Nông dân thua lỗ
Khu vực xã Ia Lâu và Piơr (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) là 2 địa phương có diện tích trồng dưa hấu khá lớn. Tuy nhiên, trong niên vụ năm nay, mặc dù đang vào mùa thu hoạch, giá dưa hấu đã giảm mạnh chỉ còn 1.000 đồng/kg, khiến các chủ vườn phải chịu thua lỗ. Thậm chí, dù dưa đã chín rộ, nhiều chủ vườn vẫn ngậm ngùi chờ đợi nhưng không thấy thương lái đến hỏi mua.
Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Prông, niên vụ dưa năm nay, người dân trong huyện đã trồng khoảng 300ha dưa hấu. Các chủ vườn hầu hết là những người đến từ các tỉnh Bình Định, Phú Yên, thuê đất tại các xã Ia Mơ, Ia Púch, Ia Ga, Ia Piơr và Ia Lâu để trồng dưa.
Tuy nhiên, trong mùa thu hoạch năm nay, giá dưa đã giảm mạnh, thấp hơn nhiều so với các năm trước, khiến nhiều hộ trồng dưa phải chịu lỗ nặng. Một số ruộng dưa có thương lái đến hỏi mua nhưng chỉ với số lượng nhỏ, chủ yếu để tiêu thụ trong các chợ nội địa, gần như không có thương lái đến mua dưa để xuất khẩu.
Giá dưa hấu rớt xuống đáy khiến người dân thua lỗ.
Tại cánh đồng dưa ở xã Ia Lâu (huyện Chư Prông), PV Người Đưa Tin ghi nhận dưa hấu được người dân thu hoạch và chất thành từng đống dọc hai bên đường.
Chị Trần Thị Hồng (40 tuổi, đến từ xã An Nhơ, tỉnh Bình Định), buồn bã nói: "Những năm qua, gia đình tôi hầu như năm nào cũng lên xã Ia Lâu thuê đất trồng dưa. Mọi năm, giá cả ổn định, sau khi trừ chi phí đầu tư, chúng tôi vẫn có lãi vài trăm triệu.
Tuy nhiên, năm nay giá dưa rớt thê thảm, chỉ còn 1.000 đồng/kg, khiến các nhà vườn chịu lỗ nặng. Mặc dù giá rất rẻ, nhưng dưa đã chín, chúng tôi đành phải thu hoạch để bán vớt vát, mong kiếm được chút nào hay chút đó".
Các ruộng dưa vào vụ thu hoạch.
Chị Hồng cho biết, chị thuê 8ha đất với giá 17 triệu đồng/ha và phải thuê thêm 10 nhân công, tất cả đều là người Bình Định, lên ăn ở tại chỗ để trồng dưa. Tổng chi phí đầu tư cho việc cày đất, giống, phân bón, trang thiết bị khoảng 200 triệu đồng/ha. Bình quân, mỗi ha thu hoạch được khoảng 25 tấn dưa, nhưng với mức giá hiện nay, gia đình chị đang chịu lỗ nặng.
Cách ruộng dưa của chị Hồng không xa, gia đình ông Lê Văn Hiền, cũng đến từ Bình Định, đang thu hoạch dưa và bán cho thương lái. Ông Hiền nói: "Dưa chín rất nhanh, nếu không thu hoạch kịp thì sẽ hỏng. Dù giá thấp, nhưng để có thể mời được thương lái đến mua, tôi phải năn nỉ suốt nhiều ngày liền, họ mới chịu cho xe vào bốc dưa".
Người dân tranh thủ thu hoạch dưa bán cho thương lái.
Thời tiết bất thường
Theo ông Hiền, ông thuê 3 ha đất gần suối với giá 20 triệu đồng/ha. Từ tháng 8, ông bắt đầu xuống giống và đến nay, khi thu hoạch, giá dưa lại quá thấp. Thương lái chỉ mua với giá từ 1.000 đến 1.500 đồng/kg.
Nhiều ruộng dưa của các hộ khác có chất lượng kém, dưa xấu, khiến thương lái chỉ đến xem qua rồi rời đi mà không mua. Người dân không thể bán được đành phải bỏ, để những quả dưa lăn lóc khắp nơi, không thu hoạch.
Thương lái thu mua dưa của người dân với giá 1.000 đồng/kg.
Trao đổi với PV, ông Lê Thành Công, Chủ tịch UBND xã Ia Lâu, cho biết, trên địa bàn xã hiện có khoảng 100ha dưa hấu. Mặc dù các ruộng dưa đã đến vụ thu hoạch, nhưng giá dưa hiện tại chỉ còn 1.000 đồng/kg, quá thấp so với mức giá cần thiết để người trồng có lãi, thường là từ 5.000 đồng/kg.
Giá rẻ, cộng với việc dưa bị thối và ảnh hưởng do mưa, khiến vụ dưa này người dân thua lỗ. Một số thương lái đã đặt cọc để thu mua vườn dưa, nhưng vì giá quá thấp, họ đã quyết định bỏ cọc để cắt lỗ.
Nhiều rẫy dưa chất lượng kém thương lái không thu mua, người dân vứt lăn lóc ngoài đồng.
Ông Bùi Văn Phụng, Bí thư xã Ia Piơr, cho hay, diện tích trồng dưa hấu trên địa bàn chủ yếu là do người từ các địa phương khác đến thuê đất để canh tác.
Mặc dù giá dưa thấp và năng suất kém, địa phương đã nắm được tình hình nhưng không thể hỗ trợ trực tiếp vì đây là các giao dịch dân sự tự nguyện. Tuy nhiên, chính quyền địa phương đã thường xuyên kiểm tra và tuyên truyền, nhắc nhở người dân trồng dưa không được xâm phạm đất rừng.
Ông Lưu Hoài Hưng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Chư Prông, nhận định: "Trong đợt thu hoạch vừa qua, giá dưa hấu đã giảm mạnh, khiến người dân gần như bỏ ruộng, không thu hoạch và để dưa cho bò ăn. Hơn nữa, thời tiết mưa lớn kéo dài đã ảnh hưởng đến chất lượng dưa hấu. Đặc biệt, trong giai đoạn đậu quả, những cơn mưa liên tục khiến cây đậu quả kém, không đủ độ ngọt, dễ bị nứt và thối".
Hồ Hải Nam