Các chuyên gia hiến kế việc giữ lại biệt thự cổ 100 tuổi ở Đồng Nai

Các chuyên gia hiến kế việc giữ lại biệt thự cổ 100 tuổi ở Đồng Nai
2 giờ trướcBài gốc
Những ngày qua, câu chuyện căn biệt thự cổ 100 tuổi (Biệt thự Đốc phủ sứ Võ Hà Thanh) bên sông Đồng Nai có nguy cơ bị tháo dỡ để làm đường đã nhận được sự quan tâm của dư luận.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai quyết định giữ lại công trình biệt thự cổ 100 tuổi để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc. Ảnh: VŨ HỘI
Bên cạnh nhiều ý kiến đồng ý với việc tháo dỡ căn biệt thự lịch sử để nhường cho những công trình mới thì cũng có nhiều ý kiến phản đối vì không chỉ mang giá trị văn hóa mà căn biệt thự 100 tuổi này còn mang dấu ấn lịch sử của vùng đất Nam Bộ.
Biệt thự trăm tuổi mang nhiều giá trị
Nói về căn biệt thự cổ 100 tuổi ở Đồng Nai, PGS.TS Đặng Văn Thắng, Phó Chủ tịch thường trực Hội Khoa học lịch sử TP.HCM nhìn nhận căn biệt thự mang nhiều ý nghĩa lớn.
Theo PGS.TS Đặng Văn Thắng, căn biệt thự cổ 100 tuổi ở Đồng Nai là kiến trúc phối hợp giữa Á và Âu kiến trúc Châu Âu nhưng xây dựng theo kiểu của Việt Nam.
“Căn biệt thự ghi nhận một giai đoạn lịch sử chúng ta là thuộc địa của Pháp để làm tài liệu nghiên cứu lịch sử.
Về mặt kiến trúc, bên cạnh cột kèo, phòng ốc, cầu thang…căn biệt thự này bắt đầu xây dựng xi măng cốt sắt, đặc biệt là dùng kính màu rất hiếm thấy ở các công trình khác, vào thời điểm đó kiểu kính màu này thường được dùng trong các nhà thờ…
Về giá trị văn hóa, căn biệt thự cổ 100 tuổi là sự ghi nhận mối quan hệ kết hợp văn hóa đông tây qua tư liệu khảo cổ.
Giá trị khoa học từ công trình này chúng ta có thể nghiên cứu về vật liệu xây dựng vào năm 1924, kỹ thuật xây dựng, mỹ thuật, lịch sử, văn hóa… nhiều mặt khác nhau về mặt khoa học…" - PGS.TS Đặng Văn Thắng chia sẻ.
Với kiến trúc sư (KTS) Ngô Viết Nam Sơn, căn biệt thự cổ 100 tuổi ở Đồng Nai là kiểu công trình có thể thời nay mọi người cho rằng bình thường nhưng ở thời điểm nó xây dựng là một công trình hàng đầu của cả một vùng Nam Bộ.
"Bởi không quá nhiều người có khả năng xây dựng công trình như vậy, do đó nó mang một giá trị quan trọng của một vùng và của cả một thời kỳ. Theo tôi, trong những năm trước những công trình tương tự như vậy ở Biên Hòa chỉ đếm trên đầu ngón tay từ 1 đến 2 công trình" – KTS Ngô Viết Nam Sơn cho hay.
Để một di tích, di sản được sống
Đối với căn biệt thự cổ 100 tuổi ở Đồng Nai, KTS Ngô Viết Nam Sơn kiến nghị chỉ cần nắn lại tuyến đường để giữ căn nhà này. Ý kiến của ông cũng tương tự với phương án của Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai.
Cụ thể, Sở Xây dựng chọn phương án nắn tuyến đường ven sông vì phạm vi đường ven sông lấn vào biệt thự cổ 12,7m. Như vậy, phạm vi còn lại từ mép kè đến mép hiên biệt thự cổ vẫn có đủ khoảng cách để nắn lại hướng tuyến, tránh được biệt thự cổ, nguyên tắc vẫn giữ lòng đường rộng 24m trên toàn tuyến. Nhưng khi nắn tuyến vẫn phải đủ bảo đảm không cua gắt, không thắt cổ chai.
Phạm vi chiều dài nắn tuyến khoảng 200m và phạm vi diện tích đất dôi dư do nắn tuyến ra phía ngoài bờ sông sẽ tổ chức làm đất công viên, bãi xe. Cũng theo phương án này, không cần thu hồi thêm đất, chỉ cần điều chỉnh phương án thiết kế tuyến đường, lập và hồ sơ thiết kế.
Đặc biệt, KTS Ngô Viết Nam Sơn cũng hiến kế nếu có thể, nhà nước nên dùng ngân sách mua lại ngôi biệt thự.
"Lâu nay cách làm việc của chúng ta có tính chất đơn ngành nhiều hơn. Như Sở GTVT có nhiệm vụ làm đường thì sau khi sở này bàn giao rồi mới làm quy hoạch. Qua đó điều tôi muốn nhắn gửi là ngay từ lúc này nên có sự phối hợp giữa các sở với nhau trong việc giữ lại, bảo tồn.
Ngay trong giải pháp điều chỉnh hay thi công tuyến đường thì phải lập luôn quy hoạch ven sông và gắn kết giao thông bộ với giao thông đường thủy....Tôi tin rằng chúng ta chỉ mất vài năm sẽ có một điểm đến rất là hấp dẫn ven sông cho TP Biên Hòa trong thời gian tới" – KTS Ngô Viết Nam Sơn bày tỏ.
Bên cạnh đó, ông cũng chỉ ra việc ứng xử với công trình kiến trúc cổ trong quản lý đô thị thì cách làm tốt nhất vẫn là dựa trên nền tảng cơ sở pháp lý. Đó là cách đi minh bạch, rõ ràng và hiệu quả nhất.
KTS Ngô Viết Nam Sơn cũng chỉ ra sự thiếu sót của Luật Di sản văn hóa.
Theo đó, công trình di sản có 4 loại di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích khảo cổ và danh lam thắng cảnh. Tuy nhiên, Luật Di sản văn hóa chỉ quan tâm đến một loại di sản thôi là di tích lịch sử. Tại Việt Nam, loại này chiếm số lượng rất ít trong khi 80-90% công trình di sản thuộc thể loại thứ hai.
"Di tích là nguyên công trình đó 100% không có sự thay đổi còn di tích kiến trúc nghệ thuật chúng ta bảo tồn phần chính rồi chúng ta có thể mở rộng xây thêm sao cho phù hợp với phong cách công trình di sản để nó đừng quá khác biệt. Loại thứ 2 này chiếm đa số, đến 80-90% nhưng luật Di sản văn hóa hầu như bỏ ngỏ vấn đề này.
Căn biệt thự cổ 100 tuổi ở Đồng Nai thuộc loại thứ 2, tức là nó cần bảo tồn nhưng không phải như di tích lịch sử để đo vẽ bảo tồn y như cũ vì thực sự nó cũng không gắn với một nhân vật lịch sử nào quan trọng. Tuy nhiên, đây là một công trình có giá trị, chúng ta có thể sửa lại, xây dựng thêm công trình phụ có phong cách hài hòa với công trình này.
Qua đó, KTS Ngô Viết Nam Sơn cũng mong mỏi các nhà làm luật sẽ điều chỉnh Luật Di sản văn hóa theo hướng sẽ nêu ra cách xác định 4 loại hình di sản như ông đã đề cập và quy định rõ 4 loại di sản này phải được ứng xử như thế nào. Từ đó mới có cơ sở áp dụng và có cơ sở không bỏ sót những công trình di sản như hiện nay.
Tiềm năng của cả một khu vực...
Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, tiềm năng của Đồng Nai, Biên Hòa rất lớn trong tương lai thì trong việc bảo tồn. Ông mong mỏi chính quyền đừng chỉ nhìn thấy giá trị của giao thông hay là của một hai công trình đơn lẻ mà cần giữ gìn bản sắc của một khu vực, đặc biệt là khu vực ven sông...
"Chúng ta chỉnh trang kiến trúc cảnh quan của tuyến đường này cho thân thiện hơn với người đi bộ, có không gian để giao tiếp với sông nước thì nó sẽ giúp cho Đồng Nai phát triển du lịch, có giá trị bản sắc riêng.
Điều này làm tăng bản sắc vừa tạo nên nguồn phát triển kinh tế xã hội cho Biên Hòa bởi vì khi khách du lịch đến họ sẽ có nhu cầu ăn ở đi lại mua sắm thì nó sẽ giúp cho cả vùng ven sông Đồng Nai trù phú lên" – KTS Ngô Viết Nam Sơn nói.
Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, các bên liên quan cần quy hoạch cảnh quan của công trình này và nếu được nhà nước có thể mua lại công trình này để làm Bảo tàng vùng đất Nam Bộ hay Bảo tàng về TP Biên Hòa. Quanh đó, sẽ chỉnh lại không gian xanh làm một bến thuyền ngay ven sông...Từ đó có định hướng quy hoạch, phát triển dịch vụ thương mại… Từ đó, nơi đây sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn không chỉ cho Biên Hòa mà cả vùng đô thị đồng thời hấp dẫn vùng du lịch quốc tế…
"Tôi thấy rằng chuyện này không phải chuyện đơn giản là giữ hay không giữ một căn nhà cổ mà nó là một tiềm năng của cả một khu vực và tôi thấy rất vui khi các lãnh đạo chịu lắng nghe và ra chỉ đạo kịp thời" – KTS Ngô Viết Nam Sơn bày tỏ.
VĂN HÀ
Nguồn PLO : https://plo.vn/cac-chuyen-gia-hien-ke-viec-giu-lai-biet-thu-co-100-tuoi-o-dong-nai-post812493.html