Xu hướng chuyển dịch sang năng lượng mới (xe năng lượng mới bao gồm xe điện, xe hybrid) đã tác động tới các hãng sản xuất ô tô truyền thống (xe xăng) tại thị trường Trung Quốc. Trong đó, doanh số bán xe năng lượng mới tại Trung Quốc đã chiếm hơn một nửa doanh số bán xe ô tô toàn Trung Quốc trong 10 tháng năm 2024.
Đơn cử, doanh thu tại Trung Quốc của các hãng sản xuất ô tô General Motors của Mỹ, Volkswagen của Đức và Nissan của Nhật Bản đều sụt giảm trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2023.
Năm 2023, hãng sản xuất ô tô Kia của Hàn Quốc đã báo cáo doanh số bán hàng tại Trung Quốc thấp hơn 30% so với năm 2020, trong khi Tesla ghi nhận doanh số bán hàng tại Trung Quốc đã tăng hơn sáu lần trong giai đoạn 2019-2023.
Thực tế, để thâm nhập vào thị trường ô tô Trung Quốc, hàng loạt các nhà sản xuất ô tô lớn của Mỹ, Đức và các nước khác đã được khuyến khích liên doanh với các công ty tại Trung Quốc, thường sẽ là các công ty quốc doanh để có thể sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tại thị trường Trung Quốc.
Năm 2022, Trung Quốc mới bắt đầu cho phép các nhà sản xuất ô tô nước ngoài đầu tư 100% vốn xây dựng nhà máy sản xuất và không phải liên doanh với các doanh nghiệp tại Trung Quốc.
Và tính đến năm 2022, GM và Volkswagen đã nắm giữ hai vị trí dẫn đầu về thị phần bán xe tại thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, trước sự trỗi dậy của các doanh nghiệp sản xuất ô tô nội địa tại Trung Quốc trong những năm qua, các hãng sản xuất ô tô tại Trung Quốc đang ngày một gia tăng thị phần. Theo dữ liệu tháng 10/2024 từ Hiệp hội ô tô chở khách Trung Quốc, các hãng xe BYD và Geely của Trung Quốc đã tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và tiếp tục củng cố vị trí dẫn đầu thị phần trên thị trường.
Tu Le, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Sino Auto Insights nhận định: “Nếu các hãng sản xuất xe ô tô truyền thống nước ngoài không sớm tung ra các loại xe năng lượng mới phù hợp với xu hướng phát triển của thị trường ô tô tại Trung Quốc, các hãng sản xuất này sẽ gặp khó khăn. Theo đó, hy vọng duy nhất để có thể duy trì thị phần của các hãng ô tô truyền thống là hợp tác với các công ty ô tô tại Trung Quốc”.
Bên cạnh đó, David Norman, luật sư về M&A tại A&O Sherman nhận định: “Các hãng sản xuất ô tô phương Tây đang nhận ra rằng họ không thể chỉ ngồi đây và nhìn vị thế thị trường của mình ngày một xói mòn. Họ phải làm gì đó.
Để có thể nắm bắt được tương lai, tôi nghĩ chắc chắn chúng ta sẽ thấy nhiều vụ hợp tác hơn… Công nghệ tiên tiến mà các công ty xe năng lượng mới của Trung Quốc đang có là rất lớn và đang ngày càng phát triển và sẽ tiếp tục giành lấy thị phần từ các nhà sản xuất ô tô phương Tây”.
Một ví dụ về sự phát triển công nghệ của các nhà sản xuất ô tô nội địa tại Trung Quốc, các hãng ô tô điện Trung Quốc đã tích hợp màn hình giải trí giống như điện thoại thông minh, máy chiếu và công nghệ hỗ trợ người lái vào xe để duy trì hoạt động trong một thị trường địa phương cạnh tranh khốc liệt.
Thêm nữa, trong khi phiên bản hỗ trợ người lái của Tesla vẫn chưa được chấp thuận hoàn toàn tại Trung Quốc, thì các hãng xe trong nước đã phát triển phiên bản của riêng họ. Cụ thể, Xpeng, BYD và các hãng xe địa phương khác sử dụng chip của Nvidia, trong khi Huawei đã xây dựng hệ thống hỗ trợ người lái và giải trí trên xe cho các nhà sản xuất ô tô khác.
Stephen Dyer, đồng lãnh đạo và Giám đốc bộ phận ô tô châu Á của AlixPartners cho biết: "Tôi nghĩ rằng để có những chiếc xe cạnh tranh tại Trung Quốc, các công ty nước ngoài cần phải có hệ thống lái xe tiên tiến tương đương với những gì chúng ta thấy trên một số chiếc xe của Trung Quốc".
Các công ty Trung Quốc có thể không dễ mua
Vẫn còn phải xem liệu các nhà sản xuất ô tô nước ngoài có thể xây dựng được lợi thế hiệu quả bằng cách hợp tác với các công ty Trung Quốc đang bán ô tô hoặc công nghệ của riêng họ trên cùng một thị trường hay không.
"Các thương hiệu xe năng lượng mới trong nước quá cạnh tranh… Chúng ta có thể nỗ lực hết mình nhưng vẫn chỉ bán được một vài chiếc xe", Weng Yajun, đối tác M&A tại JunHe Law cho biết.
Các nhà sản xuất ô tô tại Trung Quốc đã giảm giá để thu hút người mua, đồng thời tung ra hàng loạt mẫu xe mới chỉ trong một năm. Ngay cả các công ty ô tô nhà nước cũng đang gặp khó khăn.
“Điều đó có nghĩa là các hãng sản xuất ô tô nước ngoài phải cạnh tranh với các hãng quốc doanh để có được bất kỳ vụ mua lại nào tại địa phương”, Yiming Wang, nhà phân tích tại China Renaissance Securities nói và cho biết, các công ty khởi nghiệp của Trung Quốc cũng chưa đến thời điểm muốn tự bán mình, mặc dù đang hoạt động thua lỗ.
Cổ phần của Volkswagen tại Xpeng vẫn là sự hợp tác nổi bật nhất cho đến nay giữa một hãng sản xuất ô tô nước ngoài và một công ty khởi nghiệp ô tô điện của Trung Quốc tại thị trường Trung Quốc.
Volkswagen đang thử các chiến lược khác để giành lại thị phần. Năm ngoái, Volkswagen đã đầu tư 700 triệu USD vào công ty khởi nghiệp ô tô điện Trung Quốc Xpeng để tạo ra các mẫu xe tại Trung Quốc vào năm 2026. Năm trước, Volkswagen đã công bố kế hoạch đầu tư 2,4 tỷ euro (2,5 tỷ USD) cho quan hệ đối tác giữa công ty con về phần mềm ô tô và nhà sản xuất chip lái xe tự động Trung Quốc Horizon Robotics.
Trong khi đó, Audi cùng với nhà sản xuất ô tô nhà nước Trung Quốc SAIC trong tháng này đã ra mắt một thương hiệu ô tô điện mới tại Trung Quốc.
Theo Jing Yang, Giám đốc xếp hạng doanh nghiệp châu Á - Thái Bình Dương tại Fitch Ratings, thị phần của các hãng sản xuất ô tô nước ngoài tại Trung Quốc có khả năng sẽ giảm vào năm tới, thậm chí một số thương hiệu về cơ bản sẽ rời khỏi nước này.
Ngoài ra, các công ty ô tô toàn cầu cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các hãng sản xuất ô tô Trung Quốc đang mở rộng ra nước ngoài. Bất chấp thuế quan, chẳng hạn như ở Liên minh châu Âu, “các công ty Trung Quốc sẽ không dễ dàng từ bỏ việc mở rộng ra nước ngoài vì mục đích lợi nhuận cao hơn”, bà Jing Yang cho biết.
Hạc Hiên / Theo báo chí nước ngoài