Cà phê ký ức

Cà phê ký ức
7 giờ trướcBài gốc
Có người đến Đà Lạt như là một cuộc rong chơi, có người lại đến Đà Lạt bởi thành phố đó lưu giữ cho mình những ký ức rất quen. Có người đến Đà Lạt để ngắm những mùa hoa, còn trong cảm nhận của tôi, đến Đà Lạt chỉ là trở về, để dẫu bao năm qua Đà Lạt thay đổi theo quy luật tất yếu, nhưng luyến lưu vẫn đong đầy.
Như khi tôi và bạn đi theo bậc cấp từ đường Nguyễn Chí Thanh xuống ấp Ánh Sáng để ăn bún bò, tôi nói nơi cây phượng đầu dốc ngày tôi đi học ở đây là một cây mai anh đào. Bạn bè ầm ừ, còn tôi lại hình dung ngày ấy cây đang nở hoa. Như khi đi vòng khu Hòa Bình, bạn hỏi bánh mì Vĩnh Chấn ở đâu? Tôi chỉ góc phố và nhớ những ổ bánh mì ủ nóng mua tại đây ăn trong giá lạnh.
Khắp mọi nẻo đường trên đất nước đều có quán cà phê, và khi đến một thành phố, chắc chắn bạn sẽ ghé một quán cà phê nào đó đã từng ghé. Ghé quán cũ như hoài niệm về thời gian đã qua, ghé quán cũ đôi khi bởi quán có một không gian đẹp, có bàn ghế đẹp, có những cô nhân viên xinh xinh và có cả cái thú ngồi uống cà phê trong âm thanh của nhạc.
Như ở Nha Trang, vào sáng chủ nhật, tôi hay ghé quán cà phê ở đường Tô Hiến Thành. Ghé bởi nhân viên phục vụ tốt, ghé vì được ngồi nhìn ra ngã tư xôn xao với những hàng xe dừng và đi ở ngay chỗ đèn xanh đèn đỏ. Ghé quán đó bởi vì khách ở đây đa phần là du khách Hàn Quốc, mình ngồi cà phê để ngắm nhìn họ với chiếc va-li kéo, với giọng nói mà mình không hiểu họ nói gì, cũng đủ vui cho một buổi sáng.
Và Đà Lạt cũng vậy, mỗi năm, tôi đến nhiều lần, ghé nhiều quán cà phê khác nhau. Đà Lạt lại có cách mở quán cà phê khác nhau, cách uống cà phê cũng khác. Ở đó, có chút hoài niệm của năm tháng đã qua.
Năm tháng cứ lướt qua với bạn, còn Đà Lạt thì ở lại cho chút hoài niệm với những quán cà phê mà thời thanh xuân của bạn, của tôi đã từng ghé.
Cà phê Tùng- nơi lưu giữ thanh xuân cho lứa sinh viên trước năm 1975
Hôm nay, tôi mở cửa vào quán Cà phê Tùng. Rất nhiều lần đi Đà Lạt nhưng tôi chỉ đi ngang. Có lẽ trong nhiều ký ức luyến lưu, Cà phê Tùng là nơi lưu giữ thanh xuân cho lứa sinh viên chúng tôi trước năm 1975. Đó không chỉ là quán cà phê, bởi Đà Lạt dạo này có nhiều quán cà phê lộng lẫy để cho bạn trẻ check-in. Nhưng Cà phê Tùng ở lại cùng Đà Lạt như bể dâu đã ở ngoài cánh cửa kính, có con đường nhỏ mà ngày xưa tôi hay đi ngang để đến Đại học Đà Lạt. Trải gần 70 năm, để nhớ thời còn sinh viên ghé qua, là ông Trần Đinh Tùng mặc vest đứng ở quầy và tình cờ gặp vợ chồng Lê Uyên Phương cùng ghé uống. Quán bây giờ tính tiền trước chứ không tính tại quầy; quầy thu ngân chỉ là trang điểm làm duyên. Và chiếc máy Akai phát nhạc ngày xưa nay chắc đã không còn. Nhưng luyến lưu còn ở Tùng, nỗi nhớ còn ở Tùng. Chỉ mong là quán còn tồn tại như đang tồn tại.
Cà phê Tùng của gần 70 năm sau có gì? Có chứ, cô gái ngồi chung bàn với vợ chồng tôi rót giùm ly trà, cô ấy năm nay 22 tuổi. Cô gái ấy ở TP HCM, bảo mỗi lần lên Đà Lạt là tới đây. Cô ngồi uống ly cà phê phin pha đúng điệu. Cà phê Tùng vẫn những chiếc ghế bọc da sát nhau, ai đến sau cứ ngồi chung với người trước. Cà phê Tùng thỉnh thoảng bị "quấy rối" bởi những người bán vé số, còn thì là dòng nhạc cổ điển của bao năm trước, hoặc có thể là nhạc Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng… lướt trôi.
Những quán cà phê còn hay mất, nhỏ hay lớn ở Đà Lạt gắn liền với những chiếc ghế nối nhau, như để người truyền hơi ấm cho nhau. Vẫn là những giọt cà phê pha đặc nhỏ xuống và vẫn là những bản tình ca ở lại. Có một quán cà phê chỉ mới mở sau này nhưng rất nhiều người chuộng, chính là Cà phê Bùi Văn Ngọ ở ngay đầu ngọn đèo Preen. Ở con dốc bên dưới có rất nhiều quán cà phê trang trí đẹp, nhưng tôi chọn Bùi Văn Ngọ vào buổi chiều cuối cùng trước khi rời Đà Lạt. Ngồi ở chiếc bàn nhỏ bên ngoài của gương, ủ bàn tay vào ly trà nóng và thú vị khi vẫn là ly cà phê phin vô cùng thú vị. Cà phê và thoảng trong không gian những bản nhạc tình.
Cà phê nhỏ từng giọt và những bản nhạc tình trong thành phố đang lạnh hay rỉ rả những cơn mưa là Đà Lạt. Hôm nay đi trên con dốc Lê Đại Hành, khi thấy không còn quán Cà phê Lens mình vẫn thường ngồi, có cảm giác như con dốc này đang thiếu những luyến lưu.
Bài và ảnh: KHUÊ VIỆT TRƯỜNG
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/ca-phe-ky-uc-196250719215957209.htm