Mưa lớn diện rộng kéo dài
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 20/7, bão số 3 tiếp tục di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 20 - 25km/giờ. Sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 - 12, giật cấp 15.
Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, dự kiến khoảng trưa ngày 22/7, bão số 3 sẽ tiệm cận đất liền các tỉnh, TP khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa. Sức gió giảm xuống cấp 8, giật cấp 10.
“Ảnh hưởng của bão sẽ gây mưa lớn diện rộng kéo dài từ ngày 21 - 24/7/2025 ở khu vực Bắc Bộ. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập úng tại vùng trũng thấp và đô thị…” - ông Mai Văn Khiêm thông tin thêm.
Nhận định về hướng di chuyển của bão số 3.
Chủ động ứng phó bão số 3, Bộ đội Biên phòng đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho cho 43.422 phương tiện/181.873 người biết diễn biến, hướng đi của bão để chủ động phòng tránh. Hiện, không có phương tiện hoạt động tại khu vực Bắc biển Đông (khu vực ảnh hưởng của bão).
Dù vậy, nguy cơ đối với thủy sản vẫn rất lớn. Phó Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Vũ Duyên Hải cho biết, tổng diện tích nuôi trồng tại các tỉnh, TP ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa lên tới 126.583ha. Dự kiến khoảng 19.099 lồng bè, 3.693 chòi canh nuôi trồng thủy sản có nguy cơ bị ảnh hưởng của bão và mưa lũ.
Tại khu vực Bắc Bộ hiện cũng có 47 hồ đang sửa chữa, nâng cấp. Hệ thống đê biển, đê cửa sông các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa còn tồn tại 20 trọng điểm đê điều xung yếu, có nguy cơ ảnh hưởng bởi bão số 3…
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội kiểm tra trọng điểm đê điều xung yếu cống Liên Mạc.
Sẵn sàng phương châm “4 tại chỗ”
Trước diễn biến nguy hiểm của bão số 3, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã có nhiều công điện chỉ đạo UBND các tỉnh, TP ở khu vực Bắc đề nghị triển khai các biện pháp ứng phó. 13 tỉnh, TP ở khu vực Bắc Bộ (bao gồm cả Hà Nội) cũng đã ban hành văn bản để tập trung ứng phó với bão số 3.
Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Phạm Đức Luận cho biết, những ngày qua, đơn vị tăng cường công tác trực ban 24/24 giờ; tham mưu chỉ đạo ứng phó với bão; đồng thời tổ chức gửi tin nhắn Zalo đến 35 triệu người dùng khu vực Bắc Bộ và ven biển từ Quảng Ninh đến Đắk Lắk cảnh báo và hướng dẫn kỹ năng an toàn trước thiên tai.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hoàng Hiệp, bão số 3 được nhận định sẽ gây mưa rất lớn nên các bộ, ngành, địa phương không được phép chủ quan. Trong đó, đặc biệt lưu ý bảo đảm an toàn trên biển, ven biển và nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt trong đất liền.
Khắc phục một sự cố đê điều tại tỉnh Bắc Ninh.
Liên quan đến an toàn các hồ chứa, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết hầu hết các hồ chứa ở miền Bắc đang khá đầy. Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã chỉ đạo các chủ hồ triển khai việc xả lũ, hạ mực nước các hồ chứa về ngưỡng an toàn, đồng thời yêu cầu các công ty, đơn vị đảm bảo quy trình vận hành hồ chứa, tránh trường hợp rơi vào tình huống khẩn cấp như đã xảy ra ở hồ thủy điện Thác Bà năm 2024.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng đề nghị các địa phương khẩn trương hoàn thành việc sửa chữa, khắc phục sự cố hư hỏng đê điều đã xảy ra trong thời gian vừa qua; kiểm tra, rà soát toàn bộ công trình đê điều, phương án hộ đê trên địa bàn; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị để chủ động triển khai khi có sự cố, tình huống xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”.
“Do đây là cơn bão đầu tiên khi bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp mới đi vào hoạt động nên đòi hỏi sự chủ động rất lớn ở các địa phương, đặc biệt ở cấp xã để chủ động phòng ngừa, triển khai biện pháp từ sớm từ xa, đảm bảo an toàn cho người dân, giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra…” - Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh yêu cầu.
Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội Nguyễn Duy Du cho biết, Hà Nội đang chỉ đạo các sở ngành, phường, xã tập trung thực hiện nghiêm Công điện số 4594/CĐ-BNNMT của Bộ Nông nghiệp và Môi trường về việc ứng phó với bão số 3. Trong đó, sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị để hộ đê; chủ động ứng phó với các sự cố, tình huống có thể xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ” nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Tùng Nguyễn