Chính phủ lý giải việc không kéo dài tuyến đường sắt tốc độ cao đến Cần Thơ

Chính phủ lý giải việc không kéo dài tuyến đường sắt tốc độ cao đến Cần Thơ
3 giờ trướcBài gốc
Ảnh minh họa.
Chính phủ vừa có báo cáo số 815/BC - CP gửi Quốc hội để giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Trong bản báo cáo gồm 143 trang A4, Chính phủ đã giải trình đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ và tại Hội trường về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, trong đó có ý kiến đề nghị xem xét kéo dài phạm vi Dự án đến Cần Thơ và đề nghị sửa đổi, bổ sung chiều dài tuyến khoảng 2.110 km từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau.
Đối với nội dung này, Chính phủ cho biết, với mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, từng bước hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội đảng toàn quốc lần thứ XIII, Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã hoạch định phát triển các tuyến đường sắt mới trên hành lang Bắc - Nam từ Lạng Sơn đến Cần Thơ, chiều dài khoảng 1.871 km, gồm 3 tuyến: Lạng Sơn - Hà Nội, Hà Nội - TP. HCM và TP. HCM - Cần Thơ.
Các tuyến đường sắt từ Lạng Sơn - Cần Thơ có nhu cầu vận tải khác nhau nên tiêu chuẩn kỹ thuật và loại hình đường sắt cũng khác nhau, trong đó tuyến Lạng Sơn - Hà Nội là loại hình đường sắt thường, tốc độ thiết kế 160-200 km/h, đang lập quy hoạch chi tiết để huy động nguồn vốn đầu tư; tuyến Hà Nội - TP.HCM là loại hình đường sắt tốc độ cao; tuyến TP. HCM - Cần Thơ là loại hình đường sắt thường, tốc độ thiết kế 160-200 km/h, đang triển khai công tác chuẩn bị đầu tư, dự kiến đầu tư trước 2030.
Do đó, Chính phủ kiến nghị giữ nguyên phạm vi Dự án tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam từ TP. Hà Nội đến TP.HCM như dự thảo Nghị quyết.
Cụ thể, Dự án tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam sẽ có tổng chiều dài tuyến khoảng 1.541 km; điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Thủ đô Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM), đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Thủ đô Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TP.HCM.
Theo kết quả nghiên cứu sơ bộ, việc đầu tư đường sắt TP. HCM - Cần Thơ là rất cần thiết để đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng trong tương lai, đồng thời đảm bảo phát triển hài hòa, bền vững GTVT, tái cấu trúc đô thị và phân bổ dân cư, lao động trên hành lang TP. HCM - Cần Thơ, thúc đẩy năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Hướng tuyến của tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ bắt đầu từ Bình Dương (ga An Bình) đến Cần Thơ (ga Cần Thơ), đi qua 6 tỉnh/thành phố với tổng chiều dài 174,42 km. Trên tuyến bố trí 15 ga, 11 trạm bảo dưỡng, sửa chữa, khám xe, chỉnh bị...
Công nghệ đường sắt được lựa chọn cho tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ là đoàn tàu động lực phân tán (EMU) cho tàu khách, đoàn tàu động lực tập trung cho tàu hàng, tín hiệu điều khiển tàu tự động trên nền tảng thông tin vô tuyến; tốc độ thiết kế lớn nhất 190 km/h (tàu khách khai thác tốc độ <190 km/h, tàu hàng khai thác tốc độ <120 km/h). Kết cấu tuyến chủ yếu trên nền đắp và cầu cạn. Tổng mức đầu tư của Dự án dự kiến là 213.948 tỷ đồng (khoảng 9,07 tỷ USD). Về phương án đầu tư, tư vấn nghiên cứu đề xuất đầu tư Dự án theo hình thức Nhà nước thanh toán tiền giải phóng mặt bằng, nhà đầu tư PPP huy động vốn xây dựng hạ tầng, thử nghiệm và bàn giao lại cho Nhà nước (hình thức BTL).
Anh Minh
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/chinh-phu-ly-giai-viec-khong-keo-dai-tuyen-duong-sat-toc-do-cao-den-can-tho-d231297.html