Dự thảo Luật Thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) sửa đổi sẽ được trình Quốc hội Khóa XV tại kỳ họp tháng 10/2025 và thông qua vào kỳ họp tháng 5/2026.
TS. Nguyễn Ngọc Tú - Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội
TS. Nguyễn Ngọc Tú, chuyên gia cao cấp về thuế, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho rằng: “Rất nhiều quy định trong Luật Thuế TNCN hiện hành quá lạc hậu, lỗi thời, gây bất lợi cho người nộp thuế. Bộ Tài chính đã thừa nhận vấn đề ấy từ năm 2018”.
* Theo ông, vì sao mức giảm trừ gia cảnh trong Luật Thuế TNCN là nội dung được dư luận đặc biệt quan tâm?
- Luật Thuế TNCN lạc hậu thì đã rõ, nhất là mức giảm trừ gia cảnh. Với mức giảm trừ 11 triệu đồng/tháng đối với người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/ tháng với người phụ thuộc, người nộp thuế không đảm bảo chi tiêu cho những nhu cầu thiết yếu. Trong bối cảnh giá nhà đất, lương thực, thực phẩm, học phí, viện phí tăng cao nhưng mức giảm trừ gia cảnh vẫn giữ nguyên 4 năm nay. Như giảm trừ 4,4 triệu đồng/ tháng cho người phụ thuộc sao đủ nuôi một đứa trẻ, nhất là sống ở thành phố đắt đỏ như Hà Nội, TP.HCM… Riêng tiền học một tháng đã bằng, thậm chí cao hơn mức giảm trừ này, còn chi phí ăn uống, quần áo, đi lại. Đối với người nộp thuế, hằng năm, Chính phủ tăng lương tối thiểu nhằm tăng thu nhập, như năm nay, lương tối thiểu tăng 6% từ 1 tháng 7. Lương tối thiểu tăng khiến số tiền đóng bảo hiểm tăng theo. Giá cả hàng hóa, dịch vụ cũng tăng theo. Nhưng mức giảm trừ gia cảnh vẫn giữ nguyên khiến ý nghĩa của việc tăng lương không thật sự trọn vẹn.
* Đến năm 2027, Luật Thuế TNCN sửa đổi mới được áp dụng với mức giảm trừ gia cảnh mới. Để người nộp thuế bớt thiệt thòi, ông có đề xuất gì?
- Trong lúc chờ sửa luật thuế này, Chính phủ cần trình Quốc hội giảm thuế TNCN cho người nộp thuế có thu nhập từ tiền lương, tiền công. Mức giảm tối thiểu 30% trong năm 2025 và 2026 để người nộp thuế bớt thiệt thòi. Vì tăng lương mà mức giảm trừ gia cảnh vẫn giữ nguyên sẽ khiến quyền lợi của người nộp thuế bị ảnh hưởng.
Tại sao lại là 30%? Vì đây là mức tăng lương cơ sở được Chính phủ quyết định điều chỉnh từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng đối với cán bộ, công nhân viên chức và lực lượng vũ trang, áp dụng từ 1 tháng 7/2024.
Thực tế đã có tiền lệ là năm 2009, khi kinh tế suy thoái, đời sống người dân khó khăn, Chính phủ đã trình Quốc hội giảm thuế TNCN 6 tháng đầu năm 2009 cho người làm công ăn lương. Và đến năm 2011, kinh tế có nhiều thách thức, Chính phủ cũng trình Quốc hội cho giảm thuế TNCN 5 tháng cuối năm với những người nộp thuế ở bậc 1 của biểu thuế lũy tiến.
Thuế hiện hành quá lạc hậu, gây bất lợi cho người nộp thuế
* Bộ Tài chính đề xuất tới đây, mức giảm trừ gia cảnh sẽ được Quốc hội giao cho Chính phủ quy định hằng năm nhằm phù hợp với tình hình thực tiễn. Ông bình luận gì về đề xuất này?
- Quy định này rất tích cực. Chính phủ sẽ chủ động điều chỉnh để mức giảm trừ theo kịp với biến động kinh tế - xã hội, đảm bảo quyền lợi của người nộp thuế. Vì quy định cứng một mức tuyệt đối trong luật như lâu nay, rồi muốn sửa luật phải thực hiện tuần tự rất nhiều bước, từ nghiên cứu, đánh giá đến lấy ý kiến các cơ quan liên quan…, mất rất nhiều thời gian.
Tôi đề xuất luôn là mức giảm trừ trước khi tính thuế phải đảm bảo nguyên tắc cá nhân có mức thu nhập đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của cuộc sống như ăn, ở, đi lại, học tập, khám chữa bệnh... Vì thế, thu nhập trên ngưỡng ấy mới phải nộp thuế. Căn cứ là lấy mức lương tối thiểu vùng, Bộ Tài chính tính toán mức giảm trừ gia cảnh bằng 4-5 lần hay cao hơn mức lương tối thiểu vùng. Hằng năm, mức giảm trừ gia cảnh sẽ tự trượt theo mức tăng của lương tối thiểu. Như năm nay, lương tối thiểu tăng 6% thì mức giảm trừ gia cảnh cũng tăng 6%. Như vậy, mới đảm bảo quy định không lạc hậu và gây bất lợi cho người nộp thuế.
Một điểm rất tích cực mà Bộ Tài chính đề xuất trong Luật Thuế TNCN sửa đổi là người nộp thuế được trừ các chi phí hợp lý như chi cho học hành, khám chữa bệnh. Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc, Indonesia... cho phép giảm trừ các khoản chi phí về y tế, giáo dục của con hoặc có quốc gia cho phép giảm trừ đối với khoản lãi tiền vay mua nhà trả góp... Quy định này sẽ tạo thuận lợi và góp phần giảm bớt gánh nặng thuế cho người nộp thuế.
* Về biểu thuế lũy tiến từng phần đối với thu nhập từ tiền công, tiền lương, Bộ Tài chính định hướng sẽ giảm số bậc, ông có góp ý gì cho nội dung này?
- Quy định hiện hành khiến gánh nặng thuế quá lớn với người làm công ăn lương. Bởi biểu thuế lũy tiến từng phần với 7 bậc, khoảng cách giữa các bậc quá dày và mức thu nhập chịu thuế quá thấp. Như mức thu nhập tính thuế ở bậc 7 là 80 triệu đồng có thuế suất quá cao tới 35%. Đến nay, mức thu nhập 80 triệu đồng không còn cao nữa. Do đó, chính sách cần sửa đổi theo hướng giảm bậc thuế xuống còn 5 bậc. Đồng thời, mức tính thuế giữa các bậc phải nâng lên ít nhất hai lần, như 80 triệu bậc thuế cuối cùng phải nâng lên thành 160 triệu đồng. Nguyên tắc mức tính thuế phải phù hợp với sự biến động của giá cả cũng như sự gia tăng mức sống dân cư trong giai đoạn vừa qua cũng như dự báo cho thời gian tới đây.
* Xin cảm ơn ông!
Thành Nam