Là người tâm huyết, trực tiếp chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng báo cáo xin chủ trương của Bộ chính trị, Chính phủ, báo cáo tiền khả thi dự án trình Quốc hội và giờ có vai trò quan trọng trong việc xây dựng phương án bố trí nguồn lực triển khai dự án, ông có thể nói gì về quyết định mang tính lịch sử của Quốc hội hôm nay?
Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng xúc động khi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư (Ảnh: Tạ Hải).
Hơn 18 năm nghiên cứu, với rất nhiều nỗ lực của các thế hệ Lãnh đạo Bộ GTVT, cơ quan, đơn vị liên quan, chuyên gia, nhà khoa học, đến giờ phút này, khi chủ trương đầu tư Dự án chính thức được Quốc hội bấm nút thông qua, tôi thực sự đang rất xúc động và cũng rất tự hào.
Đường sắt tốc độ cao, như chúng ta đã biết, không chỉ đơn thuần là một dự án, mà còn là công trình có tính biểu tượng, ý nghĩa chiến lược, đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.
Việc đầu tư Dự án sẽ tạo ra sức bật cho nền kinh tế, phát triển đường sắt tốc độ cao là tất yếu khách quan của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh như đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát biểu chỉ đạo.
Để dự án đảm bảo triển khai sớm và khả thi, hiệu quả như chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội, tới đây, Bộ Tài chính sẽ chủ động triển khai những phần việc gì?
Thứ nhất, Bộ Tài chính sẽ phối hợp những bộ, ban, ngành, cơ quan liên quan để rà soát vấn đề nguồn vốn đầu tư, đánh giá tác động về tài chính, kinh tế - xã hội để tham mưu cho Chính phủ một cách kịp thời nguồn vốn, cũng như tài chính ngân sách quốc gia, đảm bảo đầu tư Dự án nhưng gắn với phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.
Thứ hai, Bộ sẽ rà soát cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt áp dụng cho Dự án đã được đề xuất. Với vai trò, trách nhiệm quản lý Nhà nước về các lĩnh vực tài chính, ngân sách, Bộ Tài chính sẽ tham mưu cho Chính phủ về việc hướng dẫn cơ chế chính sách đặc thù về nguồn vốn cho Dự án, hướng dẫn về vay vốn, kế hoạch đầu tư công trung hạn...
Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận thức trong thời gian tới sẽ còn rất nhiều việc phải làm để có thể phối hợp tốt với các bộ, ngành để tham mưu cho Chính phủ triển khai thành công Dự án.
Như đồng chí Tổng Bí thư đã chỉ đạo, việc đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là nhiệm vụ chính trị và ưu tiên nguồn lực đầu tư thực hiện sớm. Hôm nay, Quốc hội đã thống nhất Nghị quyết về chủ trương đầu tư, Bộ Tài chính sẽ phối hợp Bộ GTVT, các bộ, ngành liên quan tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai dự án với thời gian nhanh nhất, chất lượng tốt nhất.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Quốc hội khóa XV thông qua Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 1.541km; điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Thủ đô Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (Thành phố Hồ Chí Minh), đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Dự án đầu tư mới toàn tuyến đường đôi khổ 1.435mm, tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa; phương tiện, thiết bị; đường sắt tốc độ cao vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.
Về công nghệ, áp dụng công nghệ đường sắt chạy trên ray, điện khí hóa; bảo đảm hiện đại, đồng bộ, an toàn và hiệu quả.
Sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 1.713.548 tỷ đồng; sử dụng vốn đầu tư công, nguồn vốn ngân sách Nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn và nguồn vốn hợp pháp khác.
Đại biểu xem báo cáo bằng hình ảnh về đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam tại Quốc hội
Kỳ Nam
Nguồn Giao Thông : https://www.baogiaothong.vn/bo-truong-nguyen-van-thang-xuc-dong-khi-du-an-duong-sat-toc-do-cao-duoc-quoc-hoi-thong-qua-192241130153610196.htm