Lực lượng ứng phó sự cố tiêu tẩy khu vực tràn dầu.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, trên địa bàn có các cảng sông tiếp nhận hàng hóa bằng tàu, kho xăng dầu đang xây dựng và hoạt động, nhiều nhà máy, xí nghiệp tại khu, cụm công nghiệp và nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu đang hoạt động. Trong quá trình vận chuyển, xuất, nhập, tồn chứa xăng dầu tại các kho, cửa hàng kinh doanh xăng dầu luôn tiềm ẩn rủi ro, nguy cơ xảy ra sự cố, bao gồm cả tràn dầu trên đất liền và trên các tuyến sông. Vì vậy, tổ chức diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu là hoạt động nhằm chủ động phòng ngừa và ứng phó kịp thời, hiệu quả khi có tình huống xảy ra.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, sau buổi diễn tập, các cơ quan truyền thông tiếp tục tuyên truyền, lan tỏa thông tin rộng rãi ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố tràn dầu. Các địa phương nhận thức đầy đủ về vận hành cơ chế, phương án xử lý, rút ra kinh nghiệm chủ động phân công lực lượng, đề xuất trang bị phương tiện, trang thiết bị đảm bảo phục vụ công tác ứng phó sự cố tràn dầu thời gian tới.
Lực lượng ứng phó sự cố thả thiết bị hút dầu tràn.
Diễn tập gồm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1, Ban Chỉ huy ứng phó sự cố tràn dầu của cảng chỉ huy, lực lượng cơ sở triển khai công tác cứu nạn, cứu hộ, phòng ngừa cháy nổ; sơ tán và bảo vệ hiện trường; Giai đoạn 2, UBND huyện Châu Thành tăng cường công tác ứng phó sự cố; Giai đoạn 3, UBND tỉnh chỉ đạo công tác ứng phó sự cố.
Cuộc diễn tập nhằm tuyên truyền sâu rộng đến doanh nghiệp, người dân trong công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố tràn dầu. Trên cơ sở diễn tập, tỉnh kịp thời kiểm tra, đánh giá khả năng phối hợp, tăng cường năng lực chỉ đạo, điều hành, kỹ năng của các lực lượng trong ứng phó sự cố tràn dầu. Địa phương rút kinh nghiệm để điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu tỉnh, hoàn thiện phương án xử lý sự cố chủ động, sẵn sàng trong ứng phó khi có tình huống thật xảy ra; đầu tư trang thiết bị, vật tư phục vụ công tác ứng phó sự cố tràn dầu.
Cảnh sát PCCC và CNCH tham gia chữa cháy khu vực xảy ra sự cố.
Tại Hậu Giang, hiện có các kho, trạm, cảng xăng dầu gồm: Kho PETIMEX, trữ lượng 90.000m3; Kho Nam Sông Hậu, trữ lượng 70.000m3; Kho Thiên Phước trữ lượng 4.000m3; Bến cảng tổng hợp Vinalines Hậu Giang; Bến cảng Công ty Cổ phần thương mại đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu - Chi nhánh Cần Thơ; Bến cảng chuyên dùng quốc tế Lee&Man.
Ngoài ra, tỉnh còn có mạng lưới cửa hàng kinh doanh xăng dầu phân bố dọc theo trục đường giao thông trên tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện và đường xã.
Tin, ảnh: Hồng Thái (TTXVN)