Chuẩn hóa dòng vốn cho tăng trưởng xanh

Chuẩn hóa dòng vốn cho tăng trưởng xanh
7 giờ trướcBài gốc
Việc thúc đẩy tăng trưởng xanh nổi lên như một yêu cầu tất yếu để vừa duy trì tốc độ tăng trưởng cao vừa bảo vệ môi trường. Ảnh: Internet
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hội nhập toàn cầu sâu rộng, những biến động trong chuỗi cung ứng và xu hướng phát triển “xanh” trên thế giới cũng tạo sức ép buộc Việt Nam phải thay đổi chiến lược phát triển.
Bản kiến nghị chính sách quý II/2025 của nhóm chuyên gia Đại học Kinh tế Quốc dân mới đây cho rằng, để thực hiện các mục tiêu trên, Việt Nam cần thực hiện một số chính sách quan trọng nhằm giải quyết các thách thức về tài chính, công nghệ, hạ tầng và nhận thức cộng đồng.
Một trong những yếu tố quan trọng là huy động đủ nguồn lực tài chính để triển khai các dự án năng lượng tái tạo, công nghệ sạch và mô hình kinh tế tuần hoàn.
Các chuyên gia Đại học Kinh tế Quốc dân khuyến nghị, Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ, bao gồm việc tạo ra các công cụ tài chính như trái phiếu xanh, các quỹ đầu tư vào năng lượng tái tạo và các dự án bảo vệ môi trường. Đồng thời, cần khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, vào các dự án xanh thông qua các ưu đãi về thuế và tín dụng.
Việt Nam cần cải cách các chính sách hiện hành để tạo ra một môi trường kinh doanh thân thiện với các doanh nghiệp xanh.
Điều này bao gồm việc cung cấp các ưu đãi thuế, miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ sạch và năng lượng tái tạo.
Cũng như tạo ra các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh, thông qua các khoản vay ưu đãi và trợ cấp đầu tư.
Trên thực tế, nhận thức được vấn đề này, nhiều ngân hàng đã đưa ra các chương trình tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp hướng tới phát triển xanh, phát triển bền vững. Nhiều ngân hàng cũng đã phát hành thành công trái phiếu xanh theo tiêu chuẩn và nguyên tắc quốc tế, nhằm tài trợ cho các dự án và lĩnh vực xanh.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 3/2025, đã có 58 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt trên 704.244 tỷ đồng, tăng 3,57% so với cuối năm 2024, chiếm tỷ trọng 4,3% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
Mục tiêu mà tín dụng xanh hướng tới là các lĩnh vực xanh như năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng hiệu quả, giao thông vận tải sạch, công trình xanh, quản lý nước và nước thải bền vững, chống biến đổi khí hậu...
Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, đã yêu cầu đẩy mạnh phát triển tín dụng xanh, Nhà nước có cơ chế hỗ trợ lãi suất và khuyến khích các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho doanh nghiệp tư nhân vay để triển khai các dự án xanh, tuần hoàn và áp dụng khung tiêu chuẩn môi trường, xã hội, quản trị (ESG).
Vì thế, để nâng cao hiệu quả, nhiều ngân hàng đã công bố Khung Tài chính bền vững (SFF). Đây không chỉ là một bản cam kết, mà là một bộ quy tắc hành động, giúp định hướng dòng vốn một cách chuẩn mực.
Các Khung Tài chính bền vững này đều được các ngân hàng phát triển phù hợp với các nguyên tắc quốc tế. Chẳng hạn, mới đây, MSB đã công bố Khung Tài chính bền vững này với sự tư vấn kỹ thuật từ Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC).
Theo đó, nguồn vốn huy động từ mỗi khoản đi vay/trái phiếu xanh, xã hội hoặc bền vững của MSB sẽ được sử dụng để tài trợ hoặc tái tài trợ cho các tài sản và dự án đủ điều kiện thuộc 8 lĩnh vực xanh, 5 mục tiêu xã hội hoặc kết hợp lĩnh vực xanh và xã hội.
Bên cạnh đó, MSB thuộc số ít ngân hàng tại Việt Nam áp dụng các chuẩn tính toán của Hiệp hội Kế toán Carbon trong ngành Tài chính (PCAF) để đo lường lượng khí thải từ hoạt động cho vay thuộc phạm vi 3 (Scope 3).
Đại diện MSB cho hay, Khung Tài chính Bền vững không chỉ là công cụ nền tảng huy động vốn, mà còn giúp định hướng chiến lược trong hoạt động cấp tín dụng, thúc đẩy ngân hàng và khách hàng cùng hướng tới tăng trưởng xanh, giảm thiểu rủi ro môi trường – xã hội.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã không ít lần cho biết sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh huy động nguồn lực; tập trung, ưu tiên bố trí nguồn vốn hợp lý, tăng dần tỷ trọng vốn tín dụng cho các dự án xanh, mang lại lợi ích môi trường…
Mặt khác, theo các chuyên gia Đại học Kinh tế Quốc dân, để các chính sách tài chính được hiệu quả, các cơ quan quản lý cần xây dựng các chính sách khuyến khích tiêu dùng xanh và thay đổi hành vi cộng đồng.
Hơn nữa, cần có các cơ chế kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm, khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất.
Hương Dịu
Nguồn Tài Chính : http://tapchitaichinh.vn/chuan-hoa-dong-von-cho-tang-truong-xanh.html