Chiến lược chọn tổ hợp môn lớp 10

Chiến lược chọn tổ hợp môn lớp 10
6 giờ trướcBài gốc
Phụ huynh và học sinh tham khảo về tổ hợp môn tự chọn trong ngày nhập học tại Trường THPT Việt Nam – Ba Lan (Hà Nội). Ảnh: NTCC.
Chọn môn học gắn với định hướng nghề nghiệp
Năm 2025, năm đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, thí sinh không còn chọn bài thi gồm 3 môn cố định như trước mà được chọn 2 môn theo nguyện vọng. Số môn thi bắt buộc cũng giảm từ 3 xuống còn 2 môn. Từ kết quả thi tốt nghiệp THPT 2025 được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) công bố cho thấy, ngoài 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn có số điểm liệt dưới 1 điểm cao hơn so với các năm trước, các môn thi khác đều giảm mạnh số điểm liệt so với năm 2024. Đơn cử, ở môn tiếng Anh là môn thi tốt nghiệp THPT bắt buộc năm 2024, có 145 bài thi bị điểm liệt, trong đó số bài thi 0 điểm là 14 còn năm 2025, ghi nhận 28 bài thi dưới 1 điểm. Môn Địa lý, Vật lý, Sinh học, Hóa học, Lịch sử, Giáo dục công dân năm 2024 và 2025 lần lượt có số điểm liệt là 94 và19; 56 và 3; 56 và 1; 33 và 8; 33 và 13; 24 và 0. Bốn môn mới lần đầu xuất hiện trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 không có thí sinh bị điểm liệt. Như vậy, khi thí sinh được chủ động học và thi các các môn theo sở thích, định hướng sẽ góp phần giảm áp lực điểm số hơn.
Bà Nguyễn Bội Quỳnh - Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) nhìn nhận, việc học sinh THPT năm nay được học và thi các môn mình lựa chọn, đúng sở trường giúp các em học tập hiệu quả hơn, tâm lý ổn định hơn và kết quả thi phản ánh đúng năng lực. "Khi chương trình mới được triển khai, chúng tôi từng rất lo lắng về tính khả thi. Nhưng sau 3 năm, đặc biệt qua kỳ thi năm nay, tôi thấy rõ ràng học sinh đã trưởng thành hơn về nhận thức và có định hướng nghề nghiệp rõ ràng hơn"- bà Quỳnh nhận xét.
Đối với học sinh đang chuẩn bị bước vào lớp 10 trên cả nước đều có một băn khoăn chung về việc chọn tổ hợp, môn học lựa chọn ra sao, chuyên đề học tập thế nào. Do mỗi trường THPT lại đưa ra các lựa chọn khác nhau nên việc tư vấn từ thầy cô, học hỏi từ những khóa học sinh trước đều mang tính chất tham khảo còn bản thân mỗi học sinh và gia đình cần cẩn trọng cân nhắc.
Một trong những yếu tố quan trọng tác động đến việc lựa chọn của học sinh đó là cân nhắc đến định hướng nghề nghiệp, hướng đi sau khi tốt nghiệp THPT. Chẳng hạn, nếu có định hướng học đại học, cao đẳng khối kỹ thuật hay kinh tế hay y dược…, học sinh có thể tìm hiểu kỹ về các tổ hợp môn của trường mà mình muốn ứng tuyển đồng thời căn cứ vào các môn học có thế mạnh, các môn yêu thích và các môn còn cảm thấy khó khăn từ đó giúp thu hẹp phạm vi lựa chọn tổ hợp khi vào lớp 10.
Để giúp phụ huynh và thí sinh có cái nhìn chính xác hơn, bớt lúng túng trong việc lựa chọn, nhiều trường THPT trong những ngày xác nhận nhập học đã chủ động bố trí các bàn tư vấn chuyên sâu về lựa chọn tổ hợp môn nhằm hỗ trợ kịp thời các băn khoăn, thắc mắc của phụ huynh, học sinh. Điều này hạn chế được tình trạng vào học một thời gian, thậm chí là sau 1 năm học sinh lại muốn chuyển tổ hợp môn học sẽ phải sắp xếp học bù kiến thức, kiểm tra bù rất mất công sức, thời gian.
Thí sinh đừng “ngại” môn khoa học tự nhiên
Thống kê cho thấy tỷ lệ thí sinh chọn bài thi khoa học xã hội (KHXH) trong kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm gần đây có xu hướng tăng lên qua các năm, đặc biệt năm 2024, số lượng thí sinh chọn bài thi KHXH gần gấp đôi so với thí sinh chọn bài thi khoa học tự nhiên (63% so với 37%), cao nhất so với 6 năm trước đó. Tới năm 2025, nhiều nhất là các thí sinh thi Lịch sử với 499.357 em, tiếp theo là môn Địa lí với 494.081 thí sinh theo cả 2 Chương trình 2018 và 2006. Tiếng Anh giữ vị trí thứ 3, sau đó đến Vật lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Hóa học. Điều này phản ánh sự thay đổi trong lựa chọn tổ hợp môn thi của học sinh, có thể do nhiều yếu tố như xu hướng nghề nghiệp, phương pháp học tập, hoặc sự thay đổi trong chương trình giáo dục.
Đơn cử, ngành báo chí truyền thông nhiều năm nay có điểm trúng tuyển khối C rất cao 28-29 điểm. Tuy nhiên, từ năm nay, cơ hội việc làm cho ngành học này trong các cơ quan báo chí sẽ rất hạn chế do quá trình sáp nhập, cắt giảm sau tinh giản bộ máy. Đối với các ngành kinh tế và quản lý hàng năm thu hút đông đảo sinh viên theo học nhất nhưng trong bối cảnh hiện nay, nhiều vị trí việc làm đang phải cạnh tranh, thậm chí bị trí tuệ nhân tạo thay thế.
Trên thị trường lao động lúc này, đang nổi lên cơ hội từ ngành bán dẫn. Chỉ trong khoảng 5 năm tới, Việt Nam sẽ cần khoảng 50.000 nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đặc biệt là AI, dữ liệu lớn, điện toán đám mây và an ninh mạng. Tuy nhiên, theo quy định đối với các trường đại học tham gia chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050" của Chính phủ, học sinh phải đạt tối thiểu 8 điểm môn Toán, đồng thời đạt tổng điểm ba môn theo tổ hợp từ 24/30 trở lên mới được đăng ký vào các chương trình về vi mạch bán dẫn. Như vậy, những em quan tâm đến nhóm ngành học này cần chú ý trong lựa chọn các môn tổ hợp ngay từ khi học lớp 10.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, nguyên Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng đề xuất, các môn khoa học cơ bản như Toán, Lý, Hóa và những môn thuộc nhóm STEM cũng cần được chú trọng, vì đây là nền tảng để phát triển công nghệ cao và các lĩnh vực tiên tiến như AI, vật lý điện tử, công nghệ sinh học... Ông đề xuất các trường đại học cần tích hợp nội dung này vào các ngành của mình. Ở bậc phổ thông, học sinh cần xác định rõ nếu muốn theo đuổi ngành nghề này trong tương lai thì phải trang bị các kiến thức nền tảng các môn khoa học tự nhiên ngay trong 3 năm học THPT. Dù các em đỗ ĐH bằng tổ hợp xét tuyển nào nhưng khi vào học, nếu thiếu hụt các kiến thức này sẽ rất khó để theo kịp chương trình đào tạo.
Thực tế, có một bộ phận học sinh có tâm lý e ngại, “né” các môn khoa học tự nhiên do lo sợ học khó nên chọn các môn khoa học xã hội mong dễ ăn điểm hơn. Tuy nhiên, điều này có thể khiến các em bỏ lỡ nhiều cơ hội ngành nghề tiềm năng trong tương lai. Với xu thế khối xã hội vừa qua bị giảm cơ hội khi xét tuyển vào các trường đại học, nhiều trường THPT dự kiến thay đổi các tổ hợp tự chọn, trong đó có ít nhất một môn khoa học tự nhiên để học sinh không quá học lệch, đánh mất cơ hội trước cánh cổng ĐH. Vì vậy, ngay cả các tổ hợp tự chọn ban xã hội, các trường cũng xây dựng theo nguyên tắc có ít nhất 1 trong 4 môn tự nhiên.
Tại Trường THPT Ngọc Hồi (Hà Nội), phụ huynh được tổ tư vấn của nhà trường giới thiệu, tư vấn kỹ lưỡng về các tổ hợp môn học lựa chọn phù hợp với năng lực và sở thích của học sinh. Ngoài các lớp định hướng khoa học tự nhiên thì với lớp định hướng khoa học xã hội, trong số 4 môn học lựa chọn cũng có 1 môn khoa học tự nhiên là Lý hoặc Hóa hoặc Sinh. Điều này tạo cơ hội mở cho học sinh sau này khi có nguyện vọng đăng ký xét tuyển ĐH với nhiều khối thi và đa dạng sự lựa chọn hơn so với những thí sinh chỉ học các môn xã hội.
Ông Lê Việt Dương - Hiệu trưởng Trường THPT Đoàn Kết (Hà Nội) chia sẻ, việc tư vấn cho học sinh không đơn thuần là gợi ý học môn nào mà còn giúp học sinh xác định rõ năng lực, sở trường và dự định nghề nghiệp lâu dài. Thực tế cho thấy vẫn còn tình trạng học sinh chọn tổ hợp theo bạn, theo cảm tính hoặc ý kiến áp đặt từ phụ huynh, dẫn đến việc học lệch hoặc muốn đổi tổ hợp giữa chừng. Vì vậy, cần đầu tư thời gian để hiểu năng lực bản thân, xem xét kỹ yêu cầu xét tuyển ngành học trong tương lai và tham khảo ý kiến chuyên gia là những bước không thể bỏ qua.
Bà Nguyễn Bội Quỳnh - Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) cho rằng, nhà trường xây dựng các tổ hợp trước hết dựa vào tình hình đội ngũ của nhà trường cũng như cân nhắc làm sao gắn kết với các khối thi theo các trường đại học của các em sau này. Làm sao để đảm bảo khi xây dựng các tổ hợp lựa chọn thì ít nhất các em sẽ có cơ hội thi được 2,3 khối tuyển sinh, đồng nghĩa thêm nhiều cánh cửa cho tương lai của mình. Và việc tư vấn cho phụ huynh lựa chọn những tổ hợp này là vấn đề quan trọng, thầy cô sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ để học sinh vững tin với sự lựa chọn của mình.
Thu Hương
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/chien-luoc-chon-to-hop-mon-lop-10-10310722.html