻ cụ thể về tình hình đàm phán các hiệp định, đại diện Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cho biết, Hiệp định AFAC, đến thời điểm hiện tại, các nước thành viên ASEAN đã đàm phán được 12 phiên và về cơ bản đã thống nhất nội dung của Hiệp định. “Kể từ tháng 9/2024, các nước đã tiến hành rà soát pháp lý nội bộ của từng nước, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã phối hợp với Bộ Tư pháp và Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) kết thúc quá trình rà soát pháp lý và gửi lại Ban Thư ký ASEAN bản rà soát pháp lý của Việt Nam. Sau giai đoạn này, các nước sẽ nhóm họp dựa trên nội dung rà soát pháp lý của từng nước” - lãnh đạo Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cập nhật thông tin.
Đối với Hiệp định ACFTA nâng cấp, đã đàm phán được 8 phiên và đã kết thúc quá trình đàm phán vào tháng 5/2024. Hiện đang trong quá trình rà soát pháp lý do Vụ Pháp chế và Bộ Tư pháp chủ trì. Tương tự, Hiệp định ACAFTA, cũng đàm phán được 8 phiên, nỗ lực hoàn thành 60% lời văn trong năm 2024 và kết thúc đàm phán trong năm 2025. Còn Hiệp định DEFA, đại diện Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã tham gia 6 phiên đàm phán. Dự kiến phiên đàm phán tiếp theo sẽ diễn ra vào cuối năm 2024.
Với Hiệp định IPEF, hiện nay Chương chính sách cạnh tranh tại IPEF vẫn đang trong quá trình đàm phán. Phiên đàm phán cuối cùng về Chương chính sách cạnh tranh diễn ra vào tháng 11/2023. Phía Hoa Kỳ đã khởi động lại quá trình đàm phán và dự kiến phiên đàm phản tiếp theo sẽ vào cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025.
Lê Na