Bệnh nhi mắc virus RSV tăng khá mạnh so với cùng kỳ
Trong số hơn 50 bệnh nhi điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh hiện có 15 bệnh nhi mắc RSV điều trị, thời điểm đông, khoa tiếp nhận điều trị trên 30 bệnh nhi mắc vi-rút này.
Nhiều bệnh nhi mắc bệnh do vi-rút RSV điều trị tại Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh.
Bác sỹ Hoàng Tùng, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh cho biết: "Trong thời gian khoảng hai tuần gần đây, bệnh do virus RSV tăng khá mạnh so với cùng kỳ. Đặc điểm của bệnh do vi-rút RSV đa phần sẽ bị nhiễm ở những trẻ nhỏ, trẻ dưới 12 tháng và đặc biệt là nhóm trẻ là từ 0 đến 6 tháng tuổi hay gặp tình trạng suy hô hấp, thời gian điều trị sẽ lâu nhất. Những nhóm trẻ lớn hơn như từ 1 tuổi đến 3 tuổi mắc RSV biểu hiện thường là viêm đường hô hấp dưới, những biểu hiện suy hô hấp có, nhưng sẽ ít hơn".
Bệnh nhi chỉ 1 tháng tuổi mắc vi-rút RSV.
Bệnh nhi nhỏ tuổi nhất đang điều trị trong Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh do lây nhiễm vi-rút hợp bào hô hấp RSV chỉ mới 1 tháng tuổi.
Chị Phùng Thị Huệ, ở phường Lào Cai là mẹ của em bé chia sẻ: Con tôi sinh non khi 35 tuần tuổi, cân nặng 1,8kg nên sức đề kháng yếu. Con còn quá nhỏ đã mắc vi-rút này, con ho nhiều, sốt cao khiến tôi vô cùng lo lắng. Sau vài ngày điều trị các triệu chứng của con đã thuyên giảm.
Bác sỹ Hoàng Tùng - Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh khám sức khỏe cho trẻ.
Chị Đỗ Thị Hà ở xã Mường Khương có con nhỏ 2 tuổi đang điều trị. Chị chia sẻ: Ban đầu con tôi bị ho, sốt nhẹ nên chỉ nghĩ cháu chỉ bị cảm sốt thông thường, tuy nhiên khi triệu chứng của con nặng nên tôi đưa con đến bệnh viện để điều trị và được bác sỹ làm xét nghiệm mới biết rằng con bị mắc vi-rút RSV. Các bác sỹ thường xuyên quan tâm, và hướng dẫn tôi cách chăm sóc con để con nâng cao thể trạng.
Vi-rút RSV (Respiratory Syncytial Virus) là nguyên nhân phổ biến gây nhiễm trùng hô hấp dưới ở trẻ em dưới 2 tuổi. Trẻ sinh non, trẻ có bệnh lý nền (tim bẩm sinh, phổi mạn tính), hoặc hệ miễn dịch yếu là những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh nặng do RSV. Vi-rút lây lan qua đường hô hấp, thông qua dịch tiết mũi họng, giọt bắn khi ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc với bề mặt có vi-rút.
Trẻ bị lây nhiễm vi-rút RSV thường có những biểu hiện như: khó thở, thở khò khè và chảy nước mũi, ho nhiều, sốt cao, đau họng nhẹ, đau tai, trẻ thường quấy khóc, không nhanh nhẹn, người mệt mỏi, ngủ không ngon, bỏ bú hoặc bú kém, ăn kém… Nhiễm virus hợp bào hô hấp RSV có thể gây biến chứng viêm tiểu phế quản hoặc viêm phổi với biểu hiện như: khó thở, thở nhanh hơn bình thường, thở khò khè, ho ngày càng nặng, nôn ói…
Chủ động phòng chống lây nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV)
Trước tình trạng số bệnh nhi gia tăng, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản – Nhi đã phân loại bệnh nhân theo từng mặt bệnh (ca nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV)) ở những khu riêng biệt, phòng bệnh riêng để hạn chế tối đa lây nhiễm chéo giữa các bệnh nhi.
Nước sát khuẩn được bố trí trước cửa phòng bệnh.
Bác sỹ Hoàng Tùng, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản - Nhi nhấn mạnh: "Hiện tại vẫn chưa có vắc-xin phòng ngừa lây nhiễm vi-rút RSV ở trẻ. Để phòng bệnh, việc đầu tiên chúng ta nên làm giống với những bệnh do vi-rút khác là nâng cao thể trạng, tránh những nhiễm trùng kèm theo, bổ sung thêm các vitamin, khoáng chất để hỗ trợ miễn dịch cho trẻ. Bên cạnh đó là những hành động nhỏ như: vệ sinh tay sạch sẽ, che miệng khi ho và hắt hơi, hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh, vệ sinh không gian sống…".
Điều dưỡng tuyên truyền cách phòng bệnh, chăm sóc trẻ.
Sắp đến tháng 8, bước sang giao mùa hè - thu, thời tiết biến đổi và số ca nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV) đang gia tăng, gây ra các bệnh lý hô hấp, đặc biệt là ở trẻ em cũng sẽ biến đổi, đặc biệt là các bệnh cho vi-rút sẽ diễn biến phức tạp. Điển hình nhất là vi-rút RSV, cúm A,B lây lan mạnh.
Ngoài ra còn có những bệnh khác như: tiêu chảy do Rota vi-rút hoặc tiêu chảy do nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, bệnh viêm não, viêm đường hô hấp sẽ tiến triển vào thời gian tới. Chính vì vậy, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh, đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, tránh những biến chứng không mong muốn - Bác sỹ Hoàng Tùng khuyến cáo.
Phương Thảo