Cảnh quay không thể nào quên trong phim chiến tranh 'Bài ca ra trận'

Cảnh quay không thể nào quên trong phim chiến tranh 'Bài ca ra trận'
5 giờ trướcBài gốc
Phim lấy cảm hứng từ hình tượng người anh hùng có thật ở ngoài đời - Anh hùng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thiếu tướng Lê Mã Lương, một trong những biểu tượng của lớp lớp thanh niên Việt Nam trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước, với câu nói nổi tiếng: "Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù!" và "Cuộc sống chỉ cao quý khi con người ta có lý tưởng!".
Tuy là phim về đề tài chiến tranh nhưng tâm điểm của "Bài ca ra trận" lại không nằm ở những cuộc chiến đấu khốc liệt mà tập trung khắc họa nỗ lực sống đẹp, sống có ích của những người lính trở về với vết thương từ cuộc chiến.
Chuyện phim xoay quanh một chiến sĩ trẻ là Nam (do diễn viên Dũng Nhi đóng) - một chiến sĩ trẻ dũng cảm được đưa từ chiến trường về Quân y viện, đang phải đối mặt với thử thách nghiệt ngã khi đôi mắt không còn nhìn thấy ánh sáng, chỉ nghe được tiếng kêu đau đớn của các thương binh nặng xung quanh suốt ngày đêm. Tưởng chừng như lý tưởng chiến đấu vì Tổ quốc phải gác lại nhưng những hồi ức trong sáng cùng sự chăm sóc tận tình của cô y tá xinh đẹp Mai (do diễn viên Như Quỳnh đóng) đã khơi dậy ngọn lửa ý chí trong người chiến sĩ trẻ, giúp anh vượt qua cú sốc tinh thần và cả những vết thương do chiến tranh để lại trên cơ thể để tiếp tục thực hiện lý tưởng của mình: "Sống - chiến đấu - hy sinh vì độc lập, tự do dân tộc".
Không chỉ thể hiện hình ảnh những chiến sĩ trên chiến trường mà những thước phim còn khắc họa một bộ phận thế hệ trẻ khác - những học sinh, sinh viên ưu tú không trực tiếp tham gia chiến đấu ở chiến trường, nhưng lại khao khát bước ra thế giới, lĩnh hội tri thức mới để quay về đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh bảo vệ vẹn toàn lãnh thổ và chung tay xây dựng phát triển đất nước. Dù ở trên mặt trận bom đạn hay trên mặt trận tri thức, họ đều là những người trẻ - những chiến sĩ thể hiện tinh thần đoàn kết và khát vọng cống hiến cho quê hương. Chính tinh thần đó đã giúp bộ phim có sức sống cho đến tận ngày nay.
"Bài ca ra trận" ra mắt khán giả vào năm 1974 và ngay lập tức được khán giả ở khắp mọi miền đất nước đón nhận nồng nhiệt. Phim giành được giải Bông Sen Bạc tại "Liên hoan phim Việt Nam lần thứ III - năm 1975". Tác phẩm điện ảnh này được đánh giá cao khi tái hiện câu chuyện đẹp như thơ giữa bối cảnh chiến trường ác liệt. Thông qua đó truyền tải thông điệp cao đẹp về lòng yêu nước, lý tưởng sống cao đẹp và cao thượng của những người trẻ tuổi. Với việc sử dụng nhiều thủ pháp điện ảnh lần đầu tiên xuất hiện trong phim Việt Nam, phim gây ấn tượng mạnh khi kể một câu chuyện chiến tranh theo một cách khác thường, độc đáo và rất thơ.
Hình ảnh của NSƯT Thanh Loan trong phim điện ảnh "Bài ca ra trận"
Đảm nhận một trong ba vai chính trong phim, NSƯT Thanh Loan nhớ lại, cả đoàn phim lúc bấy giờ đã làm hết mình, vượt qua nhiều khó khăn về bối cảnh và thời tiết để có thể hoàn thành trọn vẹn những thước phim.
Nhớ lại, chị kể một phân cảnh đáng nhớ khi tham gia diễn xuất bộ phim này là khi nhân vật Lê do mình đóng nhận tin chiến thắng qua tivi khi đang học ở nước ngoài. Khi đó phân cảnh được quay tại trường Đại học Bách Khoa Hà Nội và có sự tham gia của các diễn viên quần chúng là sinh viên nước ngoài đang theo học tại Việt Nam. Những người bạn nước ngoài cũng diễn cảnh nhảy múa, reo vui và chúc mừng chiến thắng, hào hứng hô to những câu chúc mừng và cảm thán bằng cả tiếng "mẹ đẻ", tất cả tạo nên một không khí như chiến thắng thực sự. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi phim ra mắt trước sự kiện lịch sử đại thắng mùa xuân 1975 chỉ 1 năm, gợi nhắc đến tinh thần đoàn kết quốc tế và niềm hy vọng vào chiến thắng của Việt Nam.
Cũng theo NSƯT Thanh Loan, êkip làm phim thời điểm đó vừa quay vừa phải trông chờ vào điều kiện thời tiết vì tạo bối cảnh mưa còn dễ chứ để quay cảnh nắng thì rất khó, nhất là khi không thể "đuổi" mây để mặt trời xuất hiện đúng lúc nên hầu như ngày nào không có nắng là cả đoàn phải ngồi chờ.
Nữ nghệ sĩ chia sẻ, một trong những cảnh quay khiến chị không thể nào quên là cảnh quay dòng sông vào lúc trời nhập nhoạng tối. Đó là cảnh sử dụng kỹ thuật quay hoàng hôn với sự tương phản màu sắc mạnh mẽ trong khung hình. Nhưng để quay được cảnh này, mọi người đã phải chờ rất lâu, mặc dù đã chuẩn bị tươm tất từ chiều, từ sắp xếp nhân lực thế nào, chọn góc máy ra sao, canh ánh sáng để làm cho mảng chân trời hiện lên thật đẹp, dòng sông phải ánh bạc lên...Quá trình tập luyện và chuẩn bị kỳ công nhưng diễn lại rất nhanh vì thời gian hoàng hôn ngắn ngủi, không thể quay nhiều lần. Cũng chính từ vai diễn của bộ phim "Bài ca ra trận" mà diễn viên Thanh Loan được Nhà hát kịch Quân đội lúc bấy giờ đánh giá cao và được nhận thêm nhiều vai diễn. Với chị, vai diễn trong phim đã đánh dấu sự trưởng thành trong quãng đời làm nghề của mình.
Ý An
Nguồn ANTĐ : https://anninhthudo.vn/canh-quay-khong-the-nao-quen-trong-phim-chien-tranh-bai-ca-ra-tran-post618118.antd