HIV làm suy yếu hệ miễn dịch, dẫn đến các bệnh nhiễm trùng khác như sốt và tiêu chảy… Những bệnh nhiễm trùng này có thể làm giảm lượng thức ăn nạp vào (vì chúng vừa làm giảm cảm giác thèm ăn vừa cản trở khả năng hấp thụ thức ăn của cơ thể…), dẫn đến sụt cân, mệt mỏi và suy dinh dưỡng…
Ngoài các tác hại của virus HIV, tác dụng phụ của một số liệu pháp kháng virus cũng có thể khiến người nhiễm HIV dễ mắc các tình trạng khác như hội chứng chuyển hóa. Do đó, dinh dưỡng tốt rất quan trọng với người nhiễm HIV, giúp duy trì sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống. Người nhiễm HIV cần biết ăn gì và ăn như thế nào để giúp cơ thể và hệ thống miễn dịch khỏe mạnh.
Ăn uống lành mạnh có thể giúp người nhiễm HIV:
Giảm thiểu các triệu chứng liên quan đến HIV.
Giảm tác dụng phụ của thuốc.
Nâng cao chất lượng cuộc sống.
Cải thiện sức đề kháng đối với các bệnh nhiễm trùng và biến chứng khác liên quan…
Dinh dưỡng tốt rất quan trọng với người nhiễm HIV, giúp duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh.
1. Cách ăn uống lành mạnh khi HIV được kiểm soát
Nhu cầu dinh dưỡng cá nhân của những người nhiễm HIV/AIDS cần được xem xét cụ thể từng trường hợp. Tuy nhiên, chế độ ăn uống lành mạnh nói chung là điểm khởi đầu để bảo vệ sức khỏe, tăng cường miễn dịch cho cơ thể:
- Tiêu thụ đủ lượng calo trong ngày để duy trì cân nặng khỏe mạnh: Những người nhiễm HIV/AIDS có thể cần điều chỉnh nhu cầu calo và protein tùy thuộc vào cách cơ thể phản ứng với phương pháp điều trị. Một số cá nhân có thể cần nhiều calo, protein hơn so với những người không mắc tình trạng này.
- Thêm protein vào mỗi bữa ăn:Protein rất quan trọng, cần thiết để tạo ra, sửa chữa và duy trì các tế bào trong cơ thể, đóng vai trò giúp hệ thống miễn dịch mạnh mẽ. Các nguồn protein tốt bao gồm thịt nạc, gia cầm, cá, thực phẩm từ sữa ít béo, trứng, đậu và đậu lăng...
- Bao gồm nhiều loại thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất: Trái cây, rau, sữa ít béo… chứa vitamin và khoáng chất, giúp cơ thể hoạt động tối ưu. Kẽm và vitamin C cần thiết cho hệ thống miễn dịch; sắt và vitamin B12 rất cần thiết cho các tế bào máu khỏe mạnh. Bao gồm nhiều loại thực phẩm giàu các chất dinh dưỡng này sẽ đáp ứng nhu cầu của cơ thể.
- Đảm bảo an toàn thực phẩm:Những người bị HIV/AIDS dễ bị ngộ độc thực phẩm hơn, vì HIV làm suy yếu hệ thống miễn dịch. Thực hành an toàn thực phẩm giúp giảm nguy cơ mắc bệnh. Người nhiễm HIV cần tránh ăn thịt, cá và trứng sống hoặc nấu chưa chín; chỉ tiêu thụ sữa hoặc pho mát đã tiệt trùng; rửa sạch trái cây, rau củ và nhớ sử dụng dao, thớt riêng cho thịt và thực phẩm sống…
2. Ăn như thế nào khi cơ thể có vấn đề giúp nâng cao miễn dịch
Tiêu chảy, chán ăn, buồn nôn - nôn, đau miệng và thay đổi vị giác đều là những vấn đề thường gặp ở người nhiễm HIV, có thể khiến việc ăn uống trở nên khó khăn hơn.
Trong những trường hợp này, nên có sự tư vấn của chuyên gia dinh dưỡng, để giúp bạn thiết lập thực đơn bổ dưỡng, phù hợp… ứng phó với các tình trạng này.
Khi bị tiêu chảy nên ăn các loại thực phẩm mềm, nghiền… như rau và trái cây mềm, cháo từ ngũ cốc, gạo, chuối, khoai tây hay món hầm.
Để bổ sung các khoáng chất đã mất, hãy ăn rau và trái cây mềm, đặc biệt là chuối, xoài, đu đủ, dưa hấu, bí ngô, khoai tây và cà rốt; gọt vỏ và nấu chín rau củ quả để chúng dễ hấp thụ hơn; ăn thức ăn ấm, tránh ăn quá nóng hoặc quá lạnh và chia nhỏ bữa ăn trong ngày.
Khi chán ăn hãy thử nhiều loại thực phẩm khác nhau cho đến khi tìm được loại mình thích và cố gắng áp dụng chế độ ăn hỗn hợp; ăn các bữa ăn nhỏ thường xuyên hơn, ăn bất cứ khi nào bạn thấy ngon miệng (đừng quá cứng nhắc về thời gian cố định cho các bữa ăn).
Cố gắng uống nhiều nước, sữa, sữa chua, súp, trà thảo mộc hoặc nước ép trong suốt cả ngày; uống chủ yếu sau và giữa các bữa ăn - không uống quá nhiều trước hoặc trong bữa ăn; thêm hương vị cho món ăn làm tăng sự hấp dẫn… Tránh đồ uống có ga, bia và các thực phẩm như bắp cải, bông cải xanh và đậu vì chúng tạo ra khí trong dạ dày và có thể khiến bạn cảm thấy đầy hơi.
Khi buồn nôn hoặc nôn, hãy cố gắng ngồi dậy khi ăn, không nằm xuống cho đến một hoặc hai giờ sau khi ăn; uống nhiều nước sau bữa ăn; cố gắng không tự chuẩn bị thức ăn (mùi khi chuẩn bị hoặc nấu thức ăn có thể làm tăng cảm giác buồn nôn).
Nếu bị nôn, hãy tiếp tục uống một lượng nhỏ nước, súp và trà gia vị; ăn thức ăn mềm và quay lại thức ăn rắn khi hết nôn. Bạn có thể làm giảm cảm giác buồn nôn bằng cách ngửi vỏ cam hoặc chanh tươi, hoặc uống nước cốt chanh pha với nước nóng hoặc trà thảo mộc hoặc trà gừng; ăn thức ăn khô - mặn như bánh mì nướng, bánh quy giòn và ngũ cốc…; tránh thức ăn béo, nhiều dầu mỡ và rất ngọt (vì có thể khiến buồn nôn tệ hơn).
Khi bị đau miệng, nên ăn các loại thực phẩm mềm, nghiền, mịn như bơ, bí ngô, đu đủ, chuối, sữa chua, rau củ nấu súp và thức ăn băm nhỏ; thêm chất lỏng vào thực phẩm hoặc làm mềm thực phẩm khô bằng cách nhúng vào chất lỏng; uống đồ uống lạnh, súp, nước ép rau và trái cây; sử dụng ống hút để uống nước…
BS. Nguyễn Bích Ngọc