Cân nhắc việc áp đặt các nghĩa vụ giám sát với doanh nghiệp phát triển trí tuệ nhân tạo

Cân nhắc việc áp đặt các nghĩa vụ giám sát với doanh nghiệp phát triển trí tuệ nhân tạo
5 giờ trướcBài gốc
Tạo cơ sở pháp lý để quản lý giao dịch tiền ảo, tài sản ảo
Thảo luận về dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, các đại biểu tán thành với sự cần thiết xây dựng Luật này để thể chế hóa đầy đủ chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước về phát triển công nghiệp công nghệ số; khắc phục những tồn tại, hạn chế về công nghiệp công nghệ thông tin và xây dựng hành lang pháp lý cho công nghiệp công nghệ số.
Đồng thời, tạo cơ chế chính sách vượt trội, đột phá; huy động mọi nguồn lực phát triển hiệu quả tiềm năng phát triển ngành công nghiệp công nghệ số trở thành ngành công nghiệp nền tảng, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số tại Việt Nam.
ĐBQH Nguyễn Phương Tuấn (Kiên Giang) phát biểu. Ảnh: Thanh Hải
Về phạm vi điều chỉnh, tại Tờ trình của Chính phủ đã nêu rõ dự án Luật Công nghiệp công nghệ số được xây dựng trên cơ sở kế thừa có chọn lọc các quy định còn phù hợp của Luật Công nghệ thông tin và các văn bản hướng dẫn thi hành về công nghiệp công nghệ thông tin; đồng thời bổ sung các quy định điều chỉnh với quản lý dịch vụ công nghệ số.
Tuy nhiên, ĐBQH Nguyễn Phương Tuấn (Kiên Giang) lưu ý, nếu Luật Công nghiệp công nghệ số có hiệu lực thi hành sẽ tồn tại song song hai luật cùng điều chỉnh về nội dung này là Luật Công nghiệp công nghệ số và Luật Công nghệ thông tin. Nếu không quyết liệt sớm “đóng lại” hay có sửa đổi phù hợp với Luật Công nghệ thông tin thì chắc chắn khi áp dụng Luật Công nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp và tổ chức sẽ thấy vướng.
Để tránh nguy cơ này, đại biểu cho rằng, cơ quan chủ trì soạn thảo có thể nghiên cứu mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, đưa toàn bộ các nội dung của Luật Công nghệ thông tin vào điều chỉnh tại dự thảo Luật và “đóng” Luật Công nghệ thông tin lại.
Trường hợp không đóng Luật Công nghệ thông tin lại, thì phải nghiên cứu còn nội dung nào trong thực tế chưa được điều chỉnh để bổ sung và thay đổi tên gọi của Luật Công nghệ thông tin cho phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng mới. Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, rà soát và có báo cáo sớm về vấn đề này.
ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) nhận thấy, quy định về phạm vi điều chỉnh tại Điều 1 của dự thảo Luật chưa bao quát hết nội hàm của công nghiệp công nghệ số. Do đó, cần sửa đổi, chỉnh lý quy định tại Điều 1 theo hướng nêu rõ “Luật này quy định về công nghiệp công nghệ số bao gồm: phát triển ngành công nghiệp công nghệ số; doanh nghiệp công nghệ số; cơ chế thử nghiệm có kiểm soát; công nghiệp bán dẫn; trí tuệ nhân tạo và quản lý nhà nước về công nghiệp công nghệ số”.
ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) phát biểu. Ảnh: Thanh Hải
Các đại biểu cũng đánh giá cao tại dự thảo Luật đã dành mục 3 để điều chỉnh với tài sản số - một loại hình tài sản rất mới ở nước ta. Thực tế, như báo cáo của Hiệp hội Blockchain Việt Nam, trong năm 2023, nước ta đứng thứ ba trên thế giới về giao dịch tiền ảo trên qua các nền tảng của nước ngoài. Nhưng, do hiện chúng ta chưa có quy định điều chỉnh với hoạt động này nên vô hình chung làm thất thu thuế rất lớn trong thời gian qua.
Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn cho rằng, việc dự thảo Luật đưa ra quy định điều chỉnh với tài sản số là một bước đột phá của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông. Đây sẽ là cơ sở pháp lý để các cơ quan chức năng quản lý hoạt động giao dịch tiền ảo, tài sản ảo trên không gian mạng.
Tại Điều 14 của dự thảo Luật quy định “tài sản số là tài sản vô hình”. Nhưng, tại Điều 125 của Bộ luật Dân sự hiện hành chưa có quy định tường minh về tài sản vô hình. Do vậy, một số đại biểu cho rằng, khi dự thảo Luật này đưa ra quy định điều chỉnh với tài sản số, Chính phủ cần sớm triển khai rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Bộ luật Dân sự.
Cần quản lý cho được với trí tuệ nhân tạo
Về trí tuệ nhân tạo (AI), dẫn ra kinh nghiệm phát triển của mạng xã hội facebook, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn lưu ý, dù không có chính sách khuyến khích phát triển, nhưng facebook và nhiều mạng xã hội khác đã phát triển như vũ bão trong thời gian qua, vì tạo ra giao lưu thực tế.
Trí tuệ nhân tạo cũng sẽ như vậy. Trong bối cảnh này, đại biểu tán thành với nội dung dự thảo Luật điều chỉnh theo hướng đưa ra quy định để quản lý, không đưa ra quy định thúc đẩy AI phát triển. “Quy định tại dự thảo Luật cũng tương tự như cách thiết kế quy định điều chỉnh với AI của Liên minh châu Âu”, đại biểu đề xuất.
Tại dự thảo Luật đã quy định nguyên tắc quản lý và phát triển trí tuệ nhân tạo. Nhưng, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn cũng đề nghị, tại dự thảo Luật nên đưa ra quy định về khung đạo đức về trí tuệ nhân tạo, vì trí tuệ nhân tạo đã đi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống. Trí tuệ nhân tạo có thể giúp kích cầu, thúc đẩy kinh tế phát triển, nhưng nếu rơi vào tay của người có dụng ý xấu sẽ vô cùng nguy hiểm.
Quan tâm đến quy định về quản lý rủi ro đối với hệ thống trí tuệ nhân tạo tại Điều 65 của dự thảo Luật, đại biểu Sùng A Lềnh (Lào Cai) cho rằng, quy định tại khoản 1 và khoản 2 của Điều này chưa định nghĩa rõ về “những rủi ro, tổn hại đến sức khỏe, sự an toàn, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”; đồng thời cũng chưa đưa ra giới hạn cụ thể về “phạm vi tác động, số lượng người dùng và lượng tính toán tích lũy để huấn luyện”. Việc quy định như như dự thảo chưa rõ ràng, chưa phù hợp với các tiêu chuẩn quản lý trí tuệ nhân tạo đang được áp dụng trên thế giới, dễ dẫn đến việc khó triển khai thực hiện.
Đại biểu đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo cần xác định rõ các tiêu chí xác định hệ thống trí tuệ nhân tạo có rủi ro cao, hệ thống trí tuệ nhân tạo có khả năng tác động cao; hoặc giới hạn phạm vi của hệ thống trí tuệ nhân tạo có rủi ro cao ở một số hệ thống trí tuệ nhân tạo nâng cao và tiên tiến, có thể gây ra ảnh hưởng lớn.
Tại khoản 1, Điều 67 của dự thảo Luật đã đưa ra quy định về trách nhiệm của các nhà phát triển và cung cấp, triển khai hệ thống trí tuệ nhân tạo. Nhưng đại biểu Sùng A Lềnh băn khoăn với khoản 1, Điều 67 khi quy định theo hướng “đánh giá, giải thích các rủi ro an toàn của hệ thống trí tuệ nhân tạo và thiết lập cơ chế giám sát, kiểm toán kỹ thuật theo quy định của pháp luật; kiểm tra và giám sát thường xuyên các lỗ hổng và rủi ro bảo mật, phải lưu thông tin nhật ký về quá trình phát triển và quản lý hệ thống trí tuệ nhân tạo; thực hiện đánh giá rủi ro an toàn trước khi cung cấp hệ thống trí tuệ nhân tạo…”
ĐBQH Sùng A Lềnh (Lào Cai) phát biểu. Ảnh: Thanh Hải
“Việc quy định như dự thảo Luật sẽ gây khó khăn với các nhà phát triển hệ thống trí tuệ nhân tạo, tăng nặng trách nhiệm giám sát, phát sinh thêm nhiều nhân lực và kinh tế. Đặc biệt, trong trường hợp các nhà phát triển hệ thống trí tuệ nhân tạo sử dụng công nghệ có mã nguồn mở, họ sẽ không ở vị trí phù hợp về mặt kỹ thuật để tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ nói trên”.
Nêu rõ những điểm chưa phù hợp trên, đại biểu đề nghị, Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét tính khả thi của việc áp đặt các nghĩa vụ giám sát, theo dõi hệ thống đối với từng loại hình doanh nghiệp phát triển hệ thống trí tuệ nhân tạo; đặt ra các trường hợp miễn trách nhiệm đối với một số nhà phát triển hệ thống trí tuệ nhân tạo nhất định (như nhà phát triển sử dụng công nghệ mã nguồn mở).
Thanh Hải
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/can-nhac-viec-ap-dat-cac-nghia-vu-giam-sat-voi-doanh-nghiep-phat-trien-tri-tue-nhan-tao-post397255.html