Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc Chủ tịch Quốc hội được báo cáo một chuyên đề về hoạt động của Quốc hội tại hội nghị chính là thể hiện sự đổi mới, đoàn kết, thống nhất rất cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và của cả hệ thống chính trị, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới; khẩn trương đưa chủ trương của Đảng vào thực tiễn cuộc sống, giải quyết những vấn đề quan trọng, cấp bách của đất nước; tập trung, nhanh tháo gỡ, khơi thông 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, trong đó thể chế là "điểm nghẽn" của "điểm nghẽn"; tạo tiền đề, chuẩn bị ngay về mọi mặt để đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hội trường Diên Hồng.
Chủ tịch Quốc hội đã quán triệt 3 nội dung cơ bản: Căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn đặt ra yêu cầu đổi mới hoạt động của Quốc hội nhằm "tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế"; Những đổi mới từ tư duy đến hành động trong quá trình chuẩn bị, tổ chức và những kết quả đạt được của Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV; Nhiệm vụ trong thời gian tới, trọng tâm là để các luật, nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua đi vào thực tiễn.
Về căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn đặt ra yêu cầu đổi mới hoạt động của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV được tiến hành ngay sau thành công tốt đẹp của Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII, đánh dấu mốc quan trọng với chủ trương mở ra "cánh cửa lịch sử" bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Vì vậy, Kỳ họp thứ 8 đã diễn ra với tinh thần đổi mới, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, tập trung cao độ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống của nhân dân.
Đặc biệt, tại phiên khai mạc kỳ họp, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài phát biểu quan trọng, chỉ đạo những định hướng nhằm tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động của Quốc hội; trong đó có nêu những tồn tại, hạn chế trong hoạt động của Quốc hội cần sớm khắc phục. Đó là: chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi; các quy định chưa thực sự đồng bộ, còn chồng chéo, nhiều quy định còn khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực; chưa tạo môi trường thực sự thuận lợi để thu hút nguồn lực của các nhà đầu tư trong và nước ngoài, khơi thông nguồn lực trong dân.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trình bày chuyên đề tại hội nghị.
"Những tồn tại, hạn chế kéo dài đã nhiều năm cần khẩn trương khắc phục, không để cản trở phát triển, gây lãng phí, lỡ thời cơ phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhưng trọng trách rất lớn đặt lên vai của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội và Chính phủ" - Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
Cùng với đó, Nghị quyết số 27 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII xác định một trong các mục tiêu và giải pháp quan trọng là xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, ổn định, khả thi, dễ tiếp cận, mở không gian cho đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững. Đồng thời, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định nguyên tắc trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật là phải bảo đảm khả thi, tiết kiệm, hiệu quả, kịp thời, dễ tiếp cận, dễ thực hiện; bảo đảm yêu cầu cải cách hành chính.
Trên cơ sở đó, nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, Nghị quyết của Đảng, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước; giải quyết những vấn đề có tính tất yếu khách quan đặt ra từ thực tiễn, tại Kỳ họp họp thứ 8, Quốc hội đã khẩn trương, quyết liệt đẩy mạnh đồng bộ nhiều giải pháp đổi mới, cải tiến để quyết tâm nâng cao chất lượng xây dựng và hoàn thiện pháp luật.
Quang cảnh hội nghị.
Đặc biệt là sự đổi mới sâu sắc về tư duy và phương pháp tiến hành công tác lập pháp. Chính vì vậy, số lượng các chương, điều, khoản trong các dự thảo luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý đã giảm đáng kể so với dự thảo luật ban đầu do Chính phủ trình. Quốc hội đã xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, tạo đột phá để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát huy tối đa nguồn lực, kiến tạo không gian phát triển mới.
Hoạt động giám sát đi vào thực chất, hiệu quả, kịp thời chấn chỉnh các sai sót, hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện của các cấp ngành, địa phương, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tạo chuyển biến thực sự trong thực tiễn. Trên cơ sở Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định, hoàn thành công việc của 50 tỉnh, thành phố (giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện, 544 đơn vị hành chính cấp xã) theo đúng yêu cầu của Nghị quyết số 38, Kết luận số 48 của Bộ Chính trị. Đây là cơ sở quan trọng để các địa phương trong cả nước sớm ổn định tổ chức bộ máy, tiến hành thành công Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh việc tổ chức triển khai nhanh chóng, kịp thời các luật, nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua, khẩn trương quán triệt tinh thần đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật có hiệu quả, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực trong hệ thống chính trị và toàn dân. Chủ động phối hợp chuẩn bị nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 9, thứ 10 Quốc hội khóa XV; chuẩn bị tổng kết toàn quốc hoạt động của HĐND, đoàn đại biểu Quốc hội năm 2024; chú trọng việc lan tỏa sâu rộng cho các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy và trách nhiệm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...
Quỳnh Vinh