Hội thảo khoa học do Ban Chỉ đạo 138 tỉnh Hải Dương tổ chức được đánh giá mang tính thời sự, sát với tình hình thực tế hiện nay
Sáng 29/11, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh Hải Dương tổ chức hội thảo khoa học cấp tỉnh 'Tội phạm và vi phạm pháp luật phát sinh từ mâu thuẫn trong nhân dân và người dưới 18 tuổi gây ra trên địa bàn tỉnh Hải Dương - Thực trạng và giải pháp'
Hội thảo tổ chức trực tiếp tại Trung tâm Văn hóa Xứ Đông (TP Hải Dương) và kết nối trực tuyến với 12 huyện, thị xã, thành phố.
Các đồng chí: Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Lê Ngọc Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 138 tỉnh; một số đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành thành viên Ban Chỉ đạo 138 tỉnh; lãnh đạo Học viện An ninh nhân dân, Học viện Cảnh sát nhân dân... dự tại điểm cầu trực tiếp.
Luôn xác định là nhiệm vụ quan trọng
Đồng chí Lê Ngọc Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 138 tỉnh Hải Dương khai mạc và phát biểu đề dẫn hội thảo khoa học
Phát biểu khai mạc, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu khẳng định Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh Hải Dương luôn xác định phòng chống tội phạm là nhiệm vụ quan trọng, góp phần giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, là tiền đề phát triển kinh tế - xã hội.
Các chỉ số an ninh, an toàn của Hải Dương luôn được bảo đảm, nổi bật là tỉnh không còn các điểm mâu thuẫn, khiếu kiện kéo dài. Tình hình tội phạm về trật tự xã hội đã được kéo giảm qua từng năm, riêng năm 2024 giảm 25% so với năm trước.
PGS.TS. Thiếu tướng Trịnh Ngọc Quyên, Giám đốc Học viện An ninh nhân dân phát biểu tại hội thảo khoa học
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các ý kiến đi sâu phân tích để làm rõ hơn vấn đề lý luận về công tác nắm tình hình nhằm phòng ngừa, hạn chế, giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân và phòng chống người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật. Trách nhiệm của các cấp, các ngành và của từng cán bộ, đảng viên, gia đình, nhà trường, xã hội trong công tác này. Thực tiễn chỉ đạo, tổ chức nắm tình hình, giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân và công tác phòng chống người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật...
Nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn hết sức đa dạng
Đại tá, tiến sĩ Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục C03 (Bộ Công an) đánh giá thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá trong công tác nắm tình hình, giải quyết mâu thuẫn nội bộ nhân dân theo chức năng của lực lượng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội
Các đại biểu đánh giá, tội phạm và vi phạm pháp luật phát sinh do mâu thuẫn trong nhân dân còn chiếm tỷ lệ khá cao.
Nguyên nhân phát sinh hết sức đa dạng, từ mâu thuẫn tình ái, mâu thuẫn trong nội bộ gia đình, tranh chấp đất đai, mẫu thuẫn về lợi ích kinh tế, mâu thuẫn băng, nhóm... Các mâu thuẫn bộc phát như va chạm giao thông, do sử dụng rượu bia. Sự việc diễn ra nhanh, khi hậu quả xảy ra mới trình báo; mâu thuẫn âm ỉ, kéo dài không để lộ ra bên ngoài, gây khó khăn cho công tác phòng ngừa.
Các ý kiến đồng tình cao với chủ đề hội thảo. Trong ảnh: Lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh tham luận
Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, đoàn thể, nhất là ở cấp cơ sở trong việc quyết mâu thuẫn và sự phối hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội trong quản lý, giáo dục người dưới 18 tuổi chưa chặt chẽ, chưa hiệu quả.
Tội phạm và vi phạm pháp luật do người dưới 18 tuổi gây ra đang có xu hướng phức tạp hơn. Việc tương tác trên không gian mạng trở nên phổ biến và thường xuyên hơn song lại thiếu các biện pháp giám sát, quản lý.
Các đại biểu cho rằng, nhiều mâu thuẫn nếu được phát hiện từ sớm, kiên trì giáo dục, hòa giải hoặc có biện pháp quản lý, giám sát chặt chẽ, hiệu quả hơn thì có thể hạn chế tối đa hậu quả xảy ra.
Các giải pháp cần mang tính tổng thể, căn cơ
Đại tá Bùi Quang Bình, Giám đốc Công an tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 138 tỉnh Hải Dương đánh giá hội thảo khoa học có tính thực tiễn cao trong thời điểm hiện nay
Đại tá Bùi Quang Bình, Giám đốc Công an tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 138 tỉnh đánh giá, hội thảo khoa học hoàn thành mục đích, yêu cầu đặt ra và có tính thực tiễn cao.
Các tham luận đã thống nhất khẳng định, mâu thuẫn trong nhân dân là hiện tượng xã hội, tồn tại và xuất hiện ở nhiều lĩnh vực, rất đa dạng và phức tạp, dẫn đến phát sinh một số vụ án để lại nhiều hậu quả nặng nề.
Hội thảo đã phân tích, đánh giá sâu kỹ thực trạng tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật do người dưới 18 tuổi gây ra. Chỉ rõ phương thức, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng, cũng như hệ lụy rất lớn cho xã hội.
Ông Nguyễn Minh Tân, Phó Chánh tòa dân sự (Tòa án Nhân dân tỉnh) tham luận "Công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án Nhân dân tỉnh Hải Dương và các giải pháp nâng cao chất lượng hòa giải, giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, góp phần làm giảm nguyên nhân mâu thuẫn có thể dẫn tới phạm tooij hoặc hành vi vi phạm pháp luật khác"
Đồng thời, đã chỉ ra những hạn chế của các cơ quan, lực lượng chức năng, sự vào cuộc của gia đình, nhà trường... trong nắm tình hình, phòng ngừa xã hội, ngăn chặn, giải quyết có nơi, có lúc còn hình thức, chưa thực sự hiệu quả, bền vững.
Các ý kiến thống nhất công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật nói chung và phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật phát sinh từ mâu thuẫn trong nhân dân và do người dưới 18 tuổi gây ra nói riêng là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị.
Bà Trịnh Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tham luận về phát huy vai trò của phụ nữ trong công tác hòa giải ở cơ sở
Cần đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định, xóa đói, giảm nghèo, chăm lo giáo dục, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Rà soát, bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện, ban hành mới các chính sách, pháp luật, nội quy, quy chế, quy định... nhằm hạn chế sơ hở, thiếu sót là nguyên nhân, điều kiện nảy sinh mâu thuẫn, phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật do người dưới 18 tuổi gây ra...
Thực hiện có hiệu quả các mục tiêu trên sẽ đúng với quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, nguyên Bộ trưởng Công an: “Chỉ cần giảm được 5% số vụ phạm tội hằng năm, nước ta sẽ có 2.000 gia đình không bị tội phạm xâm hại, cùng với đó có khoảng 2.000 người không phải chấp hành hình phạt, các cơ quan tư pháp bớt đi được số lượng lớn công việc cần phải giải quyết, tiết kiệm chi phí xã hội rất lớn...".
Hai năm gần đây, tại Hải Dương xảy ra 1.004 vụ án về trật tự xã hội, trong đó có 236 vụ án liên quan đến mâu thuẫn trong nhân dân (23%); trong đó nhiều vụ án gây hậu quả rất nặng nề, gây hoang mang, lo lắng trong dư luận xã hội, như cha giết con, chồng giết vợ, anh em giết nhau... Có 225 vụ, 661 đối tượng vụ việc liên quan người dưới 18 tuổi.
TIẾN HUY