Cho phép trích thêm Quỹ khen thưởng, phúc lợi
Theo đại biểu, thời gian qua, việc thực hiện Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp có nhiều bất cập. Đáng chú ý là các vấn đề như: quản lý, cạnh tranh, quản trị một doanh nghiệp. Nếu so sánh giữa doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân sẽ thấy rõ sự năng động sáng tạo của doanh nghiệp tư nhân; trong khi đó doanh nghiệp Nhà nước nếu muốn giải quyết vấn đề gì phải xin ý kiến của nhiều cấp quản lý.
Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận - Nguyễn Hữu Thông tham gia thảo luận.
Nêu ví dụ về vấn đề bổ sung vốn điều lệ cho các ngân hàng có vốn của Nhà nước, đại biểu cho biết, thời gian qua, tại mỗi kỳ họp, Chính phủ đều trình Quốc hội bổ sung nguồn vốn này. Do phải thực hiện nhiều thủ tục trong khi đó việc bổ sung vốn điều lệ cho các ngân hàng hết sức cần thiết. Từ nguồn vốn này, việc trích lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng cũng rất lớn. Đại biểu cho rằng, cần phải có cơ chế linh hoạt để bổ sung vốn điều lệ cho các ngân hàng. Từ đó tạo sức cạnh tranh của các ngân hàng có vốn của Nhà nước so với các ngân hàng thương mại không có vốn của Nhà nước. Chính vì vậy, đại biểu thống nhất với sự cần thiết sửa đổi Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Tham gia ý kiến cụ thể tại Điều 15 về phân phối lợi nhuận và sử dụng Quỹ; điểm b khoản 1 Điều 15 quy định đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước 100% vốn điều lệ thực hiện: “Trích không quá 03 tháng lương thực hiện để lập Quỹ khen thưởng, phúc lợi của người lao động…”. Việc quy định trích không quá 3 tháng lương đã được quy định trong thời gian rất dài. Vốn nhà nước chủ yếu được đầu tư vào các doanh nghiệp trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội, các lĩnh vực then chốt,… là những lĩnh vực nói chung có tỷ suất lợi nhuận không cao, bên cạnh đó bị ràng buộc chặt chẽ với cơ chế, chính sách. Điều này vô hình trung làm giảm sức cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác, đặc biệt trên thị trường lao động. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo khảo sát, điều tra, nghiên cứu thêm về định mức này để có thể tăng thêm cho doanh nghiệp, góp phần ổn định, nâng cao đời sống cho người lao động.
Bên cạnh đó, đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước trên 50% đến dưới 100% vốn điều lệ, việc quy định trích không quá 03 tháng lương thực hiện để lập Quỹ khen thưởng, phúc lợi của người lao động (điểm b khoản 2 Điều 15) sẽ dẫn đến không được trích bổ sung theo tỷ lệ lợi nhuận thực hiện vượt kế hoạch Lợi nhuận (hiện tại đang được quy định tại Nghị định 53/2016/NĐ-CP ngày 13 tháng 06 năm 2016 của Chính phủ: cho phép trích thêm 20% lợi nhuận vượt kế hoạch). Đại biểu cho rằng, điều này sẽ gây mất động lực cho doanh nghiệp trong việc tăng năng suất lao động để vượt kế hoạch lợi nhuận, giảm sự phát triển kinh tế xã hội. Vì vậy, đại biểu đề nghị cho phép trích thêm Quỹ khen thưởng, phúc lợi theo tỷ lệ vượt kế hoạch Lợi nhuận như quy định tại Khoản 1 Điều 8 Nghị định 53/2016/NĐ-CP ngày 13 tháng 06 năm 2016 của Chính phủ để tạo động lực cho người lao động tăng năng suất lao động và hoàn thành vượt chỉ tiêu lợi nhuận.
Tạo sự chủ động, linh hoạt trong xây dựng chính sách
Liên quan đến các trường hợp doanh nghiệp không được đầu tư vốn tại Điều 27, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ hơn việc luật hóa một số quy định doanh nghiệp không được đầu tư vốn để thành lập doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản, trừ doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh chính là kinh doanh bất động sản theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản; không được đầu tư vốn để thành lập doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán và công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, trừ doanh nghiệp có chức năng đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán. Ngoài ra, để tạo sự chủ động, linh hoạt trong việc xây dựng chính sách, quản lý, điều hành hoạt động của doanh nghiệp, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc, không quy định nội dung nêu trên tại Luật này mà có thể tiếp tục quy định tại Nghị định hướng dẫn.
Về phá sản doanh nghiệp (Điều 39); khoản 1 Điều 39 quy định: “Việc phá sản doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư được thực hiện theo quy định của Luật Phá sản. Cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn lấy ý kiến các cơ quan liên quan về việc phá sản doanh nghiệp.”.
Dự thảo Luật quy định việc phải lấy ý kiến của các cơ quan liên quan và đại diện chủ sở hữu vốn quyết định phê duyệt hoặc cho ý kiến chủ trương phá sản doanh nghiệp đối với doanh nghiệp có vốn góp của nhà nước dưới 100% vốn điều lệ là chưa phù hợp với Luật Doanh nghiệp, Luật phá sản. Theo đó, Luật Doanh nghiệp quy định việc sắp xếp, giải thể, phá sản doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành viên (đối với Công ty TNHH hai thành viên trở lên)/Đại hội đồng cổ đông (đối với công ty cổ phần); Luật phá sản quy định việc quyết định mở hay không mở thủ tục phá sản thuộc về Thẩm phán của Tòa án nhân dân các cấp được phân công thực hiện nhiệm vụ. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát và có quy định đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan.
THU HÀ