Phát triển toàn diện với nền kinh tế xanh và phát triển bền vững
Trong giai đoạn 2020 - 2025, Cát Hải đề ra chỉ tiêu phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân 16,5%/năm, với cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ: du lịch - dịch vụ chiếm trên 80%, công nghiệp 15%, và nông - lâm - thủy sản dưới 5%. Tổng mức vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 20.000 tỷ đồng/năm, tạo động lực phát triển cơ sở hạ tầng và cải thiện đời sống nhân dân. Thu nhập bình quân đầu người đã đạt 90 triệu đồng/năm, xóa hoàn toàn hộ nghèo trên địa bàn.
Huyện Cát Hải được biết đến với mô hình kinh tế xanh gắn liền với sự phát triển của ngành du lịch. Năm 2023, khu du lịch Cát Bà đã đón hơn 3 triệu lượt khách, vượt kế hoạch đề ra, với doanh thu từ du lịch đạt 2.770 tỷ đồng, tăng 135,5% so với năm trước.
Năm 2024, huyện đặt mục tiêu thu hút 3,6 triệu lượt khách, nâng tổng doanh thu lên hơn 3.295 tỷ đồng. Để đạt được điều này, Cát Hải chú trọng vào quản lý tài nguyên du lịch, đầu tư vào các dự án trọng điểm và nâng cao chất lượng dịch vụ, hướng tới khai thác bền vững Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà vừa được UNESCO công nhận ngày 19/6/2023.
Ngoài du lịch, ngành công nghiệp cũng là một trụ cột kinh tế của huyện. Trên địa bàn có Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải và thành phố đã khởi công xây dựng khu công nghiệp và khu phi thuế quan Xuân Cầu. Ngành công nghiệp ô tô, Nhà máy sản xuất ô tô VinFast có những dòng sản phẩm tham gia sâu chuỗi giá trị toàn cầu, sản phẩm ô tô điện, xe buýt thân thiện môi trường, xuất khẩu sang thị trường Mỹ và Bắc Châu Mỹ. Đặc biệt, dự án Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện đã góp phần quan trọng trong việc phát triển logistics và thu hút đầu tư, đưa Cát Hải thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng khu vực phía Bắc.
Cảng nước sâu Lạch Huyện. Ảnh: Phòng Văn hóa Thông tin Thể thao và Du lịch huyện Cát Hải
Đổi mới văn hóa và xã hội
Cát Hải cũng đặt trọng tâm vào việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, trong đó bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa - di tích lịch sử gắn với du lịch sinh thái, từng bước xây dựng văn hóa du lịch Cát Bà có bản sắc địa phương với những đặc tính nổi bật là trọng khách, văn minh, thân thiện.
Chương trình nghệ thuật “Cát Bà xanh” là điểm nhấn trong chương trình Lễ hội truyền thống kỷ niệm ngày Bác Hồ về thăm Cát Bà, Cát Hải hàng năm đã giúp quảng bá hình ảnh huyện đảo, thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước. Đồng thời, các hoạt động như giải bóng chuyền bãi biển hay đua thuyền rồng đã tạo ra những sân chơi văn hóa thể thao độc đáo, mang đậm bản sắc vùng biển.
Các đại biểu thực hiện nghi thức Khai mạc du lịch Cát Bà năm 2024. Ảnh: Phòng Văn hóa Thông tin Thể thao và Du lịch huyện Cát Hải
Trong lĩnh vực giáo dục và y tế, Cát Hải đã đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất và tăng cường chất lượng nguồn nhân lực. Huyện cũng triển khai nhiều chương trình phúc lợi xã hội nhằm nâng cao đời sống của người dân, đặc biệt tại các khu vực còn gặp nhiều khó khăn.
Hạ tầng hiện đại và hướng tới tương lai
Hạ tầng giao thông và dịch vụ du lịch tại Cát Hải đang được đầu tư đồng bộ. Huyện tập trung xây dựng các tuyến đường kết nối, cảng bến mới và cơ sở hạ tầng đô thị hiện đại để đáp ứng nhu cầu phát triển trong dài hạn. Bến phà mới và các tuyến du lịch đường biển đang được nâng cấp để tạo thuận lợi cho giao thông và du khách.
Huyện cũng phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp nhằm xây dựng hệ thống tiện ích du lịch như khu nghỉ dưỡng cao cấp, hệ thống tàu lưu trú du lịch nghỉ đêm hạng sang, các hoạt động thể thao dưới nước và các dịch vụ thân thiện với môi trường. Đây là những bước chuẩn bị cho chiến lược phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn 2045.
Phát triển du lịch song hành bảo tồn thiên nhiên tại đảo Cát Bà. Ảnh: Phòng Văn hóa Thông tin Thể thao và Du lịch huyện Cát Hải
Triển vọng và tương lai
Với sự quyết tâm của chính quyền địa phương và sự đồng lòng của người dân, Cát Hải đang vươn mình trở thành một huyện đảo kiểu mẫu, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của TP. Hải Phòng.
Nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa Cát Hải trở thành một “Đảo thông minh” và trung tâm du lịch quốc tế, huyện đã đề ra ba khâu đột phá chiến lược: huy động nguồn lực đầu tư, cải thiện hạ tầng đồng bộ và hiện đại hóa quản lý hành chính.
Với 3 nhiệm vụ trọng tâm và 13 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) chủ yếu gồm: Giá trị sản xuất các ngành kinh tế - dịch vụ đạt 11.216 tỷ đồng, tăng 16,5% so với ước thực hiện năm 2023; cơ cấu giá trị sản xuất nhóm ngành du lịch - dịch vụ đạt 78,5%; tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội đạt 15.000 tỷ đồng; đón 3,6 triệu lượt khách du lịch; bảo đảm quốc phòng - an ninh; tiếp tục triển khai hiệu quả mô hình “Cát Hải 5 An”. Đảm bảo môi trường sinh thái biển, đẩy mạnh các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật và công tác truyền thông về Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long- Quần đảo Cát Bà;…
Bích Đào