Tiêm vaccine phòng sốt xuất huyết là cách phòng bệnh chủ động.
Sự thay đổi tuýp virus gây bệnh tạo ra khoảng trống miễn dịch
Tính đến giữa tháng 7, cả nước ghi nhận hơn 32.000 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó khu vực miền nam chiếm hơn 70% tổng số ca. Một số địa phương ghi nhận số mắc tăng cao so với cùng kỳ như: Bến Tre tăng 346,5%, Tây Ninh tăng 274,3%, Long An tăng 208,6%, Đồng Nai tăng 191,7% và Thành phố Hồ Chí Minh tăng 151,4%.
Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh, một số bệnh viện lớn trên địa bàn đã bị quá tải khi tiếp nhận bệnh nhân sốt xuất huyết với hàng trăm ca rơi vào sốc do . Nhiều bệnh nhi và người lớn nhập viện trong tình trạng nguy kịch.
Theo thống kê, Bệnh viện Nhi Đồng 2 ghi nhận 4 trường hợp tử vong trên tổng số gần 700 ca bệnh sốt xuất huyết. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh cũng có gần 2.000 bệnh nhân nhập viện, trong đó 4 ca đã tử vong.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết Bệnh viện Nhi đồng 1 (Thành phố Hồ Chí Minh), có khoảng 20-30% bệnh nhi đến khám do sốt xuất huyết đã phải nhập viện do có dấu hiệu cảnh báo bệnh chuyển nặng. Hiện bệnh viện đang điều trị cho 50-60 bệnh nhân nặng với nhiều ca rơi vào biến chứng sốc, suy đa cơ quan khiến quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn.
Điều đáng chú ý là nếu như trước đây, bệnh chủ yếu mắc và trở nặng ở trẻ nhỏ thì hiện độ tuổi mắc có khuynh hướng chuyển sang nhóm trẻ lớn hơn từ 10-15 tuổi và người lớn, cho thấy bất cứ ai cũng có nguy cơ mắc sốt xuất huyết.
Bác sĩ Tuấn cảnh báo năm 2025, sốt xuất huyết có khả năng bùng phát rất cao vì rơi vào chu kỳ dịch 3-5 năm, tương tự đợt dịch lớn năm 2022 với hơn 370.000 ca mắc và 140 ca tử vong.
Đặc biệt đáng chú ý, theo các nghiên cứu giám sát dịch tễ, Việt Nam lưu hành cả 4 tuýp virus sốt xuất huyết (Den-1, Den-2, Den-3, Den-4). Tuy nhiên, hiện tuýp virus Den-2 đang chiếm ưu thế trong cộng đồng so với Den-1 trước đây.
Đây là chủng có khả năng gây ra các biến chứng nghiêm trọng như sốt xuất huyết nặng và hội chứng sốc do sốt xuất huyết, đồng thời liên quan đến các đợt bùng phát dịch cao hơn.
Sự thay đổi tuýp virus gây bệnh cũng tạo ra khoảng trống miễn dịch, khiến số ca sốt xuất huyết dễ tăng cao. Nguy hiểm hơn, người đã từng mắc các tuýp virus khác trước đây cũng có nguy cơ gặp biến chứng nặng khi tái nhiễm với tuýp virus Den-2.
Trẻ nhỏ tiêm vaccine phòng sốt xuất huyết.
Lưu ý trong mùa sốt xuất huyết năm nay
Hiện sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Các phương pháp điều trị bệnh chủ yếu là điều trị theo triệu chứng. Một số người mắc sốt xuất huyết giai đoạn đầu không có triệu chứng rõ rệt, chủ quan tự mua thuốc uống hoặc tự điều trị tại nhà.
Tuy nhiên, bệnh có thể đột ngột trở nặng ở giai đoạn giảm sốt hoặc hết sốt từ ngày thứ 3-7. Người bệnh cần đặc biệt chú ý các dấu hiệu bất thường để nhập viện kịp thời. Nếu điều trị chậm trễ, người bệnh có thể nhanh chóng rơi vào sốc, giảm tiểu cầu, thoát huyết tương, cô đặc máu khiến các cơ quan nội tạng không nhận đủ máu và oxy dẫn đến suy đa cơ quan.
Theo bác sĩ Tuấn, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người có cơ địa thừa cân béo phì, người lớn tuổi, người mắc các bệnh nền mạn tính với hệ miễn dịch yếu cần theo dõi sát các triệu chứng của sốt xuất huyết để nhập viện kịp thời.
Phụ nữ mang thai nhiễm sốt xuất huyết còn tăng nguy cơ sảy thai, sinh non, nhất là giai đoạn chuyển dạ, nguy cơ xuất huyết nặng và gặp các biến chứng có thể ảnh hưởng đến thai nhi. Mẹ mắc sốt xuất huyết chuyển dạ có thể truyền virus cho trẻ khi chào đời, khiến trẻ có nguy cơ tử vong cao.
Một người có thể mắc căn bệnh này đến 4 lần, lần sau có thể nặng hơn lần trước. Theo bác sĩ chuyên khoa I Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, sau khi mắc sốt xuất huyết lần đầu, cơ thể tạo kháng thể đặc hiệu dài hạn chống lại type virus đó và có miễn dịch chéo tạm thời với các type khác khoảng 6 tháng.
Tuy nhiên, khi tái nhiễm với một tuýp virus khác, kháng thể cũ có thể liên kết với virus Dengue mới gây hiện tượng “tăng cường phụ thuộc kháng thể” (ADE), khiến cơ thể không đủ khả năng trung hòa và tiêu diệt virus nên virus xâm nhập vào các tế bào miễn dịch dễ dàng hơn, làm tăng mức độ phản ứng viêm, kích hoạt “cơn bão cytokine” tấn công ngược các tế bào và cơ quan khỏe mạnh.
Việc này khiến tình trạng xuất huyết nặng hơn, gây chảy máu ồ ạt, suy giảm chức năng đa cơ quan, thậm chí tử vong. Tái nhiễm sốt xuất huyết có thể gây bệnh nặng, tỷ lệ tử vong cao gấp nhiều lần so với lần đầu tiên.
Việt Nam đã chính thức sử dụng vaccine sốt xuất huyết Takeda (Nhật Bản) từ tháng 9/2024. Vaccine phòng ngừa đầy đủ 4 type virus sốt xuất huyết (Den-1, Den-2, Den-3, Den-4), được chỉ định cho trẻ em từ 4 tuổi và người lớn. Người chưa mắc bệnh hay đã mắc bệnh đều cần tiêm để giảm nguy cơ nhiễm, tái nhiễm và biến chứng nặng.
Lịch tiêm đơn giản chỉ 2 mũi cách nhau 3 tháng, ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh hơn 80% và nguy cơ nhập viện hơn 90%. Vaccine này không dùng cho phụ nữ mang thai nên cần tiêm xong ít nhất 1-3 tháng trước khi có thai.
Sau 10 tháng triển khai, VNVC đã thực hiện tiêm chủng an toàn hàng trăm nghìn mũi vaccine cho trẻ em và người lớn trên toàn quốc. Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của sốt xuất huyết hiện nay, lượng người dân đến tiêm vaccine sốt xuất huyết phòng bệnh tại VNVC đang tăng gần 50%.
Bác sĩ Chính lưu ý người dân cần tiêm vaccine sốt xuất huyết sớm, không đợi cao điểm mùa dịch mới tiêm chủng. Lý do là sau tiêm, vaccine cần trung bình 2 tuần để tạo kháng thể bảo vệ. Mỗi người cần tiêm đủ 2 mũi vaccine mới đạt hiệu quả bảo vệ tối đa. Việc này giúp giảm tỷ lệ mắc sốt xuất huyết, biến chứng, tốn kém chi phí điều trị.
Bên cạnh tiêm vaccine sốt xuất huyết từ sớm, người dân nên tiếp tục chủ động diệt muỗi, bọ gậy và phòng chống muỗi đốt bằng cách dùng bình xịt, các dụng cụ diệt muỗi; loại bỏ các dụng cụ chứa nước thải, nước đọng, nuôi cá trong bể nước để diệt bọ gậy; mặc quần áo dài tay, ngủ màn kể cả ban ngày…
MẠNH TRẦN