Thủ tướng Israel Netanyahu. Ảnh: Getty Images.
ICC đã ban hành lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Netanyahu và cựu Bộ trưởng quốc phòng nước này, Yoav Gallant, cùng chỉ huy Hamas Mohammed Deif hôm 21/11. ICC cho biết có “căn cứ hợp lý” để tin rằng Netanyahu và Gallant đã phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người bằng cách hạn chế viện trợ nhân đạo và nhắm vào dân thường trong chiến dịch quân sự của Israel ở dải Gaza.
Tất cả 27 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu, bao gồm Hungary, đều là thành viên của ICC. Tòa án này cho biết các thành viên của mình được yêu cầu bắt giữ những nghi phạm phải đối mặt với lệnh truy nã nếu họ đặt chân lên đất nước của họ. Tuy nhiên, trên thực tế, tòa án không có cách nào để thực thi điều này.
Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, Josep Borrell, cho biết phán quyết của tòa án nên được các quốc gia thành viên “tôn trọng và thực hiện”. Tuy nhiên, Thủ tướng Hungary Viktor Orbán không chỉ thách thức tòa án mà còn mời Netanyahu tới Budapest. Orbán gọi lệnh bắt giữ này là “vô cùng trơ tráo” và “vô liêm sỉ”.
Bất chấp sự phản đối của Hungary, Ý, Ireland, Bỉ, Hà Lan và Pháp cho biết họ sẽ tôn trọng quyết định của tòa án và sẽ bắt giữ Netanyahu nếu ông đến một trong các quốc gia mình.
Bộ trưởng Quốc phòng Ý Guido Crosetto cho biết mặc dù việc so sánh Netanyahu và Gallant với Hamas là “sai”, nhưng nếu hai người này nhập cảnh vào Ý, “chúng tôi sẽ phải bắt giữ họ”.
Thủ tướng Ireland Simon Harris cho biết các lệnh bắt giữ này là “một bước tiến cực kỳ quan trọng”, đồng thời cho biết Ireland sẽ tôn trọng vai trò và phán quyết của ICC.
Bộ Ngoại giao Bỉ cho biết họ “hoàn toàn” ủng hộ công việc của ICC và “những kẻ chịu trách nhiệm về các tội ác đã gây ra ở Israel và Gaza phải bị truy tố ở cấp cao nhất, bất kể thủ phạm là ai”.
Bộ trưởng Ngoại giao Hà Lan Caspar Veldkamp xác nhận Hà Lan sẽ “hành động theo lệnh bắt giữ”.
Bộ Ngoại giao Pháp từ chối cho biết liệu nước này có bắt giữ Gallant và Netanyahu hay không nhưng cho biết họ sẽ hành động “theo đúng quy chế của ICC”.
Người đồng cấp Áo cho biết lệnh bắt giữ là “vô lý”, nhưng quốc gia này cũng sẽ buộc phải bắt giữ nếu Netanyahu và Gallant đến Áo.
Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock cho biết Đức đang “xem xét” cách phản ứng với phán quyết của tòa án, đồng thời nói thêm rằng nước này chịu sự ràng buộc của tòa án và công nhận luật pháp quốc tế.
Lệnh bắt giữ này đánh dấu lần đầu tiên một nhà lãnh đạo đương nhiệm là đồng minh phương Tây bị tòa án công lý toàn cầu cáo buộc phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người.
Động thái này, mặc dù mang tính biểu tượng, nhưng không mang tính ràng buộc. Tổng thống Nga Vladimir Putin, người có lệnh truy nã của ICC vì cáo buộc tội ác chiến tranh ở Ukraine, đã “bình an” khi ông đến thăm Mông Cổ, mặc dù quốc gia này là gia thành viên của ICC.
Trong khi 27 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu là thành viên của ICC, Hoa Kỳ và Israel thì không. Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden lên án quyết định của ICC ban hành lệnh bắt giữ Netanyahu và Gallant là “vô lý”. Thủ tướng Israel Netanyahu gọi lệnh bắt giữ là “chống lại người Do Thái”.
TD (Euronews)