Thiếu liên kết
Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới sau Brazil từ hàng chục năm qua. Thế nhưng, phần lớn giá trị lại không nằm ở tay người Việt do chủ yếu xuất khẩu cà phê nhân tới 95%, nôm na gọi là xuất khẩu thô, dù ngành hàng này năm ngoái xuất 1,32 triệu tấn, thu 5,48 tỉ đô la. Nguyên nhân sâu xa không phải do chất lượng kém, mà đến từ cách thức tổ chức sản xuất còn rời rạc, thiếu kết nối và không đầu tư chế biến sâu hay cà phê đặc sản, chất lượng cao.
Khoảng 650.000 hộ nông dân đang trồng cà phê hơn 710.000 héc ta, đại đa số theo mô hình truyền thống, tự phát. Nhiều người không có điều kiện tiếp cận kỹ thuật mới, cứ tới mùa thu hoạch bán cho thương lái, không liên kết tham gia hợp tác xã hay doanh nghiệp. Kết quả là cà phê bán ra chỉ dưới dạng hạt nhân, giá trị thấp, dễ bị ép giá và rất khó truy xuất nguồn gốc – một yêu cầu ngày càng quan trọng trong thương mại toàn cầu.
Ông Nguyễn Thành Trung, nhà sáng lập Hợp tác xã Kinh tế Xanh Sài Gòn (bên phải ảnh) tìm kiếm sự hợp tác, liên kết sản xuất cà phê đặc sản. Ảnh Nhân vật cung cấp
Ông Nguyễn Thành Trung, nhà sáng lập Hợp tác xã Kinh tế Xanh Sài Gòn, một tổ chức hiện đang đẩy mạnh liên kết các phân khúc để xây dựng thương hiệu cà phê đặc sản, cho rằng giải pháp cho thực trạng này không phải chỉ ở hạ tầng hay vốn. Đó là việc xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ giữa nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp chế biến và đơn vị phân phối. Ý ông Trung rằng mỗi mắt xích trong chuỗi giá trị cà phê phối hợp với nhau, hạt cà phê mới có thể đi xa, có thương hiệu, có giá trị thì đó chính là phát triển bền vững, đáp ứng các tiêu chuẩn khắc khe của thị trường nhập khẩu hiện hay.
Nói dễ hiểu là chuỗi ngành hàng cà phê hiện nay mạnh nông dân thì trồng, đại lý thu mua, doanh nghiệp khẩu khẩu và ba khâu này hiếm khi kết nối với nhau.
EUDR là áp lực?
EUDR (EU Deforestation Regulation) tạm gọi là quy định về chống phá rừng của Liên minh châu Âu – yêu cầu cà phê và nhiều nông sản khác nhập khẩu vào EU không bắt nguồn từ phá rừng sau ngày 31-12-2020 – được xem là một “cú hích”, buộc ngành cà phê Việt phải thay đổi. Nhưng nếu nhìn rộng hơn, chính sự thiếu liên kết và thói quen sản xuất manh mún mới là “điểm yếu cố hữu” cản trở sự phát triển bền vững của cà phê Việt.
NESCAFÉ Plan là chương trình hợp tác đa bên trên cơ sở mô hình Hợp tác công tư toàn cầu của Nestlé, nhằm kết nối chính quyền, doanh nghiệp và nông dân trong chuỗi giá trị cà phê.
Thực tế, chi phí để đáp ứng EUDR, theo tính toán của các chuyên gia khoảng 120 đô la/ha là con số không nhỏ với nông dân nhỏ lẻ. Tuy nhiên, với các mô hình liên kết ba bên giữa doanh nghiệp - hợp tác xã - nông dân, chi phí này hoàn toàn có thể được chia sẻ. Vấn đề là hiện nay phần lớn nông dân chưa tham gia vào bất kỳ chuỗi giá trị nào.
Hiện chỉ có khoảng 12-15% diện tích cà phê tại các nước xuất khẩu lớn như Việt Nam, Brazil, Indonesia đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc đầy đủ. Con số này cho thấy EUDR không chỉ là vấn đề riêng của nông dân trồng cà phê ở Tây Nguyên hay Quảng Trị mà tận ở Brazil xa xôi. Nhưng nếu Việt Nam không sớm tổ chức lại sản xuất, thì không chỉ mất thị phần ở EU – thị trường lớn thứ hai thế giới – mà còn khó giữ vững vị thế xuất khẩu toàn cầu trong dài hạn.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhập khẩu châu Âu đã bắt đầu hành động: giảm đơn hàng từ các nguồn thiếu minh bạch, tăng yêu cầu truy xuất và thậm chí tích trữ hàng trước thời điểm EUDR có hiệu lực. Nếu chuỗi cung ứng không kịp thay đổi, ngành cà phê Việt sẽ tự đánh mất lợi thế cạnh tranh.
Cơ hội nếu tái cấu trúc
Thách thức của EUDR, nếu nhìn theo hướng tích cực, có thể là chất xúc tác để ngành cà phê tái cấu trúc. Nhiều doanh nghiệp trong nước đã bắt đầu thích ứng và xây dựng mô hình liên kết có chiều sâu. Simexco Đắk Lắk là một ví dụ điển hình. Doanh nghiệp này đang hợp tác với hơn 40.000 hộ nông dân, đang triển khai ứng dụng blockchain để minh bạch hóa truy xuất nguồn gốc, đặc biệt là phục vụ các thị trường khó tính như EU và Mỹ.
Cùng với đó, các tập đoàn cà phê quốc tế cũng đang đầu tư trực tiếp vào nông dân thông qua các chương trình bền vững. Joint Forces! của Tchibo đào tạo 15.000 nông dân mỗi năm về kỹ thuật thu hoạch, lên men và bảo quản. Nescafé Plan của Nestlé Việt Nam cam kết thu mua cà phê với giá cao hơn thị trường 10%, đồng thời hỗ trợ kỹ thuật canh tác bền vững.
Xuất khẩu nông sản hiện không chỉ cạnh tranh về sản lượng, mà là cạnh tranh về tính minh bạch, chất lượng và khả năng tổ chức chuỗi giá trị. Đằng nào nhà nông trồng cà phê cũng phải liên kết, dù có hay không có EUDR. Biết đâu, EUDR lại trở thành "bệ phóng" cho hạt cà phê Việt Nam trong tương lai.
Tỷ trọng cà phê chế biến sâu của Việt Nam cũng đang cải thiện từ 8% năm 2022 lên 9,6% năm ngoái. Mặc dù con số chưa cao, nhưng xu hướng rõ ràng là tích cực. Cà phê chế biến có giá trị xuất khẩu cao gấp 2,2 lần so với cà phê nhân. Ngoài cà phê chế biến sâu, hiện nay nhiều doanh nghiệp trong nước cũng đang tìm kiếm sự liên kết với nông dân, hợp tác xã để hình thành chuỗi sản xuất cà phê đặc sản, có giá cao cả chục lần so với cà phê nhân thô thông thường, như trường hợp của Hợp tác xã Kinh tế Xanh Sài Gòn phần đầu bài viết.
Một số quốc gia xuất khẩu cà phê lớn đang tìm cách né tránh EUDR bằng cách chuyển hướng xuất khẩu sang Trung Quốc, Trung Đông và Nga. Tuy nhiên, hướng đi này chỉ giúp giảm áp lực trong ngắn hạn, và đồng nghĩa từ bỏ thị trường cao cấp, nơi mà cà phê không chỉ được đánh giá bằng hương vị, mà còn bằng giá trị đạo đức và môi trường.
Sau một vài lần trì hoãn, cuối năm nay EUDR sẽ có hiệu lực với các tập đoàn lớn và giữa năm tới bắt đầu áp dụng với doanh nghiệp vừa và nhỏ – đây là nhóm chiếm tỷ trọng lớn trong chuỗi cung ứng cà phê của Việt Nam. Rõ ràng nếu không nhanh chóng tổ chức lại sản xuất, phát triển chuỗi liên kết bền vững, đầu tư vào truy xuất và nâng cao chất lượng, Việt Nam sẽ tụt hậu so với chính đối thủ cạnh tranh của mình. EUDR là rào cản đo đếm nhìn thấy “rõ mặt”, nhưng cản trở lớn nhất, không nhìn rõ mặt lại chính là nội lực yếu do canh tác manh mún, thiếu liên kết và thiếu định hướng thị trường.
Nhất Sơn