Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên giao 10 nhiệm vụ trọng tâm thúc ngành Công Thương bứt tốc

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên giao 10 nhiệm vụ trọng tâm thúc ngành Công Thương bứt tốc
8 giờ trướcBài gốc
Ngày 21/7, tại trụ sở Bộ Công Thương, Ban Thường vụ Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị đối thoại giữa Ban Thường vụ Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ với Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng Bộ Công Thương, với chủ đề: “Đổi mới, cải thiện môi trường làm việc, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác tại các đơn vị thuộc Bộ”.
Đoàn Chủ tịch điều hành hội nghị. Ảnh: Cấn Dũng
Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ; các đồng chí là trưởng, phó các đơn vị thuộc Bộ, Công đoàn Công Thương Việt Nam.
Xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu quả
Hội nghị được tổ chức nhằm tập trung đánh giá kết quả đạt được sau khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập theo tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và tập trung thảo luận giải quyết những vấn đề còn tồn đọng, vướng mắc tại các đơn vị. Đồng thời, trao đổi, tháo gỡ khó khăn và thảo luận các định hướng mục tiêu tiếp theo của Bộ và tại các đơn vị thuộc Bộ.
Tại hội nghị, Ban Thường vụ Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ đã lắng nghe các tham luận, các ý kiến trao đổi, đề xuất, kiến nghị và thống nhất đánh giá kết quả lãnh đạo, chỉ đạo, rà soát, sắp xếp kiện toàn bộ máy lãnh đạo các đơn vị, sửa đổi bổ sung, hoàn thiện các quy chế, quy định về chế độ, điều kiện cơ sở vật chất, điều kiện làm việc; tăng cường thẩm quyền, trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân trên tinh thần tuyệt đối tuân thủ theo Hiến pháp, quy định của pháp luật, cán bộ công chức, viên chức chỉ được làm những gì pháp luật cho phép và đúng chức trách, nhiệm vụ được giao.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Cấn Dũng
Theo đó, công tác sắp xếp, tổ chức, kiện toàn bộ máy lãnh đạo và bồi dưỡng, đánh giá, bổ nhiệm và luân chuyển cán bộ đã được Ban Thường vụ Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt tại các cấp, các đơn vị, tạo được sự tin tưởng và đồng thuận cao của các lãnh đạo đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức. Trách nhiệm của các đồng chí thủ trưởng, lãnh đạo đơn vị thuộc Bộ đã được nâng cao. Các nội dung chỉ đạo đã được quán triệt đầy đủ đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, xây dựng tập thể đoàn kết, nhất trí vì công việc chung. Nội bộ tại nhiều đơn vị đã được củng cố, đoàn kết, gắn bó, có sự quy tụ tập thể, hợp tác, giúp đỡ nhau trong công việc. Vai trò của cấp ủy đảng, các tổ chức chính trị từng bước được khẳng định, thể hiện rõ hơn trong công tác chuyên môn, góp phần nâng cao hiệu quả công tác.
Các đơn vị trước, trong và sau khi sắp xếp đã nỗ lực xây dựng tinh thần làm việc cởi mở, thân thiện, sáng tạo từ người lãnh đạo đến mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, trong đó đề cao trách nhiệm và sự nêu gương của người đứng đầu. Căn cứ vào tình hình thực tế, đánh giá thực trạng của đơn vị để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các tiêu chí phấn đấu; thực hiện nghiêm túc, thực chất quy chế dân chủ tại cơ quan, đơn vị; củng cố, duy trì kỷ cương, nề nếp trong chỉ đạo, điều hành và ý thức chấp hành.
Hội nghị có sự tham gia của các đồng chí là trưởng, phó các đơn vị thuộc bộ, Công đoàn Công Thương Việt Nam... Ảnh: Cấn Dũng
Được sự quan tâm của Đảng ủy Bộ, Lãnh đạo Bộ, các phong trào thi đua do Bộ và các đơn vị tổ chức, phát động đã có chiều sâu, đi vào thực tế, thu hút được sự quan tâm và tham gia đông đảo của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, tạo không khí làm việc sôi nổi, tích cực và gắn bó đoàn kết trong cơ quan, đơn vị.
Tại hội nghị đã ghi nhận 16 ý kiến của các đại biểu tham dự ở nhiều nhóm vấn đề như: Cải thiện môi trường làm việc, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc, phương tiện, chuyển đổi số…
Chủ động đổi mới, bứt phá toàn diện
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Hồng Diên - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh, tổ chức đối thoại hàng năm đã có tác động rất lớn đến việc hình thành, củng cố khối đoàn kết nội bộ trong cơ quan Bộ Công Thương và trong từng đơn vị thuộc Bộ, nhất là trong bối cảnh phải sắp xếp tổ chức bộ máy, kết thúc hoạt động và hợp nhất một số đơn vị chức năng thuộc Bộ theo chủ trương của Trung ương và Chính phủ.
Hội nghị đối thoại với chủ đề “Đổi mới, cải thiện môi trường làm việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động phù hợp với tình hình mới sau sắp xếp, sáp nhập”. Ảnh: Cấn Dũng
Bộ trưởng cũng ghi nhận, các đơn vị thuộc Bộ (sau sắp xếp) đã khẩn trương kiện toàn, ổn định tổ chức bộ máy, không để công việc bị tồn đọng, gián đoạn; khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy định nội bộ. Đồng thời, tích cực tham mưu và hoàn thành khối lượng công việc rất lớn về xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2025, Bộ đã ban hành 65 văn bản Quy phạm pháp luật, trong đó có nhiều Luật quan trọng như: Luật Điện lực, Luật Hóa chất, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả; 1 Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế chính sách đặc thù cho các Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; 16 Nghị định, 3 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 44 Thông tư hướng dẫn thuộc thẩm quyền của Bộ. Việc phân cấp phân quyền, phân định thẩm quyền trong quản lý nhà nước theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp đã được tham mưu kịp thời, phù hợp với chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Cấn Dũng
Hầu hết các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ và của mỗi đơn vị thuộc Bộ trong 6 tháng đầu năm 2025 đều đã hoàn thành với chất lượng khá tốt về nội dung và cơ bản bảo đảm yêu cầu tiến độ được giao, đóng góp quan trọng, tích cực vào kết quả nổi bật về phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp - thương mại.
Cùng với đó, tinh thần đoàn kết, thống nhất và tính dân chủ trong toàn cơ quan và trong mỗi đơn vị thuộc Bộ được tiếp tục được phát huy. Các ý kiến, kiến nghị, đề xuất của cán bộ, công chức, viên chức các đơn vị đưa ra trong Hội nghị cán bộ công chức, viên chức, người lao động và Hội nghị đối thoại hàng năm đã được các cấp lãnh đạo chỉ đạo giải quyết thỏa đáng. Nhiều vấn đề, vụ việc tồn đọng, nổi cộm hoặc mới phát sinh đều đã và đang được xem xét, giải quyết một cách bài bản, đúng quy định, phù hợp tình hình; không khí dân chủ, đoàn kết được phát huy ở nhiều đơn vị.
Tổng Biên tập Báo Công Thương Nguyễn Văn Minh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Cấn Dũng
Công tác cán bộ được chú trọng kiện toàn, bảo đảm đúng người, đúng việc, đúng quy định. Chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức sau sắp xếp, sáp nhập được giải quyết kịp thời, đúng quy định.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc, phương tiện, điều kiện làm việc của toàn cơ quan và các đơn vị tiếp tục được nâng cấp, bổ sung, cơ bản đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác chuyên môn của cán bộ, công chức, viên chức.
Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Lê Hoàng Oanh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Cấn Dũng
Việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho công chức, viên chức, người lao động được Lãnh đạo Bộ và các đơn vị quan tâm thực hiện, thông qua việc tiếp tục trợ cấp giảm giá ăn trưa cho người lao động; tổ chức các hoạt động tập thể (như văn hóa, văn nghệ, thể thao, các hoạt động về nguồn, thăm hỏi, động viên, tặng quà nhân ngày sinh nhật, lễ tết, hiếu, hỷ…).
Vai trò của các thiết chế trong bộ máy lãnh đạo từ cấp ủy, tổ chức Đảng đã được đề cao và phát huy. Tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu và tập thể cấp ủy, lãnh đạo đơn vị đã phát huy hiệu quả khá tốt.
Cục trưởng Cục Điện lực Phạm Nguyên Hùng tham luận tại hội nghị. Ảnh: Cấn Dũng
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế đặt ra cho ngành. Đồng thời, phân tích các nguyên nhân khách quan và chủ quan để các đơn vị nghiêm túc khắc phục, tạo sự chuyển biến thực chất và mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
10 nhiệm vụ trọng tâm thúc ngành Công Thương tăng tốc
Bộ trưởng cho biết, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của đất nước và của ngành, là năm toàn ngành Công Thương phải tăng tốc, bứt phá để đóng vai trò chủ công trong việc đạt mục tiêu tăng trưởng ít nhất là 8% trong năm 2025 và đặt nền tảng cho việc tăng trưởng 2 con số trong những năm tiếp theo. Đồng thời nhấn mạnh, đây là yêu cầu rất cao, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân; trong đó, ngành Công Thương tiếp tục được trao sứ mệnh tiên phong, dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế.
Trong bối cảnh đó, để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, Bộ trưởng yêu cầu các cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, Thủ trưởng các đơn vị tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm:
Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công Nguyễn Thị Lâm Giang trình bày tham luận. Ảnh: Cấn Dũng
Thứ nhất, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, nghiên cứu, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước (nhất là 4 Nghị quyết mang tính chiến lược, cách mạng thuộc “Bộ tứ trụ cột” vừa được ban hành của Bộ Chính trị và những chủ trương, chính sách mới liên quan đến ngành) để triển khai thực hiện một cách đồng bộ trong từng đơn vị thuộc Bộ theo chức năng, giúp cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động nắm chắc, hiểu rõ và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả để yên tâm, tự tin, mạnh mẽ và quyết liệt trong thực thi nhiệm vụ.
Thứ hai, các cấp ủy, lãnh đạo đơn vị thuộc Bộ khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc và các quy chế, quy định, quy trình xử lý công việc trong đơn vị; xây dựng chương trình, kế hoạch công tác cho nhiệm kỳ mới; phân công nhiệm vụ cụ thể trong cấp ủy, lãnh đạo đơn vị và cho từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức bảo đảm nguyên tắc rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ kết quả, rõ trách nhiệm, làm căn cứ để theo dõi, đánh giá hiệu quả công việc và trách nhiệm của từng cá nhân trong thực thi công vụ.
Thứ ba, tiếp tục tập trung cao mọi nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng xây dựng các Luật, Nghị định, Thông tư theo kế hoạch đã được phê duyệt và những văn bản Quy phạm pháp luật mới phát sinh, bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật và chỉ đạo bằng văn bản của cấp trên. Đồng thời, khi thực hiện phải báo cáo rõ với cấp trên về các điểm chưa đúng với quy định của pháp luật (nếu có), không vận dụng thực hiện những gì pháp luật không cấm hoặc không cho phép.
Thứ tư, chủ động rà soát, phát hiện những bất cập, vướng mắc để kịp thời tham mưu sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định, cơ chế chính sách, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật trong các ngành, lĩnh vực có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị, bảo đảm phù hợp với quy định mới và thông lệ quốc tế, tuyệt đối không để “khoảng trống pháp luật” hoặc mâu thuẫn vướng mắc trong các lĩnh vực được giao quản lý.
Cấp ủy và tập thể lãnh đạo đơn vị, đặc biệt là người đứng đầu chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ nếu để xảy ra “khoảng trống pháp luật” hoặc mâu thuẫn vướng mắc đối với các lĩnh vực được phân công phụ trách; đồng thời, tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận, quy định và các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Ban Thường vụ Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ. Theo dõi sát sao, chủ động nắm bắt giải quyết các nội dung theo thẩm quyền; kịp thời tổng hợp, báo cáo, tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết các vấn đề vượt thẩm quyền trong quá trình triển khai thực hiện.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Cấn Dũng
Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ phải trực tiếp chỉ đạo, điều hành đối với các nhiệm vụ được Lãnh đạo Bộ giao cho đơn vị mình quản lý, bảo đảm chất lượng đúng hạn, không được phó mặc cho cấp dưới.
Thứ năm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hậu kiểm đối với các lĩnh vực theo chức năng, nhiệm vụ được giao, kịp thời phát hiện các sai phạm và xử lý hoặc đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. Thực hiện nghiêm quy định về luân chuyển định kỳ vị trí việc làm, địa bàn phụ trách đối với các cán bộ, công chức trực tiếp thực hiện công tác liên quan đến cấp phép, xác nhận, hưởng ưu đãi, xuất xứ hàng hóa, cấp C/O… bảo đảm đúng quy định về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Thứ sáu, các đơn vị liên quan đến thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra cần tập trung thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, khắc phục các hạn chế, khuyết điểm đã được chỉ ra trong kết luận của các cơ quan chức năng và đã được nêu trong chương trình, kế hoạch mà Lãnh đạo Bộ đã phê chuẩn.
Thứ bảy, tăng cường kỷ luật kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành và ý thức chấp hành trong thực thi công vụ. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cần chú trọng nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính chủ động, kịp thời trong tham mưu, đề xuất với cấp ủy, Lãnh đạo Bộ và Lãnh đạo đơn vị. Đồng thời, chủ động, trách nhiệm tổ chức thực hiện và tăng cường phối hợp giữa các đơn vị, cá nhân trong quá trình thực thi nhiệm vụ, bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật, quy chế làm việc của Bộ và quy trình xử lý công việc theo nguyên tắc: Chỉ được làm những gì pháp luật cho phép; làm đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, không được để công việc bị bê trễ, bảo đảm chất lượng, tiến độ theo yêu cầu được giao.
Thứ tám, chú trọng phát huy dân chủ trong thảo luận, hành động; phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng và tập thể lãnh đạo các đơn vị với phương châm “Cấp ủy và tổ chức Đảng lãnh đạo toàn diện các nhiệm vụ”. Các đơn vị đều phải bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy, tổ chức Đảng trên năm phương thức chủ yếu: ban hành chủ trương; phân công thực hiện; kiểm tra, giám sát; tuyên truyền, vận động; nêu gương. Việc ở đâu phải do cấp ủy, tổ chức Đảng ở đó và tập thể lãnh đạo đơn vị đó chỉ đạo giải quyết trên cơ sở tuân thủ nghiêm túc các nguyên tắc của Đảng, quy định pháp luật của Nhà nước, không được né tránh, đùn đẩy.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực công tác của ngành. Tập trung đổi mới lề lối, phương thức làm việc, đề cao vai trò cấp ủy, tinh thần nêu gương và trách nhiệm người đứng đầu, tập thể cấp ủy, lãnh đạo các đơn vị, gắn với nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong thực thi công vụ.
Thứ chín, cấp ủy, Lãnh đạo các đơn vị cần chủ động rà soát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động thuộc tổ chức đơn vị mình để kịp thời xem xét, giải quyết một cách thỏa đáng các nguyện vọng chính đáng của cán bộ, đảng viên, người lao động. Đồng thời, xử lý kịp thời những vấn đề chưa thỏa đáng dựa trên quy định của pháp luật, nguyên tắc của Đảng và phù hợp với thực tiễn để không để xảy ra tình trạng mâu thuẫn, bức xúc, mất đoàn kết nội bộ.
Tiếp tục duy trì cơ chế đối thoại thường kỳ giữa Ban Thường vụ Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ với cán bộ chủ chốt các đơn vị và giữa cấp ủy, lãnh đạo các đơn vị với cán bộ, công chức, người lao động để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và giải quyết các mâu thuẫn (nếu có).
Thứ mười, tăng cường tổ chức các hoạt động tập thể trong từng đơn vị để tạo sự gần gũi, gắn bó và hiểu biết lẫn nhau, nhất là hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, làm việc nhóm. Đồng thời, chú trọng phát động, tổ chức các phong trào thi đua, các cuộc vận động nhằm vào mục tiêu phát huy sáng kiến, cải tiến cách làm, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác của mỗi tập thể, mỗi cá nhân.
Bộ trưởng giao Văn phòng Bộ, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch, Tài chính và Quản lý doanh nghiệp, cùng với các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục rà soát, bố trí nguồn lực để sửa chữa, nâng cấp, trang bị mới cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị, phương tiện, điều kiện làm việc của cán bộ (máy vi tính, máy in, xe công vụ), đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác. Chú trọng làm tốt hơn nữa việc tiết kiệm chi thường xuyên để tập trung quan tâm, chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người lao động trong từng đơn vị. Đồng thời, làm tốt hơn công tác vệ sinh môi trường, làm đẹp cảnh quan công sở, nơi làm việc; bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn và sử dụng hiệu quả, hợp lý tài sản công theo quy định của Nhà nước.
Cũng tại hội nghị, những kiến nghị, đề xuất của các đơn vị đã được Ban Thường vụ Đảng ủy, Lãnh đạo các đơn vị liên quan trao đổi, giải đáp. Các kiến nghị cụ thể cũng sẽ được Ban Thường vụ Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ xem xét, giải quyết kịp thời theo thẩm quyền, hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền để được giải quyết theo quy định.
Thanh Bình
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/bo-truong-nguyen-hong-dien-giao-10-nhiem-vu-trong-tam-thuc-nganh-cong-thuong-but-toc-411753.html