Ảnh minh họa.
Theo Người Đưa Tin pháp luật, quy định hiện hành nêu rõ, mỗi GPLX sẽ có 12 điểm, thông tin điểm được tích hợp trên ứng dụng VNeID tại mục "Giấy phép lái xe". Tùy theo mức độ và tính chất hành vi vi phạm, người điều khiển phương tiện sẽ bị trừ điểm trong bằng lái với mức cao nhất là 10 điểm.
Trường hợp bị trừ hết 12 điểm, người lái xe không được tiếp tục điều khiển phương tiện tương ứng với loại GPLX đó. Tuy nhiên, nếu vẫn cố tình điều khiển phương tiện, người vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 168/2024/NĐ-CP (Nghị định 168).
Cụ thể, theo khoản 5, Điều 18, Nghị định 168, người điều khiển mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh đến 125 cm³ hoặc công suất động cơ điện đến 11 kW với bằng lái đã bị trừ hết điểm sẽ bị phạt tiền 2 - 4 triệu đồng. Mức phạt này áp dụng cho các loại xe máy phổ thông và xe điện có công suất nhỏ.
Theo khoản 7, Điều 18, Nghị định 168, người điều khiển mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh trên 125 cm³ hoặc công suất động cơ điện trên 11 kW dùng giấy phép lái xe đã bị trừ hết điểm sẽ bị xử phạt từ 6 - 8 triệu đồng.
Trường hợp người điều khiển ô tô, xe tương tự ô tô, xe chở người hoặc chở hàng bốn bánh có gắn động cơ khi bằng lái đã không còn điểm, căn cứ theo khoản 9, Điều 18 của Nghị định 168 sẽ bị xử phạt 18 - 20 triệu đồng.
Như vậy, Nghị định 168 đã quy định rõ mức phạt đối với người điều khiển phương tiện khi bằng lái bị trừ hết điểm làm 3 trường hợp, gồm: điều khiển mô tô hai bánh có dung tích đến 125 cm³ hoặc mô-tơ điện công suất đến 11 kW; điều khiển mô tô có dung tích trên 125 cm³ hoặc công suất mô-tơ điện trên 11 kW và điều khiển ô tô, xe tương tự ô tô, xe chở người hoặc hàng bốn bánh có gắn động cơ. Mức phạt dao động 2 - 20 triệu đồng tùy trường hợp.
Thông tin mới trên báo Lao động, sáng 18.7, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết đơn vị vừa có chỉ đạo Phòng Cảnh sát giao thông công an các tỉnh, thành phố phải tập trung, huy động tối đa cán bộ, chiến sĩ sát hạch viên để tập trung công tác cấp đổi, sát hạch giấy phép lái xe cho người dân.
Đối với địa phương nào thiếu sát hạch viên, Cục CSGT sẽ tăng cường sát hạch viên của Cục hoặc của các địa phương khác để đảm bảo yêu cầu công tác. Hạn định cho các địa phương là hoàn thành trước ngày 30.7.2025.
"Đề nghị người dân đã học, đủ điều kiện sát hạch liên hệ với trung tâm nơi học hoặc Phòng CSGT Công an địa phương nơi cư trú, công tác để nắm lịch thi, sắp xếp thời gian dự sát hạch" - Cục CSGT thông tin.
Theo thống kê, tại thời điểm chuyển giao công tác sát hạch, cấp giấy phép lái xe sang Bộ Công an (tháng 3.2025), cả nước còn khoảng 705.000 học viên đã hoàn thành chương trình đào tạo nhưng chưa sát hạch.
Hiện, Bộ Công an đã tiếp nhận dữ liệu với hơn 60,5 triệu giấy phép lái xe, đồng thời chỉnh sửa nâng cấp phần mềm sát hạch, cấp giấy phép lái xe.
Ngoài ra, ứng dụng VNeID đã được tích hợp 43 tiện ích, trong đó có gần 19 triệu giấy phép lái xe điện tử và khoảng 7 triệu giấy đăng ký phương tiện đã được tích hợp.
Bộ Công an khẳng định người dân hoàn toàn có quyền sử dụng thông tin về giấy tờ xe, bằng lái xe... đã tích hợp trên VNeID. Những thông tin này có giá trị tương đương với giấy tờ vật lý.
Khi kiểm tra, CSGT sẽ khai thác dữ liệu từ các ứng dụng này hoặc phần mềm chuyên ngành để kiểm tra, xử lý vi phạm.
Nhật Hạ (t/h)